Tiếng Việt | English

29/08/2022 - 14:40

Chàng trai 9X 'phải lòng' gốm sứ Nhật Bản

Trong một lần đến thăm nhà bạn tại mảnh đất An Giang, anh Huỳnh Thoại Lam Sun (SN 1992, ngụ xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã “phải lòng” các sản phẩm gốm sứ. Thông qua Internet, các hội, nhóm, anh bắt đầu tìm hiểu về các loại gốm sứ tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, tuy nhiên, anh dành niềm say mê đặc biệt cho gốm sứ Nhật Bản. Từ năm 2019 đến nay, anh bắt đầu chơi và sưu tầm hàng trăm sản phẩm.

“Phải lòng” gốm sứ Nhật Bản

Bước vào không gian phòng khách của nhà anh, chúng tôi bị thu hút bởi hàng trăm sản phẩm gốm sứ được sắp xếp ngăn nắp trên chiếc kệ gỗ treo tường. Cũng trong không gian này, anh đặt bộ bàn ghế gỗ, bộ ấm trà và 1 chậu bonsai mini. Được biết, đây là góc nhỏ thân thương giúp anh giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc. Chia sẻ lý do say mê gốm sứ Nhật, anh Sun bộc bạch: “Tôi có người bạn quê ở An Giang rất đam mê sưu tầm các sản phẩm độc lạ, trong đó có gốm sứ.

Trong một lần đến thăm nhà bạn, tôi vô tình được xem và nghe câu chuyện về gốm nên rất thích. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về các sản phẩm gốm sứ trong và ngoài nước, tuy nhiên, tôi thích nhất gốm sứ Nhật. Bởi sản phẩm được làm thủ công, có vẻ đẹp bình dị, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, chất liệu làm gốm cũng rất đa dạng”.

Từ năm 2019 đến nay, anh Sun bắt đầu chơi và sưu tầm các sản phẩm gốm sứ Nhật Bản

Ngoài làm việc 8 tiếng tại Siêu thị Điện máy - Nội thất Chợ Lớn ở huyện Bến Lức, anh còn dành thời gian “săn” các sản phẩm tại nhiều cửa hàng gốm sứ Nhật ở TP.HCM và trên các livestream từ mạng xã hội, số ít được anh mua ở các trang web bán hàng đấu giá tại Nhật Bản. Gốm sứ Nhật có nhiều dòng nhưng anh chủ yếu sưu tầm các sản phẩm thuộc dòng: Tokoname, Bizen, Banko, trong đó, nhiều nhất là dòng Tokoname.

Hiện nay, thật khó để có thể thống kê hết số sản phẩm mà anh đã sưu tầm, chỉ riêng tại phòng khách có gần 200 sản phẩm, trong đó, nhiều nhất là ấm trà với gần 70 chiếc. Ngoài ra, anh còn đặt gốm tại nhiều không gian khác trong gia đình, mỗi sản phẩm có giá dao động từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng/sản phẩm.

“Nuôi dưỡng” đam mê

Có thể nói, sưu tầm gốm Nhật là thú chơi khá tốn kém. Hiện tại, anh vẫn chưa tiết lộ mức giá thật của các sản phẩm với gia đình. Anh Sun cho biết: “Một ấm trà thuộc dòng Bizen có giá thành từ 2-3 triệu đồng trở lên, ly trà phải mua riêng. Sở dĩ ấm trà thuộc dòng này có giá thành cao vì ấm được nung thủ công trong mười mấy ngày mới ra được 1 lò nung. Khi sử dụng ấm thưởng trà sẽ cho ra mùi vị thơm hơn”.

Được biết, để thẩm định giá trị của sản phẩm gốm sứ Nhật phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Dòng sản phẩm, chất liệu, kiểu dáng, đặc biệt là dựa vào tên tuổi của người làm ra chúng. Trên sản phẩm gốm sứ Nhật sẽ có triện mộc, mọi người có thể tra sản phẩm trên Internet, nghệ nhân làm sản phẩm càng nổi tiếng thì giá thành gốm càng cao, nhất là những nghệ nhân nổi tiếng hiện tại đã không còn làm gốm hoặc đã qua đời nhưng sản phẩm của họ vẫn còn lưu truyền.

Để thẩm định giá trị của sản phẩm gốm sứ Nhật Bản phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Theo anh, quá trình sưu tầm cũng khá vất vả bởi thông thường, trong 1 tấn gốm sứ Nhật được nhập về Việt Nam, chỉ có khoảng 5-10% sản phẩm độc nhưng có rất nhiều người muốn sở hữu. Tuy nhiên, việc săn được những sản phẩm độc đáo, chất lượng với “giá hời” sẽ mang lại cho người chơi cảm xúc khó tả và quá trình chờ hàng về cũng rất hồi họp. Ban đầu, anh Sun mua gốm sứ để sưu tầm và sử dụng, tuy nhiên sau hơn 1 năm anh chuyển sang kinh doanh. Các sản phẩm được bán qua mạng xã hội, khách của anh chủ yếu tại TP.HCM và các tỉnh miền Trung, miền Bắc, số ít ở miền Tây. Tuy nhiên, hiện nay, anh vẫn sưu tầm là chính, bán là phụ, bởi thú chơi này khá tốn kém nên anh mong muốn kiếm thêm thu nhập để tiếp tục “nuôi dưỡng” đam mê. Đa số các sản phẩm được trưng bày trên kệ treo tường là anh để ngắm và chỉ bán một vài món.

Anh hiện tham gia nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội, thỉnh thoảng giao lưu cùng bạn bè có chung đam mê tại TP.HCM. Theo anh, mọi người chủ yếu chia sẻ kinh nghiệm, trò chuyện, thỉnh thoảng tặng nhau một vài sản phẩm làm kỷ niệm.

Chia sẻ kinh nghiệm với những người mới “bén duyên” với gốm sứ Nhật Bản, anh Sun nói: “Trước khi mua, người chơi phải nghiên cứu thật kỹ để tránh bị mua nhầm, đặc biệt, nên mua tại những địa chỉ uy tín hoặc nhờ người có kinh nghiệm tư vấn, giới thiệu. Trường hợp mua online phải chuyển khoản thanh toán cho người bán 100% thì họ mới ship hàng nên cần cẩn thận”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh tự nhận mình có nhiều sở thích nhưng các sở thích thường “nhanh đến và cũng nhanh đi”, vừa nói, anh vừa chỉ tay vào bể cá rồng trước mặt: “Tôi có sở thích nuôi cá rồng nhưng chơi được hơn 1 năm thì bắt đầu chán nhưng mê gốm thì hơn 3 năm nay. Tôi nhận thấy đã “nghiện” gốm thì khó bỏ”.

Trong tương lai, anh mơ ước sẽ mở cửa hàng chuyên bán các sản phẩm gốm sứ Nhật. Chúc cho anh sẽ luôn “cháy” hết mình với đam mê và sớm thực hiện được ước mơ của mình./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích