Tiếng Việt | English

23/08/2021 - 09:21

Châu Thị Kim - Nữ anh hùng tài giỏi và bản lĩnh

Anh hùng Lực lượng vũ trang Châu Thị Kim còn có bí danh Tư Gà, sinh năm 1929, ở xã An Vĩnh Ngãi, huyện Châu Thành, nay thuộc TP.Tân An. Bà xuất thân trong gia đình bần nông, sớm giác ngộ cách mạng. Bà tham gia cách mạng từ năm 19 tuổi. Năm 35 tuổi, bà là Huyện ủy viên huyện Châu Thành. Nữ anh hùng Châu Thị Kim nổi tiếng là người tài giỏi, chính trực, bản lĩnh và gan dạ.

Chân dung bà Châu Thị Kim (Ảnh chụp lại)

Năm 1962, tại Châu Thành, địch tiến hành càn quét, gom dân vào ấp chiến lược. Vùng giải phóng của ta bị thu hẹp. Đầu tháng 7/1962, bị lộ khi đang họp bàn kế hoạch chống địch tái lập ấp chiến lược, nhiều cán bộ lãnh đạo quan trọng, có bản lĩnh của Huyện ủy Châu Thành hy sinh: Bí thư Huyện ủy - Mai Văn Núi, Phó Bí thư Huyện ủy, Huyện đội trưởng kiêm Chính trị viên Huyện đội - Đặng Thành Công,... Lúc đó, huyện chỉ còn 4 đồng chí trong ban chấp hành, trong đó có bà Châu Thị Kim, được phân công phụ trách vùng hạ.

Trong ký ức nữ cựu chiến binh Châu Thị Sửng (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành), người thường gặp anh hùng Châu Thị Kim trong các chuyến công tác về miền hạ của bà, Huyện ủy viên Châu Thị Kim là cán bộ có dáng người nhỏ, khuôn mặt xương và linh lợi. Bà thường mặc bộ bà ba đen, tóc bới cao, đầu quấn khăn rằn, thắt lưng vắt cây côn ngắn. Dù là nữ, bà nổi tiếng là người cương trực, đanh thép, dám nói dám làm, là một cán bộ cách mạng tài ba. Trong công tác, bà hết sức gan dạ, mưu trí, bản lĩnh, xông xáo, là nỗi ám ảnh đối với bọn địch ở Châu Thành. Được biết, Châu Thị Kim là nữ Huyện ủy viên đầu tiên sau phong trào Đồng Khởi.

Tên bà ngày nay được đặt cho một con đường thuộc TP. Tân An

Sau thất bại nặng nề ở Ấp Bắc, địch hành quân, bắn phá dữ dội. Theo Châu Thành lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975: “Châu Thành lúc này trở thành một mặt trận gay go, giằng co quyết liệt để phá banh các ấp chiến lược của địch ở tất cả các ấp, xã”. Huyện Châu Thành tập trung lực lượng thực hiện mục tiêu do Tỉnh ủy đề ra là đánh ấp chiến lược, đưa dân về nơi cũ làm ăn.

Cuối năm 1963, huyện hoàn thành việc phá ấp chiến lược, tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng, giữ vững thành quả đã đạt. Nhiều cuộc công đồn được tổ chức khắp huyện. Đầu năm 1964, Huyện ủy viên Châu Thị Kim cùng một phần Đại đội địa phương quân Châu Thành tấn công đồn cảnh sát dã chiến đóng ở bót cầu Bà Tàu, xã An Vĩnh Ngãi. Trong đồn có 1 đại đội, chúng chống trả quyết liệt. Sau đợt tấn công, phía ta thu được 27 súng trường và nhiều quân trang, quân dụng.

Bà Châu Thị Kim được đánh giá là nữ cán bộ có tài đấu tranh quân sự, từng tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ, lấy gọn 2 đồn địch, diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, thu hàng trăm súng, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng. Đối với công tác đấu tranh chính trị, binh vận, xây dựng lực lượng, bà cũng có nhiều thành tích. Việc xây dựng thành công 13 cơ sở nội tuyến không phải là điều dễ dàng nhưng nữ Huyện ủy viên Châu Thành - Châu Thị Kim đã làm được điều đó. Bà còn tham gia xây dựng lực lượng du kích, bộ đội với hơn 200 người. Theo Tên đường TP.Tân An, bà Châu Thị Kim từng bị địch bắt 3 lần nhưng vẫn giữ tròn khí tiết.

Bà hy sinh năm 1965 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành khi đang là xã đội trưởng. Bà được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1996. Ngoài ra, bà còn được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Sau này, tên bà được đặt cho 1 tuyến đường thuộc địa phận TP.Tân An. Tuyến đường dài 3km qua địa bàn phường 3 và xã An Vĩnh Ngãi. Trước khi đổi thành đường Châu Thị Kim, đường có tên là Tỉnh lộ 22.

Quế Lâm (tổng hợp)

______________________________________

Tài liệu tham khảo:

- Châu Thành lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

- Tên đường TP.Tân An.

Chia sẻ bài viết