Tiếng Việt | English

27/02/2017 - 19:10

Cứu người không đắn đo

Dù ngày hay đêm, dù mưa hay nắng, những tình nguyện viên ở các chốt sơ cấp cứu vẫn luôn ra tay cứu người không chút đắn đo.

Những năm qua, Ban An toàn giao thông tỉnh hỗ trợ thuốc sơ cứu cho một số chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông

Cứu được người là vui!

Nghe tiếng động lớn trên đường và tiếng người kêu “cứu, cứu!” trong đêm khuya thanh vắng, ngay lập tức, ông Nguyễn Văn Tình và ông Bùi Hữu Nghĩa, nhà ở bên tuyến Quốc lộ N2 đoạn qua ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa vội vàng bật dậy bật đèn, mở cửa chạy ra. Thấy một nam thanh niên bị té xe máy nằm bên vệ đường đau đớn với nhiều vết thương, ngay lập tức, ông Tình chạy vào nhà mang bông, gạc, cáng ra rồi gọi thêm một số thành viên của chốt đến hỗ trợ sơ cấp cứu. Thấy nạn nhân bị gãy chân, các tình nguyện viên tiến hành nẹp cố định rồi gọi xe chuyển lên bệnh viện.

Đó là một vụ mà các tình nguyện viên của chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT) đóng trên tuyến Quốc lộ N2 (xã Long Thạnh) đi cứu người bị TNGT lúc rạng sáng của một ngày trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua. Theo ông Tình, chốt này được thành lập từ cuối năm 2015. Chốt có 20 tình nguyện viên ngụ 4 xã: Tân Lập, Long Thành, Long Thuận, Long Thạnh, có nhà gần tuyến Quốc lộ N2 tham gia cứu người. Tình nguyện viên hoạt động ở chốt sơ cấp cứu có đủ thành phần: Nông dân, công nhân, tiểu thương, thanh niên, cán bộ về hưu (ông Nguyễn Văn Tình là thợ sửa xe máy có tiệm mở ở bên tuyến N2).

“Một trong những lý do ra đời chốt sơ cấp cứu ở đây là vì trên tuyến N2 thường xảy ra tai nạn” - ông Bùi Hữu Nghĩa - Đội trưởng chốt sơ cấp cho biết. Theo ông Nghĩa, qua thời gian hoạt động, các thành viên của chốt sơ cấp cứu hơn chục trường hợp; riêng dịp Tết Nguyên đán 2017, sơ cấp cứu 4 người bị TNGT. “Việc cứu người không kể giờ giấc, ban ngày, ban đêm, mưa hay nắng,... khi xảy ra TNGT, các tình nguyện viên đều tức tốc lên đường cứu người bị nạn” - ông Nghĩa nói.

Còn chốt sơ cấp cứu tại nhà ông Võ Công Toại, ở ấp 4, xã An Thạnh, huyện Bến Lức hoạt động hơn 10 năm qua. Mỗi năm, chốt sơ cấp cứu khoảng 30 trường hợp liên quan đến chó cắn, té ngã, TNGT,...

Các tình nguyện viên ở chốt sơ cấp cứu này đều là các thành viên trong gia đình ông Toại. Hôm nào, ông Toại đi vắng, các con ông sẽ “xử lý” khi có người cần giúp đỡ. Ông Toại là lương y nên thế mạnh sơ cấp cứu liên quan đến xử lý khi bị chó cắn, rắn cắn.


Ông Võ Công Toại là tình nguyện viên sơ cấp cứu hơn chục năm qua

Ông Toại cho biết: “Qua hơn 10 năm hoạt động, hễ bất cứ lúc nào, ai cần sơ cấp cứu là chúng tôi đều vui vẻ tiếp nhận. Cứu được người là tôi thấy vui, khỏe hơn!”. Theo ông Toại, trong số hàng trăm lần sơ cấp cứu cho người bị nạn, nhiều lần, ông rất vui vì nghe người nhà của người bị nạn kể lại là các bác sĩ ở bệnh viện bảo: “Nhờ được sơ cấp cứu kịp thời, đúng phương pháp nên bệnh nhân mới mau hồi phục sức khỏe, tránh những di chứng đáng tiếc có thể xảy ra”.

Tấm lòng thiện nguyện cứu người

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.017 tổ, chốt sơ cấp cứu, đóng ở các tuyến đường, khu dân cư từ thành thị đến nông thôn với khoảng hơn 2.000 tình nguyện viên tham gia. Những chốt sơ cấp cứu này rất dễ nhận biết với tấm bảng biểu tượng chữ thập đỏ, phía dưới bảng có ghi dòng chữ chốt sơ cấp cứu và kèm theo số điện thoại liên hệ. Những tổ, chốt sơ cấp cứu này do hội Chữ thập đỏ ở các địa phương thành lập và quản lý. Hầu hết những phương tiện, dụng cụ ở các chốt sơ cấp cứu: Bông băng, gạc, cáng, găng tay, nẹp, thuốc sát trùng,... được hội Chữ thập đỏ trang bị.

Theo Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh - Hồ Văn Cưng, việc sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng trong việc cứu người bị nạn. Thực tế, có những người bị TNGT, rắn cắn, đuối nước,... nhưng do không được sơ cấp cứu kịp thời nên khi chuyển đến bệnh viện thì bác sĩ phải “lắc đầu” không thể cứu chữa được. Vì vậy, hoạt động của các chốt sơ cấp cứu ở các tuyến đường, khu dân cư (nhất là ở vùng sâu xa, sông nước, điểm đen TNGT) là rất cần thiết.

Để việc cứu người được tốt hơn, hàng năm, các tình nguyện viên được hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện, xã tập huấn các kỹ năng sơ cấp cứu: Hô hấp nhân tạo, cầm máu, băng bó vết thương, cố định gãy xương, chuyển thương an toàn,... Qua những lớp tập huấn, các tình nguyện viên đều xử lý sơ cứu rất thành thạo, nhanh chóng.

Riêng năm 2016, các tổ, chốt sơ cấp cứu xử lý 4.071 trường hợp. Trong đó, có những trường hợp bị TNGT, té ngã, điện giật, đuối nước, rắn cắn,... Có nhiều trường hợp được sơ cấp cứu kịp thời nên người bị nạn không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Cũng theo ông Hồ Văn Cưng, làm việc không có chế độ nhưng các tình nguyện viên đều rất nhiệt tình. Ngoài việc phải tiếp xúc với máu, hô hấp nhân tạo với những người xa lạ, thức trắng đêm đưa người bị nạn đến bệnh viện, nhiều khi các tình nguyện viên còn đối mặt với những chuyện bi hài như bị người thân của người bị nạn hiểu lầm là người gây ra tai nạn, rồi phải làm người giữ hộ tài sản “bất đắc dĩ” cho người bị nạn, đồng thời còn là người liên hệ với người thân của họ,...

“Cứ nghĩ đến những việc đó mới thấy các tình nguyện viên rất dũng cảm, việc cứu người thật cao cả và đáng trân trọng! Nếu không có tấm lòng yêu thương con người thì có lẽ sẽ không làm được những việc như thế” - ông Cưng nhìn nhận./.

Lê Vy

Chia sẻ bài viết