Số lượng người mang rác đến đổi và số lượng rác mang đến tăng dần theo từng năm, khẳng định sự thành công của mô hình
Khoảng giữa tháng 6 hàng năm, người dân ở xã Long Trạch, huyện Cần Đước lại nghe Đài Truyền thanh xã thông báo về việc mang rác thải đi đổi quà. Như một thông lệ, người dân khắp các ấp lại nhắc nhau chuẩn bị mang rác ra ấp Cầu Tràm đổi nhu yếu phẩm.
Cũng như những người khác, khi nghe Đài Truyền thanh xã thông báo, cô Nguyễn Thị Thu Nga, ngụ ấp Cầu Xây, lại vội vã thu gọn lại số rác nylon tại nhà mang ra điểm đổi. Dù hôm ấy có bận việc gì, gia đình cô cũng sắp xếp đi đổi rác. Cô giải thích: “Chương trình đổi rác do Đoàn xã phối hợp một công ty ở TP.HCM thực hiện. Mỗi năm chỉ đổi 1 lần, thường là trong một buổi nên gia đình tôi luôn tranh thủ mang rác đi đổi. Năm nào cũng mấy mươi bao rác nylon chứ đâu có ít!”. Cô Nga cho biết, gia đình cô nuôi cá nên rác thải nylon từ túi thức ăn cho cá rất nhiều. Mỗi khi sử dụng xong, cô rửa sạch túi, cho vào khu dự trữ riêng chờ đến thời điểm đem đi đổi rác.
Khi được hỏi vì sao cô lại trữ hàng chục túi rác trong suốt một năm tại nhà, cô chia sẻ: “Túi nylon là loại rác không tiêu hủy được, cho dù có chôn hàng chục năm thì nylon vẫn còn nguyên, nếu đốt thì sinh ra khí độc rất có hại và ảnh hưởng tới môi trường. Có chương trình đổi rác này, gia đình tôi hết sức ủng hộ. Ở quê, đất rộng nên gia đình dành một miếng ở xa nhà để trữ túi nylon, khi tới đợt thì kêu xe tới chở đi đổi. Nhìn có vẻ bất tiện nhưng thực tế điều đó lại tốt hơn rất nhiều so với việc vứt bừa bãi rác thải ra môi trường, hết sức có hại!”.
Sau 6 năm thực hiện, chương trình đổi rác lấy quà tại xã Long Trạch đã trở nên quen thuộc. Người dân tự nhắc nhau giữ lại rác khó xử lý để đổi lấy quà, vừa nhận được chút nhu yếu phẩm, vừa hạn chế được lượng rác thải ra môi trường. Anh Nguyễn Quốc Việt, ngụ ấp Xoài Đôi, xã Long Trạch, cho biết, mỗi năm, anh thu gom được 3-4kg pin để đổi. Anh nói: “Trong pin có chì hết sức độc hại, nếu không xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng đến đất, nguồn nước. Từ khi biết về chương trình đổi rác lấy quà, tôi thu gom pin đã qua sử dụng lại để mang đi đổi mỗi năm. Ngoài thu gom pin của gia đình, tôi còn vận động xin pin của hàng xóm, bạn bè. Lâu dần thành thói quen, những người quen thường để dành pin, thỉnh thoảng gọi tôi sang lấy”.
Nhiều em nhỏ tham gia mang rác đến đổi vào tháng 6 hàng năm
Bí thư Đoàn xã Long Trạch - Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết: “Chương trình đổi rác lấy quà do Đoàn xã phối hợp Công ty Ji Ahsin thực hiện từ năm 2014 đến nay. Quà được đổi thường là nhu yếu phẩm, bánh, tập, viết,... Rác mang đổi là rác không xử lý được, không bán ve chai được như túi nylon, pin. Mỗi khi đến đợt đổi rác, chúng tôi thông báo rộng rãi trên đài truyền thanh, thông qua các đoàn thể trong xã để đông đảo người dân được biết. Chúng tôi mong rằng, hoạt động này sẽ phần nào giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường”. Để giúp người dân thuận tiện trong việc vận chuyển rác đi đổi, Đoàn xã chọn đặt điểm đổi rác tại ấp Cầu Tràm, ấp trung tâm của xã. Nhờ vậy, số lượng người mang rác đến đổi và số lượng rác mang đến tăng dần theo từng năm, khẳng định sự thành công của mô hình.
Để giúp người dân có thói quen tập hợp, tái chế rác thải, trước đây, nhiều tổ chức, đoàn thể thực hiện thu gom ve chai, vỏ lon bán lấy kinh phí tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo. Mô hình đổi rác lấy quà của Đoàn xã Long Trạch đã thực sự “nâng lên một bước” khi thu gom rác không tái chế được để xử lý. Mỗi túi rác được nhận và một phần quà được trao đi chính là lời tuyên truyền thiết thực nhất về ý thức bảo vệ môi trường. Đó sẽ là bài học trực quan sinh động cho các em học sinh về việc phân loại, xử lý rác để không làm ảnh hưởng đến môi trường./.
Phương Phương