Ông Sáu Hậu với “cây cưng” sầu riêng của mình
Năm trước, tôi có nghe một lãnh đạo huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An nói rằng, ở xã Bình Phong Thạnh có một nông dân trồng được sầu riêng. Tôi ngạc nhiên bởi cây sầu riêng chỉ có ở miệt vườn Bến Tre, Tiền Giang,... hay các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên, chứ ở vùng trũng Mộc Hóa lắm phèn, làm sao trồng được loại cây “khó tính” này? Thế rồi, hôm nay anh cán bộ Hội Nông dân huyện Mộc Hóa đưa chúng tôi đến thăm vườn sầu riêng của ông Sáu Hậu.
Đi dọc bờ kênh nhỏ rợp bóng dừa là những hàng sầu riêng thẳng tắp. Điểm vào những gốc sầu riêng cao lớn tỏa tán rộng là những cây bưởi lúc lỉu trái. Đây đó còn có những cây vú sữa. Khách đến thăm, được chủ mời thưởng thức vú sữa, bưởi, rồi giải khát bằng nước dừa.
Chủ trang trại là ông Lê Văn Hậu (Sáu Hậu), 55 tuổi - cái tuổi trung niên vạm vỡ lực điền. Sáu Hậu khá vui tính và cởi mở. Ông cho biết, mình từng là “bộ đội kinh tế” Đoàn 4, tham gia “tiến quân lấp kín Đồng Tháp Mười”. Xuất ngũ, về nhà có hơn 16ha đất lúa, mỗi năm 2 vụ ăn chắc, cuộc sống khá ổn định nhưng giàu thì chưa giàu mấy.
Ông có đến 6 mặt con, lớn lên lập gia đình và ra riêng, ông chia đất cho các con, chỉ giữ lại 6ha làm lúa. Đến năm 2012, ông quyết định bỏ lúa, lên liếp trồng thử 2ha bưởi và vú sữa. Thấy 2 loại cây này “chịu” đất Bình Phong Thạnh, ông liền nghĩ tới cây sầu riêng. Tại sao ở Tiền Giang, Bến Tre người ta trồng được mà mình ở kế bên họ lại không trồng thử? Nghĩ vậy, ông tham quan thực tế, học thêm kinh nghiệm và chọn giống cây.
Năm 2015, ông thuê máy đào kênh, xổ phèn, tưới tiêu, đắp mỗi mô đất (cao gần ngang ngực ông) để vừa rửa phèn, vừa khỏi bị ngập khi có lũ. Ông chọn sầu riêng giống Thái Lan và giống Mã Lai trồng thử nghiệm. Khi thấy sầu riêng bén rễ, phát triển tốt, trong 2 năm 2017, 2018, ông trồng thêm 2ha, lấp kín 4,5ha bằng các loại cây trồng (1,5ha còn lại đào kênh, mương, đắp bờ, bao đê ngăn lũ). Ông tận dụng mặt đê trồng dừa. Sầu riêng giống được mua ở Chợ Lách (Bến Tre) và Đắk Lắk với giá 350.000-370.000 đồng/cây. Vườn nhà ông có 900 cây sầu riêng, 1.000 cây bưởi, 1.000 cây dừa và khoảng 400 cây vú sữa.
Ông Sáu Hậu cho biết, vốn đầu tư cải tạo đất và mua cây giống hơn 1,5 tỉ đồng. Tiền kéo điện để chạy máy bơm nước cả trăm triệu và tiền mua ống nhựa để lắp hệ thống tưới tiêu qua đường ống ngốn hơn 500 triệu đồng nữa. Đến nay, có gần một nửa số cây sầu riêng đang đơm bông, kết trái. Nhiều cây cho trái khá to. Lao động chính ở đây là vợ chồng ông, chỉ thuê một số lao động khi cần thiết. Thấy các chị làm công đang trải tấm nylon bọc kín từng gốc sầu riêng, tôi hỏi, ông nói để kích thích những cây chưa ra bông kịp sẽ ra bông đồng loạt.
“Chừng 5 năm nữa thu lãi từ sầu riêng phải từ 200- 250 triệu đồng/ha/vụ; còn bưởi, mỗi cây cho không dưới 150kg trái, cứ vậy mà nhân 1.000 cây. Tôi chắc phải thu từ 500-700 triệu đồng/ha/vụ” - ông chắc mẩm!
Dừa đầy trái
Trông vào trang trại Sáu Hậu, tôi chợt nhớ trang trại ông Trần Hoàng Anh ở ấp 3, xã Bình Phong Thạnh. Với 7ha đất lúa, ông Hoàng Anh chuyển sang trồng nào cây ăn trái, sen lấy gương và tạo cảnh quan. Cũng như ông Hậu, ông Hoàng Anh “phủ” dừa lùn kín các mặt đê bao trang trại.
Ông còn mở du lịch sinh thái - homestay cho du khách đến câu cá, chế biến thức ăn tại chỗ cùng các loại trái cây, rau rừng và thưởng thức đờn ca tài tử. Chỗ ông Hậu có rất nhiều cá đồng. Hôm chúng tôi đến, ông tát cạn một cái hầm nhỏ, bắt được mấy chục kilôgam cá. Chúng tôi được ông đãi một tiệc cá đồng “ăn mệt nghỉ” và thưởng thức các đặc sản “cây nhà lá vườn”. Nếu đường giao thông thuận lợi, vườn sầu riêng Sáu Hậu nâng thành điểm du lịch như chỗ ông Hoàng Anh thì hay biết mấy! Tôi nghĩ vậy và mừng cho nông dân Mộc Hóa chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi rất hiệu quả.
Ký của Quang Hảo