Tiếng Việt | English

25/03/2017 - 08:18

Chấp nhận rủi ro vì sức khỏe người dân

Tiếp xúc với người bệnh truyền nhiễm thường xuyên nên nguy cơ nhiễm bệnh đối với các y, bác sĩ là điều không thể tránh. Thế nhưng, vì ý nghĩa cao đẹp của nghề thầy thuốc, vì sức khỏe bệnh nhân (BN), họ vẫn ngày đêm tận tụy làm công việc thầm lặng, chẳng quản ngại khó khăn...

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn luôn quan tâm chăm sóc bệnh nhân

Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, những người thầy thuốc dù được phân công ở bất kỳ nơi đâu, làm nhiệm vụ nào vẫn luôn tận tụy, hết lòng vì người bệnh. Nguy cơ lây nhiễm chéo trong môi trường y tế không chỉ xảy ra giữa BN mà ngay chính các y, bác sĩ cũng không tránh khỏi. Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Long An là một trong những môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao vì thường xuyên tiếp xúc với người bệnh truyền nhiễm. Trưởng khoa Nhiễm - bác sĩ Đặng Anh Tuấn cho biết: “Những bệnh mà y, bác sĩ của khoa thường xuyên tiếp xúc là quai bị, thủy đậu, viêm gan siêu vi B, C, HIV/AIDS, sởi,... Trung bình, mỗi ngày chúng tôi tiếp xúc với khoảng 80 BN nhiễm HIV, trong đó có nhiều người chuyển sang giai đoạn AIDS, một số BN cũng nhiễm lao. Trước đây, từng có một điều dưỡng 2 lần phải điều trị phơi nhiễm do bất cẩn khi tiếp xúc với người nhiễm HIV”.

Chị Mai Thị Huệ - điều dưỡng tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Long An cho biết: “Tôi có con nhỏ, lại làm việc trong môi trường này nên phải luôn cẩn trọng, không được sơ suất để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình. Chấp nhận làm nghề này thì phải chấp nhận rủi ro!”.

Cũng là bệnh viện, thế nhưng, khi nhắc đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An (Bệnh viện C) thì nhiều người lại có thái độ e dè, ngán ngại. Vậy thì, các bác sĩ, y tá,... ở đây - những người trực tiếp điều trị, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, phải tiếp xúc với nguồn bệnh từng ngày, từng giờ, áp lực công việc là vô cùng lớn. Theo Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An - bác sĩ Lê Văn Bảy, bệnh viện hiện có 37 BN lao đang điều trị nội trú. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang quản lý trên 1.000 BN nhiễm lao trên toàn tỉnh, trong đó có khoảng 85 BN bị lao đa kháng thuốc với 2 BN bị lao siêu kháng thuốc. Chỉ trong 2 năm gần đây, có 2 nhân viên y tế của bệnh viện cũng bị nhiễm lao từ BN. Chính vì môi trường đặc thù, không chỉ những người tiếp xúc trực tiếp với BN được hưởng phụ cấp 70% theo quy định của Bộ Y tế mà tất cả cán bộ, y, bác sĩ, người lao động tiếp xúc gián tiếp cũng được UBND tỉnh cho hưởng phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng.

Với nhịp độ công việc liên tục, lại tiếp xúc với BN thường xuyên, nguy cơ lây nhiễm là không tránh khỏi. Thế nhưng, vì lòng yêu nghề mà cán bộ, y, bác sĩ vẫn ngày đêm cố gắng, vượt qua khó khăn để phục vụ BN. Chị Trần Thị Hồng Thơ - điều dưỡng trưởng Khoa Lao dù tuổi đời còn trẻ nhưng có 5 năm gắn bó với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An. Tốt nghiệp Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2012, chị được phân công về làm việc tại bệnh viện đến nay. Khác với mọi người, ai cũng nơm nớp lo sợ, chị lại hăm hở, kiên quyết bám trụ với lý do vô cùng đơn giản: “Học ngành Y để phục vụ BN chứ không phải lựa chọn BN để phục vụ!”.

Chị Trần Thị Hồng Thơ luôn yêu nghề dù công việc còn nhiều vất vả

Quả thật, nếu ai cũng nề hà, ngán ngại thì lấy ai làm công việc này. Chị nhớ lần chăm sóc một BN ho ra máu, đang trong tình trạng nguy kịch, máu “nhuộm” đỏ hết cả áo chị đang mặc. Một điều bất ngờ hơn nữa là sau khi lấy chồng ở Cần Thơ, khi có con nhỏ, có thời gian, ngày nào chị cũng chạy xe máy cả trăm cây số từ Cần Thơ từ 3 giờ sáng để có mặt đúng giờ ở bệnh viện rồi lại tất tả cả trăm cây số trở về nhà lúc đồng hồ điểm gần 8 giờ tối. Giờ đây, chị cũng duy trì 2-3 lần/tuần về Cần Thơ với con. Với cô điều dưỡng trẻ, vóc dáng nhỏ nhắn, khoảng cách Long An - Cần Thơ chẳng là gì thì việc tiếp xúc với BN “thập tử nhất sinh”, trong một môi trường nguy cơ lây nhiễm cao như vậy đúng là chẳng đáng là bao!

Học ngành Y để phục vụ bệnh nhân chứ không phải lựa chọn bệnh nhân để phục vụ!

Chị Trần Thị Hồng Thơ - điều dưỡng trưởng Khoa Lao, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn có gần 9 năm gắn bó với nghề. Trước đây, anh công tác tại Bệnh viện Đa khoa Long An, năm 2012, được phân công về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đến nay. Anh Sơn chia sẻ: “Làm trong môi trường này, đôi lúc gia đình, người thân e dè khi tiếp xúc với mình, tôi cũng tủi thân lắm! Thế nhưng, ai hiểu được công việc của chúng tôi, họ sẽ có cái nhìn cảm thông hơn. Những người đến đây hầu hết là BN nghèo, trong đó cũng có khá nhiều người nhiễm HIV/AIDS. Có người mắc bệnh bị người nhà xa lánh, bỏ mặc không chăm sóc, cũng có người giấu gia đình đến đây điều trị rồi qua đời. Làm nghề thầy thuốc, chúng tôi đâu thể bỏ mặc. Có tìm hiểu, gặp gỡ, tiếp xúc với họ mới thấy nghề mình lựa chọn dù làm việc ở đâu đi nữa cũng vô cùng cao quý!”.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” - quả thật, tính chất công việc với nguy cơ cao, rủi ro là điều không tránh khỏi. Thế nên, người thầy thuốc phải yêu nghề thì mới có thể bám trụ được với công việc đầy gian khó. Không cần tôn vinh bằng nhiều mỹ từ, chỉ cần thái độ quan tâm sẻ chia, một nụ cười, lời cảm ơn của BN khi xuất viện chính là động lực để họ tiếp tục sống hết mình với nghề, tận tâm vì sức khỏe BN./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết