Tiếng Việt | English

11/04/2017 - 19:11

Nhiệt liệt chào mừng 42 năm Ngày giải phóng hoàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017)

Chăm lo đời sống người dân ở vùng cách mạng

42 năm sau ngày đất nước giải phóng (30/4/1975 - 30/4/2017), những mảnh đất trên quê hương Long An từng chịu cảnh “bom cày đạn xới” đang dần hồi sinh. Các địa phương phấn đấu phát triển KT-XH, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Về Đức Lập Hạ anh hùng

Đức Hòa là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây từng gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Và mảnh đất Đức Lập Hạ là một trong số đó. Không chỉ anh hùng trong kháng chiến, hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây cùng chung tay xây dựng quê hương.

Đường dẫn vào bia truyền thống xã Đức Lập Hạ được nhựa hóa nhờ vốn ngân sách và xã hội hóaTrong chiến đấu, Đức Lập Hạ vinh dự được Nhà nước 2 lần tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (cho quân và dân Đức Lập Hạ năm 1970; cho lực lượng an ninh và nhân dân xã năm 1976). Hiện nay, với điều kiện giáp ranh TP.HCM, kinh tế Đức Lập Hạ chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ.

Từng tham gia kháng chiến, gắn bó với mảnh đất Đức Lập Hạ từ những ngày gian khổ đến nay, hơn ai hết, ông Hồ Tấn Công, ở ấp Chánh hiểu rõ những đổi thay của địa phương mình. Trong ký ức của ông, Đức Lập Hạ là mảnh đất anh hùng, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi nhà có hầm nuôi giấu cán bộ, bộ đội và trong các trận đánh, người dân là hậu phương tải thương, tiếp tế lương thực, đạn dược. Ông tự hào khi kể về sự đổi thay của quê hương: “Đức Lập Hạ bây giờ đổi thay nhiều rồi! Nhà máy, xí nghiệp mọc lên tạo việc làm cho người dân. Y tế, giáo dục, đường sá,... được đầu tư. Tất cả là nhờ ơn Đảng và Nhà nước”. 

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, địa phương không ngừng quan tâm, chăm lo đối tượng có công với nước để đền đáp một phần những hy sinh, mất mát của các gia đình trong cuộc chiến thông qua những việc làm ý nghĩa như động viên, thăm hỏi, tặng quà và xây dựng nhà tình nghĩa, tạo điều kiện các gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, Đức Lập Hạ không còn gia đình chính sách thuộc hộ nghèo. 

Trạm Y tế xã Đức Lập Hạ được xây mới

Đến Đức Lập Hạ hôm nay, nhiều người bất ngờ bởi sự thay đổi của một xã từng hứng chịu hậu quả chiến tranh. Những con đường nhựa thẳng tắp, đường liên xóm, ấp được nâng cấp và mở rộng; các khu, cụm công nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho 3.000-4.000 lao động địa phương. Và niềm vui ấy như còn được nhân lên gấp bội khi địa phương đạt chuẩn danh hiệu xã văn hóa - nông thôn mới. Không chỉ kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được mở rộng, Trung tâm Văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng, Trạm Y tế được xây mới,... làm cho bộ mặt địa phương trở nên khang trang hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lập Hạ - Nguyễn Thị Lý Ngân cho biết, có được những thay đổi đó là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện; sự đồng lòng, chung sức của nhân dân. Điều đó minh chứng qua việc huy động sức dân trong xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới.

Đặc biệt, năm 2016, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương nhựa hóa đoạn đường vào nhà bia truyền thống tại ấp Chánh với chiều dài 1,4km, kinh phí hơn 1,8 tỉ đồng (trong đó, ngân sách trên 938 triệu đồng, vốn xã hội hóa và nhân dân hơn 900 triệu đồng). Năm 2017, xã tiếp tục nhựa hóa một đoạn đường cũng tại ấp Chánh, chiều dài 1,3km, dự kiến kinh phí 2,1 tỉ đồng từ một phần ngân sách và xã hội hóa.

Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Ngoài các trường công, tại xã có 3 trường mầm non đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân. Nhờ có các công ty, xí nghiệp, người dân có thu nhập, đời sống ổn định hơn. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay rất thấp, còn 1,5%. Tuy nhiên, bà Ngân cho rằng, vì là xã công nghiệp nên địa phương có đông người lao động đến sinh sống, làm việc. Vì vậy, tình hình an ninh, trật tự tại địa phương thời gian qua có phần phức tạp hơn những nơi khác. Hiện địa phương tăng cường công tác quản lý, các hội, đoàn thể vận động xây dựng mô hình “Ánh sáng an ninh, trật tự” tại một số tuyến đường ấp nhằm bảo đảm đời sống người dân.

Chăm lo đời sống người dân biên giới

Trở lại xã biên giới Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng vào những ngày này, những hàng cây xanh mướt được cắt tỉa cẩn thận tạo cảm giác dễ chịu. Đó là con đường dẫn vào Cụm dân cư Rạch Mây, khu trung tâm hành chính xã Tuyên Bình. Không chỉ khuôn viên được trồng rất nhiều cây xanh, thảm cỏ, đủ các loại hoa mà phòng làm việc, nhà vệ sinh của UBND xã đều rất sạch sẽ. Kế bên UBND xã, các trường mầm non, Tiểu học Tuyên Bình đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Trường Tiểu học Tuyên Bình đạt chuẩn quốc gia mức độ 1

Ông Lý Văn Châu, người dân ấp Cả Bản chia sẻ: “Chúng tôi sinh sống ở quê hương này mấy chục năm qua. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề nông. Tôi thật sự vui mừng khi chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới. Cụ thể nhất là việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giúp năng suất lao động tăng lên đáng kể. Không có niềm vui nào bằng khi cách đây gần 7 năm, tôi chứng kiến cầu Chùa Nổi bắc qua sông Vàm Cỏ được hình thành. Công trình này thật sự mang lại ý nghĩa đối với người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn Tuyên Bình.

Nếu như trước kia, muốn đến được ấp Cả Bản và Chòi Mòi, nhiều người đều ngao ngán thì nay, xe máy có thể lưu thông và không còn sình lầy nữa. Không những vậy, Cụm dân cư Bình Châu A, Rạch Mây được xây dựng, tạo điều kiện cho nhiều hộ an cư, lạc nghiệp. Địa phương nâng cấp và làm mới chợ tạp hóa, thực phẩm tươi sống, khu ăn uống,... làm cho Tuyên Bình mang diện mạo mới”.

Xác định kinh tế chính là nông nghiệp, địa phương quan tâm đến chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; triển khai nhiều mô hình: Cánh đồng lớn, “1 phải - 5 giảm”, “3 giảm - 3 tăng”, tổ hợp tác bơm nước,... đến vùng lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, địa phương hợp đồng với các công ty bao tiêu sản phẩm nông nghiệp để bảo đảm quyền lợi của nông dân. Ngoài ra, hệ thống đê bao gần khép kín phục vụ tưới tiêu cho 2 vụ lúa trong năm của nông dân trong xã. Từ đó, năng suất lúa tăng so với những năm trước, đời sống người dân ổn định.

Sau ngày hòa bình lặp lại, địa phương cùng chia sẻ những khó khăn với những gia đình này. Hiện này, toàn xã có 43 hộ gia đình chính sách. Từ năm 2016 đến nay, xã xây dựng được 3 căn nhà tình nghĩa cho những người có công với nước. Công tác chi trả trợ cấp được thường xuyên và đúng đối tượng.

Từ năm 2014 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã nhận phụng dưỡng một hộ gia đình chính sách già, neo đơn. Hằng tháng, các chị thay phiên nhau đến thăm, trò chuyện, hỗ trợ nhu yếu phẩm,…cho gia đình chính sách. Tuy nhiên, ngoài những hộ dân sinh sống lâu năm tại địa phương, hiện toàn xã có 33 hộ Việt kiều Campuchia hồi hương. Cuộc sống của họ còn gặp khó khăn. Vì vậy, những năm gần đây, tỉnh, huyện và địa phương tạo điều kiện cho họ có việc làm, trợ cấp quà, tiền vào những dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh thỉnh thoảng đồng hành cùng xã trong công tác chăm lo các đối tượng này. 

Đường dẫn vào Cụm dân cư Rạch Mây và UBND xã Tuyên Bình được trồng rất nhiều cây xanh

Phó Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình - Huỳnh Thành Được thông tin, là xã biên giới nên hàng năm, địa phương được hỗ trợ nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng. Thế nhưng, do xuất phát điểm của xã thấp, người dân sinh sống bằng nông nghiệp nên công tác vận động còn gặp khó. Vì vậy, dù xã đạt danh hiệu văn hóa nhưng lộ trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 mới hoàn thành. Năm 2017, địa phương tiếp tục nạo vét kênh, mương nội đồng kết hợp nâng cấp đường tại ấp Bình Châu, Rạch Mây, Rạch Đình, Chòi Mòi; xây dựng từ 1-2 trạm bơm điện, phục vụ sản xuất nông nghiệp./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết