Tiếng Việt | English

24/06/2021 - 09:32

Đổi thay trên quê hương của nhà yêu nước Võ Công Tồn

Trở lại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, quê hương của nhà yêu nước Võ Công Tồn vào những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những ngôi nhà khang trang, các công trình dân sinh được đầu tư, xây dựng kiên cố. Đây là minh chứng rõ nét cho sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất khó khăn năm nào.

Đoàn viên, thanh niên xã Long Hiệp vệ sinh khu vực nhà bia Võ Công Tồn (Ảnh tư liệu)

Giáo dục truyền thống qua địa chỉ đỏ

Xác định rõ công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là việc làm quan trọng, những năm qua, Đoàn xã Long Hiệp thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền. Theo Bí thư Đoàn xã Long Hiệp - Trương Thanh Hiếu, Di tích lịch sử (DTLS) cấp quốc gia Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn là niềm tự hào của địa phương, không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Được biết, khu Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2004. Theo tư liệu, Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn là nơi hoạt động của các chiến sĩ cách mạng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Lò gạch là cơ sở đóng góp tài chính cho các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Nam Kỳ từ năm 1916-1940. Năm 1935, khi chi bộ Đảng ra đời tại Lò gạch, nơi đây trở thành cơ sở hoạt động tin cậy của cách mạng. Ông Võ Công Tồn bí mật công tác, nuôi chứa, bảo vệ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và nhiều đảng viên Cộng sản từ cấp Trung ương, Xứ ủy đến Tỉnh ủy: Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Hữu Lầu, Lê Văn Kiệt, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Văn Tạo,…

Anh Trương Thanh Hiếu cho biết: “Thời gian qua, DTLS cấp quốc gia Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn là địa chỉ đỏ quen thuộc để đến tham quan, ôn lại truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Vào các dịp lễ, tết, Đoàn xã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên thăm viếng, vệ sinh khuôn viên và các tuyến đường dẫn vào khu DTLS. Song song đó, tại các trường, việc giáo dục truyền thống cho học sinh không chỉ được lồng ghép trong các môn học mà còn được tổ chức qua các hoạt động ngoại khóa tại khu di tích”.

Quê hương "thay da, đổi thịt"

Kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống người dân được nâng cao là minh chứng cho sự chuyển mình của xã Long Hiệp. Những con đường đất nhỏ, hẹp đã được thay thế bằng đường nhựa, đường bêtông rộng rãi. Trên mỗi tuyến đường đều lắp hệ thống đèn chiếu sáng và camera an ninh. Chứng kiến sự phát triển KT-XH của xã Long Hiệp hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ được sự quyết tâm, nỗ lực của địa phương. 

Chủ tịch UBND xã Long Hiệp - Huỳnh Thanh Phong cho biết: “Xã Long Hiệp có diện tích tự nhiên trên 1.226ha. Toàn xã có 3.419 hộ với trên 14.600 nhân khẩu. Thời gian qua, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, bộ mặt Long Hiệp có nhiều khởi sắc. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào tháng 3/2019.

Đến nay, 100% đường xã và đường trục ấp được nhựa hóa và bêtông hóa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân; số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%; 6/6 ấp đạt danh hiệu ấp văn hóa. Trên địa bàn xã có 3 trường: Mẫu giáo Long Hiệp, Tiểu học Long Phước, Tiểu học và THCS Võ Công Tồn đều được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia”.

Song song với việc hoàn thiện các công trình dân sinh, công tác giảm nghèo luôn được địa phương quan tâm, thực hiện; chính sách hỗ trợ người dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình được triển khai kịp thời. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt khoảng 52 triệu đồng/năm.

Nhắc đến những thay đổi của quê hương, ông Lê Hữu Hồng Phượng (64 tuổi), ngụ ấp Chánh, xã Long Hiệp, phấn khởi: “Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, người dân hiến đất, đóng góp kinh phí chung tay cùng Nhà nước thực hiện các công trình. Hiện nay, bộ mặt nông thôn hoàn toàn thay đổi, kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp. Công tác chăm lo đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được địa phương quan tâm, thực hiện thường xuyên”.

Theo ông Huỳnh Thanh Phong, xây dựng NTM góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thời gian tới, địa phương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng chất các tiêu chí, hướng tới xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024./.

Hoài An

Chia sẻ bài viết