Tiếng Việt | English

03/01/2022 - 17:59

Cây sầu riêng 'bén rễ' trên vùng đất rốn phèn

“Không ngờ cây sầu riêng lại phát triển tốt trên vùng đất phèn, mang lại thu nhập tiền tỉ cho nông dân, góp phần mở ra hướng đi mới nông dân nói riêng, cho ngành Nông nghiệp huyện Tân Thạnh nói chung”. Đây chính là chia sẻ và niềm tự hào của các cấp, các ngành và người dân huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An khi nói về cơ duyên cây sầu riêng bén rễ trên vùng đất rốn phèn.

Nông dân thu hoạch sầu riêng

Một ngày cuối tuần, chúng tôi được Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Bùi Quốc Bảo điện thoại mời về thưởng thức sầu riêng, sau đó đưa tin, viết bài về hiệu quả của cây sầu riêng trên vùng đất rốn phèn. Dù chỉ trao đổi qua điện thoại nhưng chúng tôi cảm nhận được sự tâm huyết xen lẫn niềm tự hào của đồng chí Bí thư Huyện ủy về giá trị kinh tế của cây sầu riêng mang lại cho người dân quê mình.

Theo lời mời của Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Bùi Quốc Bảo, chúng tôi sắp xếp công việc về thăm những vườn sầu riêng đang trĩu quả đang bước vào giai đoạn thu hoạch cùng niềm vui, phấn khởi của các nhà vườn sau thời gian bỏ công chăm sóc.

Hiện nay, huyện Tân Thạnh có 10 ha sầu riêng đang cho trái

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On cho biết: “Toàn huyện có khoảng 95ha trồng sầu riêng, giống Monthon và Ri6 đang phát triển rất tốt. Hiện sầu riêng từ 3 - 6 năm tuổi, trong đó có khoảng 10ha đang cho trái.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, tận dụng lợi thế địa phương có trạm bơm điện và đê bao khép kín nên nhiều nông dân mạnh dạn chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng sầu riêng.

Qua đánh giá bước đầu, năng suất, chất lượng trái sầu riêng và tuổi thọ cây không thua kém các vùng chuyên canh khác như Tiền Giang, Bến Tre,…”

Nông dân phấn khởi khi sầu riêng trúng mùa, trúng giá

Ban đầu trồng sầu riêng, nông dân cũng gặp nhiều khó khăn. Đây là loại cây rất khó tính, ưa đất phù sa, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, thường xuyên xuất hiện các loại bệnh như xì mủ, cháy lá, sâu đục thân,…Do đó nhà vườn vừa phải áp dụng khoa học kỹ thuật vừa phải tỉ mỉ chăm sóc chẳng khác nào chăm con mọn, nhất là phải chuẩn bị nguồn vốn tương đối lớn.

Bà Bạch Thị Bay, xã Tân Lập chia sẻ: “Sầu riêng từ lúc trồng đến thu hoạch, nhà vườn phải bỏ ra ít nhất 5 triệu đồng/cây nhưng chỉ cần sầu riêng cho thu hoạch được 1 năm là nông dân có lãi. Hiện gia đình tôi đang trồng 300 gốc sầu riêng, trong đó 200 gốc đang cho trái. Chỉ tính trong năm 2021, gia đình thu hoạch hơn 20 tấn sầu riêng, với giá bán 62.000 đồng/kg, gia đình tôi đã thu hồi hoàn toàn vốn, thậm chí còn có lợi nhuận”.

Khi thấy cây sầu riêng bén rễ trên vùng đất rốn phèn, Huyện ủy, UBND huyện Tân Thạnh mạnh dạn quy hoạch 600 ha tại xã Tân Lập để trồng cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Đây được xem là hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp Tân Thạnh.

Bí thư Huyện ủy - Bùi Quốc Bảo chia sẻ: “Không ngờ cây sầu riêng lại phát triển tốt trên vùng đất rốn phèn, mang lại thu nhập tiền tỉ cho nông dân, góp phần mở ra hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp huyện Tân Thạnh. Tết năm nay, nhà vườn trồng sầu riêng ai cũng  phấn khởi, ăn tết lớn, vì “trúng mùa, trúng giá”.

Nhận thấy địa phương có tiềm năng phát triển về cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng, huyện có chủ trương xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tại xã Tân Lập. Tại đây, huyện sẽ huy động các nguồn lực xây dựng đường giao thông nông thôn, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân nắm rõ quy trình trồng các loại cây ăn trái”.

Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chỉ cần về huyện Tân Thạnh sẽ được nghe người dân nơi đây “khoe” về chuyện cây sầu riêng bén rễ trên vùng đất rốn phèn, mang lại thu nhập tiền tỉ, góp phần mang đến mùa xuân ấm no và sung túc./. 

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết