Tiếng Việt | English

11/01/2020 - 15:46

Cây khóm trên vùng đất phèn Thạnh Lợi

 Anh Trần Quyền Thân đang xử lý khóm để kịp bán dịp Tết Canh Tý 2020

 Anh Trần Quyền Thân đang xử lý khóm để kịp bán dịp Tết Canh Tý 2020

Huyện Bến Lức, tỉnh Long An có diện tích trồng khóm nhiều nhất tỉnh với hơn 406ha, tập trung ở các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi. Thời gian qua, nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên cây khóm đạt năng suất, chất lượng cao, góp phần giảm nghèo, từng bước ổn định và nâng cao đời sống của nông dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Theo anh Trần Quyền Thân (SN 1983), ngụ ấp 4, xã Thạnh Lợi, người gần 10 năm gắn bó với cây khóm, trước khi gia đình anh đến đây lập nghiệp, vùng đất này như cánh đồng hoang, nay là cánh đồng bạt ngàn với diện tích 16ha khóm đang cho trái của gia đình. Để trồng khóm hiệu quả, anh Thân tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, xử lý cho cây ra trái theo ý muốn để tránh "trúng mùa, mất giá". Ngoài ra, anh còn học tập kinh nghiệm thâm canh của những nông dân giỏi đi trước và các kênh thông tin khác để áp dụng trong quá trình sản xuất.

"Bình quân khóm đạt năng suất từ 20-25 tấn/ha. Từ đầu năm đến nay, giá khóm được thương lái thu mua 8.000-10.000 đồng/kg, riêng dịp tết dao động từ 12.000-14.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi lãi khoảng 700-800 triệu đồng/năm” - anh Thân cho biết.

Xã Thạnh Lợi hiện có 1 hợp tác xã trồng khóm và 1 tổ hợp tác trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp 4 với 14 thành viên, canh tác 20ha. Để mô hình trồng khóm trên vùng đất phèn đạt hiệu quả, xã chủ trương vừa quan sát, hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, vừa chủ động nhân rộng mô mình. Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm, cây khóm có thể thích ứng với đất phèn và chịu mặn, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, cách chăm sóc đơn giản. Sau khi trồng khoảng 14-18 tháng, khóm sẽ cho thu hoạch quanh năm. Trung bình một vườn khóm thu hoạch từ 3-5 năm. 

Bà Lê Thị Lệ Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lợi, cho biết: “Trải qua nhiều thăng trầm, giờ đây, cây khóm của địa phương đang dần phục hồi và phát huy được thế mạnh, trở thành loại cây mang lại thu nhập cao cho nông dân. Chính quyền địa phương xây dựng đê bao ngăn mặn, triều cường, ngành
nông nghiệp thì tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người trồng khóm để đạt hiệu quả cao.Nhờ đó, nông dân biết cách xử lý phèn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất”.

Hiện nay, huyện đã và đang định hướng, nỗ lực xây dựng nền sản xuất hiện đại, tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho nhiều loại nông sản, trong đó có trái khóm để góp phần phát triển kinh tế địa phương, “đổi đời” cho những nông dân gắn bó với trái khóm trên vùng đất phèn./.

VIệt Hằng

 

Chia sẻ bài viết