Huy chương vàng của sự nỗ lực
Chiều ngày 14/5, một trong những niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam - Nguyễn Hoài Văn (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bước vào thi đấu. Thi đấu trên sân nhà, dưới sự cổ vũ của người hâm mộ cùng sự quyết tâm, Hoài Văn có cú ném xuất sắc với thành tích 70m87, mang về tấm HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam. Đây cũng là sự khẳng định của ném lao Việt Nam trong đấu trường khu vực sau 11 năm lỡ hẹn. Lần gần nhất, ném lao Việt Nam giành tấm HCV đã cách đây 11 năm do vận động viên Nguyễn Trường Giang giành được tại SEA Games năm 2011. Mặc dù thành tích 70m87 vẫn còn kém xa kỷ lục quốc gia do chính Hoài Văn nắm giữ nhưng đây cũng là thành tích rất đáng ghi nhận của Hoài Văn trong hoàn cảnh suốt 2 năm qua chỉ tập "chay" để hướng đến SEA Games và Hoài Văn cũng phải vừa nén đau, vừa thi đấu bởi một chấn thương nặng trước thời điểm SEA Games 31 khởi tranh.
Ít ai biết rằng, gần 1 tháng trước ngày SEA Games 31 khởi tranh, chấn thương của Hoài Văn trở nặng và được chẩn đoán đứt gần hoàn toàn dây chằng chéo trước, rách di lệch sụn chêm trong độ 4, giập xương sụn khớp chày đùi và tràn dịch khớp gối trái. “Lúc nhận kết quả, tôi rất lo lắng bởi sắp đến ngày SEA Games 31 khởi tranh, chắn chắc chấn thương sẽ không hồi phục kịp. Bác sĩ trực tiếp khám bệnh cũng khuyên tôi không nên cố gắng thi đấu có thể sẽ làm chấn thương nghiêm trọng hơn, thậm chí là phải đối mặt với nguy cơ từ giã sự nghiệp thể thao. Bản thân tôi cũng đắn đo suy nghĩ nhưng đã 2 kỳ SEA Games tôi từng bỏ lỡ tấm HCV, năm nay SEA Games lại được tổ chức trên sân nhà nên tôi quyết tâm, cố gắng để một lần được đứng lên bục cao nhất, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Đó cũng là ước mơ của ba tôi trước đây” - Hoài Văn tâm sự.
Để chuẩn bị cho SEA Games 31, Hoài Văn chỉ tập nhẹ để duy trì thể lực và tránh làm chấn thương nghiêm trọng hơn. Đối mặt với nguy cơ chấn thương chồng chấn thương, Hoài Văn chỉ cố gắng động viên bản thân. “Sẽ rất khó để có được cơ hội thi đấu SEA Games trên sân nhà, dưới khán giả nhà nên tôi chỉ cố tập luyện, giữ phong độ. Nếu như tôi chấp nhận bỏ cuộc để điều trị chấn thương tức là một lần bản thân mình chấp nhận thất bại. Vì vậy, tôi nỗ lực hết sức để được ra sân thi đấu tại kỳ SEA Games năm nay. Tôi ra sân với chấn thương nhưng để thi đấu tốt, đặc biệt là không để đối thủ biết bản thân bị chấn thương bởi khi đối thủ biết, tinh thần thi đấu sẽ lên cao, bất lợi cho tôi. Cũng vì vậy nên trong ngày thi đấu, tôi phải mặc chiếc quần dài bó sát che đi chiếc đầu gối phải băng trắng để tránh chấn thương nghiêm trọng hơn” - Hoài Văn cho biết.
Trong buổi chiều đẹp trời, dù chấn thương nặng nhưng Hoài Văn đã có cú ném xuất sắc với thành tích 70m87, mang về tấm HCV cho điền kinh Việt Nam. “Có một câu nói rất hay: Giấc mơ không bao giờ hết hạn, hãy hít thở sâu và cố thêm chút nữa. Cuối cùng, tôi cũng làm được một điều gì đó cho thể thao nước nhà” - Hoài Văn tâm sự.
Món quà cuối cùng tặng ba
7 lần liên tiếp vô địch quốc gia, sở hữu vô số huy chương các loại từ các giải đấu trong nước lẫn quốc tế và đang nắm giữ kỷ lục quốc gia ở nội dung ném lao nhưng có lẽ với Hoài Văn, tấm HCV giành được tại SEA Games 31 này đặc biệt nhất, có ý nghĩa nhất trong sự nghiệp thi đấu thể thao.
Hoài Văn chia sẻ niềm vui sau khi giành Huy chương Vàng cùng mẹ (bìa trái) trong ngày UBND tỉnh tuyên dương các vận động viên tiêu biểu
Hoài Văn chia sẻ: “Từ ngày tôi xa gia đình gắn bó với thể thao, ngoài thầy cô, đồng nghiệp thì ba mẹ luôn là chỗ dựa, điểm tựa để tôi cố gắng tập luyện, thi đấu tốt. Tất cả mọi thành tích, vinh quang ngày hôm nay tôi có được luôn có sự đồng hành của gia đình. Ba mẹ nhiều lần bên tôi trong những giải thi đấu. SEA Games năm nay được tổ chức trên sân nhà, tôi có ý định đưa ba mẹ ra Hà Nội xem tôi thi đấu và cũng là dịp để ba mẹ thăm Thủ đô. Nhưng cuối năm ngoái, ba bất ngờ đổ bệnh, sức khỏe dần yếu đi. Đến đầu năm nay, ba đã không còn nữa sau thời gian chống chọi với bệnh tật. Tôi vẫn còn rất nhiều dự định chưa kịp thực hiện với ba. Tôi vẫn nhớ mong ước của ba là có một ngày được thấy tôi giành HCV tại đấu trường SEA Games. Chính điều đó cũng là lý do để tôi vượt qua chấn thương, quyết tâm thi đấu và mang về tấm HCV tại SEA Games năm nay”.
“Tấm HCV này, tôi xin được gửi đến người hâm mộ điền kinh cả nước, Ban lãnh đạo đội tuyển, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh và quê hương Long An - mảnh đất vốn có truyền thống trung dũng kiên cường. Và đặc biệt, dù có muộn màng nhưng tôi hy vọng tấm HCV sẽ là món quà ý nghĩa nhất tôi muốn dành tặng riêng cho người ba quá cố của mình. Cuối cùng tôi chỉ muốn nói: Ba ơi! Ước mơ của ba, con đã làm được rồi…!” - Hoài Văn nói.
Sau tấm HCV lịch sử giành được cho điền kinh Việt Nam, cuối tháng 6 vừa qua, Hoài Văn đã chuyên tâm điều trị chấn thương. Vui hơn khi ca mổ của Hoài Văn do tập thể đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM thực hiện đã thành công. “Tôi chỉ hy vọng, chấn thương sẽ nhanh khỏi để sớm trở lại tập luyện, thi đấu với mục tiêu giành HCV cho Đoàn thể thao Long An tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc lần thứ IX, diễn ra vào cuối năm nay và xa hơn là bảo vệ tấm HCV SEA Games được tổ chức vào năm sau” - Hoài Văn cho biết thêm./.
Nhật Minh