Bí thư Tỉnh ủy Long An - Phạm Văn Rạnh, Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh gặp gỡ trao đổi với đại diện Hiêp hội Doanh nghiệp TP.HCM, mời gọi doanh nghiệp quan tâm, đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh tại Long An (vào sáng 6/10/2016 tại TP.HCM). Ảnh: Mai Hương
Đây là diễn đàn khẳng định quyết tâm chính trị “Hợp tác - Phát triển bền vững” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đối với các nhà đầu tư đã, đang và sẽ đến với Long An. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh xung quanh những điều kiện thuận lợi của tỉnh trong thu hút đầu tư.
* PV: Long An có nhiều thay đổi tích cực trong những năm gần đây (như tăng trưởng công nghiệp đạt kết quả cao, GDP bình quân đầu người tăng khá, thu hút đầu tư thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đời sống người dân ngày càng được nâng cao,...), theo ông, đâu là nguyên nhân và động lực?
Ông Phạm Văn Rạnh:
- Thứ nhất, Long An có vị trí địa lý-kinh tế thuận lợi, tỉnh vừa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước. Long An đóng vai trò là cầu nối giữa trung tâm kinh tế-tài chính lớn nhất nước là TP.HCM (phía Bắc) với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (phía Nam). Điều kiện tự nhiên của tỉnh thuận lợi cho phát triển hài hòa cả công nghiệp và nông nghiệp.
- Thứ hai, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện (trên địa bàn tỉnh hiện có 4 quốc lộ đi qua, 1 đường cao tốc; dự kiến trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ được Trung ương đầu tư thêm 2 tuyến đường xe lửa, tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.HCM qua địa bàn, tuyến xe bus tần suất nhanh Tân An - Bến Lức - TP.HCM,...; các tỉnh lộ cũng đang được tập trung đầu tư; về giao thông thủy, tỉnh có 2 trục chính là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp lưu ra cửa sông Soài Rạp. Hệ thống điện, nước cũng đang được tập trung đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt).
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh được quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện (trong ảnh: Tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương). Ảnh: Kim Quy
- Thứ ba, tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với gần 1 triệu lao động (trong đó có gần 900.000 người đang làm việc trong các ngành kinh tế), chiếm gần 70% dân số tỉnh, với hơn 60% số lao động đã qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhiều tiềm năng về thương mại, dịch vụ như các địa chỉ bảo tồn thiên nhiên, di tích văn hóa, di tích lịch sử, nét độc đáo của Đồng Tháp Mười mùa nước nổi,...
- Thứ tư, dựa trên những lợi thế và tiềm năng đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) đề ra mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể và 4 chương trình đột phá, 9 công trình trọng điểm. Qua 5 năm thực hiện, tỉnh đạt nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng công nghiệp bình quân 17%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 50,7 triệu đồng/người/năm, thu hút đầu tư đến nay đạt trên 5,1 tỉ USD, thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đời sống người dân ngày càng được bảo đảm,...
Một trong những nội dung quan trọng, có thể nói quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị trong tỉnh, nhất là các thế hệ lãnh đạo của tỉnh luôn năng động, dám nghĩ, dám làm; môi trường đầu tư thông thoáng, chỉ số năng lực cạnh tranh luôn nằm trong nhóm cao của cả nước; sự năng động, mạnh dạn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp; sự cần cù, chịu khó, khắc phục khó khăn vươn lên của nhân dân. Các chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp, nhất là mở cửa hội nhập quốc tế; các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm,... tác động rất lớn đến việc nâng cao đời sống người dân.
* PV: Thưa ông, tỉnh xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nông nghiệp - thương mại, dịch vụ - công nghiệp” sang “công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp” trên cơ sở nào và liệu có đúng đắn đối với sự phát triển của Long An?
Ông Phạm Văn Rạnh: Chúng ta có thể khẳng định rằng, theo xu hướng phát triển, việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ là đòi hỏi mang tính khách quan; và chỉ khi công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, chi phối trong nền kinh tế thì Long An mới thực sự phát triển, đáp ứng được mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.
