“Chợ phiên nông sản an toàn” trước đây, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM và Long An phối hợp tổ chức vào sáng thứ bảy và chủ nhật vào tuần thứ 1 và tuần thứ 3 trong tháng, tại khuôn viên nhà hàng Đông Hồ (quận 10, TP.HCM), nhưng kể từ tháng 10/2016, chương trình được tổ chức định kỳ vào ngày thứ bảy để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn.
Chợ phiên thu hút khá đông khách hàng đến chọn mua thực phẩm
Khách hàng tìm mua nông sản sạch
Tại chợ phiên, có 24 đơn vị tham gia với 20 gian hàng bán các loại nông sản như: Rau, củ, quả, trái cây, hạt cà phê rang xay và 4 gian hàng thịt gà, thịt vịt, thịt heo, cá qua sơ chế. Đến với chợ phiên, Long An có 5 gian hàng giới thiệu và bán các loại gạo (Cty CP Đầu tư Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm Itarice); chuối nhãn hiệu Huy Long An; rau, củ, quả là sản phẩm của các hợp tác xã (HTX): Tân Hiệp (Đức Hòa), Tân Vạn Hưng, Phước Hiệp (Cần Giuộc).
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM - Nguyễn Văn Trực cho biết, các sản phẩm giới thiệu tại "Chợ phiên nông sản an toàn" đều đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn của TP.HCM. Đây là chương trình liên kết giữa 2 địa phương trong tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Tại chợ phiên, Ban Tổ chức bố trí bàn và dụng cụ để khách hàng kiểm tra nhanh sản phẩm có an toàn không, tồn dư các chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật hay không? Chính điều này làm khách hàng tin tưởng, ngày càng mong đến ngày chợ phiên diễn ra để mua thực phẩm.
Có mặt tại chợ phiên rất sớm, chị Lý Ngọc Thu (nhà ở phường 3, quận 3, TP.HCM) cho biết, chị là khách hàng thân thiết ở chợ phiên này từ những ngày đầu triển khai. Lần nào cũng vậy, chị chọn mua rau, củ, quả, thịt heo, thịt gà bảo quản để dành dùng cho các bữa ăn trong tuần. Theo chị, giá cả các loại hàng hóa ở đây tuy đắt hơn ở chợ nhưng chị tin tưởng chọn lựa nhằm bảo đảm cho sức khỏe của mình và gia đình.
Còn chị Lê Kim Chi (phường 10, quận 10, TP.HCM) thì ghé phiên chợ lần đầu do thấy băng rôn treo trước cổng nhà hàng Đông Hồ. Chị cho rằng, không khí mua bán ở nơi này thật vui, ai nấy đều niềm nở với nhau và giải thích cặn kẽ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Chị Kim Chi nói rằng, nhất định thứ bảy hàng tuần, chị sẽ đến chợ phiên để mua thực phẩm.
Chợ phiên nông sản an toàn
Không chỉ là những loại rau, củ, quả thông thường, tại chợ phiên, ngoài tủ bảo quản sản phẩm gà, vịt qua sơ chế, Cty TNHH San Hà (SanHaFoods) còn trang bị một chiếc máy nướng thịt gà tại chỗ để mời khách hàng thưởng thức, chọn mua. Bà Phạm Thị Ngọc Hà cho biết: “Tham gia chợ phiên, SanHaFoods mong muốn khách hàng thay đổi thói quen và chọn thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe của mình. Là đơn vị cung cấp thực phẩm cho khách hàng, SanHaFoods muốn chứng minh với người tiêu dùng tất cả sản phẩm mà đơn vị cung cấp luôn sạch. Thời gian qua, SanHaFoods nỗ lực tìm quy trình sản xuất tốt để cung cấp sản phẩm sạch nhưng giá "mềm", nhằm có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại”.
Nơi giao thương lý tưởng
HTX Kinh doanh Rau, củ, quả an toàn Tân Hiệp (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) hiện có 17 xã viên, chuyên trồng các loại rau, củ, quả như: Bầu, bí, mướp, dưa leo, đậu phộng,... trên diện tích đất 8,5ha và được chứng nhận VietGAP. Tham gia chợ phiên ngay từ những ngày đầu, Giám đốc HTX - Nguyễn Thị Thơm chuẩn bị rất nhiều sản phẩm để giới thiệu với khách hàng. Đặc biệt, món đậu phộng rang nước tương, nước mắm, muối ớt do bà làm ra được đánh giá cao và hầu như hết hàng rất sớm. Bà mừng hơn nữa là được Hội Phụ nữ quận 10, TP.HCM đặt hàng mỗi sáng thứ bảy giao 150kg rau, củ, quả, đậu phộng các loại. Và trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10, Giám đốc SanHaFoods - Phạm Thị Ngọc Hà tiếp tục ngỏ lời muốn thu mua toàn bộ sản phẩm do các thành viên của HTX sản xuất nhằm tiêu thụ tại 6 cửa hàng tiện ích của Cty ở TP.HCM.
Trước sự tin tưởng của khách hàng, bà Thơm cho biết, sẽ cố gắng động viên xã viên sản xuất đúng tiêu chuẩn VietGAP và tiếp tục xin cấp giấy chứng nhận thêm 6,8ha diện tích đạt chứng nhận VietGAP để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Tại chợ phiên, có 24 đơn vị tham gia với 20 gian hàng bán các loại nông sản
Theo Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh, mỗi chợ phiên, HTX tiêu thụ 60-70kg rau, củ, quả các loại. Loại rau tiêu thụ mạnh nhất là rau gia vị ăn lá. Bởi khách hàng đánh giá cao loại rau này, vì vùng đất Cần Giuộc trồng rau có mùi vị thơm ngon, đặc trưng hơn những vùng đất khác. Qua 4 lần tham gia chợ phiên, HTX nhận được 2 đơn đặt hàng của 2 đơn vị chuyên phân phối tại TP.HCM, mỗi đơn hàng khoảng 100kg/ngày.
Ông Minh cũng cho biết thêm, không dừng lại ở những sản phẩm đã có, ở chợ phiên tới, HTX sẽ chuẩn bị các loại rau khác mang hương vị đồng quê lên TP.HCM phục vụ khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Trực phấn khởi, doanh số của chợ phiên tăng đều, từ 100 triệu đồng lên gần 200 triệu đồng sau 4 phiên. Hiệu quả của chợ phiên không chỉ bán hàng mà còn quảng bá sản phẩm cho các HTX, doanh nghiệp cũng như giúp người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn. Đặc biệt hơn, có 20 đơn đặt hàng được kết nối giữa doanh nghiệp và đơn vị tiêu thụ sản phẩm, trong đó, 15 đơn hàng đang triển khai với tổng giá trị khoảng 2,4 tỉ đồng/tháng.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản - Nguyễn Văn Cường cho biết, tham gia các chợ phiên, doanh nghiệp và HTX được hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng. Khi tham gia chương trình này, các sản phẩm đều phải trải qua các đợt kiểm tra của các ngành chức năng ở nơi sản xuất và ngay tại chợ phiên.
Đây là mô hình mới và thích hợp trong thời điểm các cơ quan chức năng lẫn người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến an toàn thực phẩm. Ngành nông nghiệp tỉnh đang tiến hành khảo sát địa điểm và thực hiện mô hình chợ phiên này tại TP.Tân An trong thời gian tới./.
Mai Hương