Tiếng Việt | English

19/06/2019 - 14:42

Châu Thành khởi sắc từng ngày

Sau 30 năm thành lập (1989-2019), bộ mặt nông thôn của huyện Châu Thành, tỉnh Long An có nhiều khởi sắc, nhất là kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Quê hương đổi mới

Châu Thành là một trong những huyện phía Nam của tỉnh, được thành lập vào năm 1989 trên cơ sở tách ra từ huyện Vàm Cỏ. “Vốn là căn cứ địa cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng trong chiến tranh, nơi đây thường xuyên bị địch khủng bố, bắn phá ác liệt gây nhiều đau thương, mất mát. 30 năm về trước, cơ sở vật chất của huyện hầu như thiếu thốn về mọi mặt, nhất là giao thông, điều kiện phục vụ sản xuất của người dân còn nhiều hạn chế” - ông Trần Văn Chiếm - người cao tuổi ở xã Hòa Phú, nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Trí - cán bộ hưu trí xã Dương Xuân Hội, tự hào: “Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng huyện nhà ngày càng giàu mạnh. Nét khởi sắc dễ nhận thấy ở huyện là đường giao thông phục vụ đi lại thuận tiện, mạng lưới viễn thông, công nghệ thông tin phát triển ngày càng rộng khắp, góp phần tích cực phát triển KT-XH. Hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thanh, thể dục - thể thao ngày càng được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân”.

Đường giao thông nông thôn ngày càng được xây dựng khang trang, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp

Đường giao thông nông thôn ngày càng được xây dựng khang trang, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành - Trương Văn Biết, để phát triển KT-XH, phục vụ tốt đời sống người dân, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là phát triển đường giao thông. Hiện tại, 40 tuyến đường do huyện quản lý với chiều dài gần 8km đã được láng nhựa khang trang, bảo đảm ôtô đi lại thuận lợi và kết nối đến trung tâm hành chính các xã trên địa bàn; giao thông liên xã, ấp được cứng hóa (láng nhựa, trải bêtông), đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho người dân.

Cùng với giao thông nông thôn phát triển, hệ thống thủy lợi, điện, trường, trạm, chợ, nước sạch được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Đến nay, 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, nước hợp vệ sinh (76,2% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế); chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên (84,2% trường đạt chuẩn quốc gia ở 3 cấp, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường); 98,8% hộ dân có nhà ở kiên cố;...

Cuộc sống dần được cải thiện

Là huyện thuần nông, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi: Thanh long, gia súc, gia cầm, thủy sản. “Trước đây, Châu Thành là vùng sản xuất nếp chất lượng cao, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân chuyển sang trồng thanh long mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Toàn huyện có gần 8.400ha thanh long (năm 2018), trong đó thanh long ruột đỏ chiếm gần 7.000ha; sản lượng thanh long đạt 257.530 tấn/năm. Cũng nhờ sản xuất thanh long mà thu nhập bình quân đầu người của huyện được nâng lên, đạt gần 60 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 0,97% (năm 2018)” - ông Trương Văn Biết phấn khởi.

Huyện xây dựng vùng trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.000ha, trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 590ha với hơn 1.000 hộ (năm 2018), chiếm gần 8% diện tích trồng thanh long trên địa bàn. Đặc biệt, với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh, các địa phương trên địa bàn huyện xây dựng và triển khai chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, nhãn hiệu thanh long Châu Thành. Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đều được tỉnh, địa phương hỗ trợ vật tư phân bón hữu cơ sinh học, ứng dụng hệ thống tưới nước tiên tiến,... góp phần hạ giá thành đầu tư sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thanh long - cây trồng chủ lực góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân

Ông Nguyễn Văn Phi, ngụ xã An Lục Long, phấn khởi: “Sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho năng suất, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất truyền thống. Lợi nhuận bình quân sản xuất thanh long theo đúng quy trình VietGAP đạt khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Hiện, thanh long của tôi được Công ty TNHH MTV Hoàng Phát bao tiêu sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu”.

Bên cạnh sản xuất thanh long, nuôi gia súc, gia cầm,... Châu Thành còn là một trong những địa phương vùng hạ của tỉnh có diện tích nuôi thủy sản khá lớn. Toàn huyện có khoảng 600ha với 1.400 hộ nuôi thủy sản (năm 2018), tập trung chủ yếu ở các xã ven sông Vàm Cỏ: Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông. Hàng năm, sản lượng thủy sản của huyện tương đối ổn định; lợi nhuận bình quân đạt 120 triệu đồng/ha/năm (nuôi tôm).

Về đích nông thôn mới

Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Châu Thành đã hoàn chỉnh bộ hồ sơ để được Trung ương xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gắn với danh hiệu huyện điển hình về văn hóa trong năm nay. 

“Huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới theo hướng nâng cao; phấn đấu vào cuối năm nay hoàn thành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết Tỉnh ủy và Huyện ủy về Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao; phối hợp sở, ngành tỉnh hoàn thành việc xây dựng vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái thanh long xuất khẩu,...” - ông Trương Văn Biết thông tin./.

Hữu Bằng

Chia sẻ bài viết