Thời gian qua, giai đoạn trước năm 2005, Long An còn là tỉnh thuần nông, nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế với tỷ trọng 43% GDP; lúa là cây trồng chính, tạo ra giá trị gia tăng chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng còn thấp, với tỷ trọng 27% GDP, chủ yếu là sản xuất nhỏ, lẻ; đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Từ năm 2005, tỉnh chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt bình quân 15,25%/năm, góp phần to lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh là 11,25%/năm. Đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 42,7%, tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ còn chiếm khoảng 26,9% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Việc hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp ở Long An đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo việc làm cho lực lượng lao động địa phương, nâng thu nhập bình quân đầu người cả tỉnh lên gấp 1,5 lần so với năm 2010. Ngoài ra, cơ sở để hình thành và phát triển thương mại - dịch vụ cũng rất rộng mở để phục vụ phát triển công nghiệp và dân sinh, nhất là: Dịch vụ tài chính, ngân hàng; hệ thống chợ, trung tâm thương mại; dịch vụ logistic; giao thông-vận tải; bưu chính-viễn thông; tiềm năng khai thác du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử;...
Long An luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình (trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy – Phạm Văn Rạnh đến thăm Nhà máy Dệt sợi Huafu tại huyện Cần Đước). Ảnh: Mai Hương
Với những kết quả trên, có thể nói, công nghiệp thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nông nghiệp - thương mại, dịch vụ - công nghiệp” sang “công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp” là đúng đắn đối với sự phát triển của Long An.
* PV: Theo ông, để phát triển bền vững và bứt phá trong thời gian tới, Long An sẽ phải làm gì?
Ông Phạm Văn Rạnh:
- Thứ nhất, về định hướng phát triển: Với những lợi thế mà tỉnh đang có, từ nay đến năm 2020, Long An xây dựng nền nền tảng đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; có trình độ công nghệ cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực có chất lượng.
Trong đó, trước mắt, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm; được đồng bộ kết nối đến các khu, cụm công nghiệp với nhau, đặc biệt kết nối với TP.HCM và Cảng Long An, qua đó, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đưa công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Song song đó, tập trung đầu tư 3 công trình trọng điểm: Đường tỉnh 830 (đoạn Đức Hòa-Tân Tập) kết nối các huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh với đường Vành đai TP.HCM, Quốc lộ 50 và Cảng Long An; Đường Vành đai TP.Tân An; Trục hạ tầng giao thông-đô thị kết nối với TP.HCM, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan trong dịp gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo tỉnh Long An để tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Long An. Ảnh: Mai Hương
- Thứ hai, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh cũng chọn 3 cây trồng (lúa, thanh long, rau), 1 vật nuôi (bò thịt) thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) để phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời hỗ trợ hình thành 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao.
- Thứ ba, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư; tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng, bình đẳng cho các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh. Thực hiện các giải pháp duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh hàng năm ở nhóm tốt trở lên nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là việc hoạt động hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.
Khi có nhu cầu giải quyết một hoặc nhiều thủ tục hành chính, tổ chức, cá nhân chỉ đến một cơ quan duy nhất là Trung tâm Phục vụ hành chính công để nộp và nhận kết quả. Ảnh: SNV
- Thứ tư, tiếp tục kêu gọi đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, chú trọng kêu gọi các tập đoàn kinh tế mạnh vào đầu tư trên địa bàn. Ngoài ra, mời gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là đầu tư hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, Khu kinh tế cửa khẩu Long An và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.
- Thứ năm, tiếp tục tập trung rà soát tiến độ triển khai các dự án để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai dự án. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, đặc biệt là việc tìm kiếm các thị trường mới, không để phụ thuộc vào một thị trường.
- Thứ sáu, tăng cường huy động sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, giao khai thác quỹ đất,... Thực hiện huy động doanh nghiệp cùng Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng liên quan trực tiếp đến lợi ích của dự án, trong đó: Xác định rõ phương pháp huy động, mức đóng góp,... để bảo đảm khi các dự án đầu tư vào tỉnh sẽ có đầy đủ điều kiện để vận hành hiệu quả. Huy động sự đóng góp của nhân dân để cùng Nhà nước đầu tư thực hiện các chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để xây dựng kết cấu hạ tầng.
- Nội dung nữa là: Trong định hướng thu hút đầu tư, tỉnh đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp trình độ công nghệ tiên tiến, các dự án thân thiện với môi trường; hạn chế thu hút các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và bố trí hợp lý về ngành nghề đối với các khu, cụm công nghiệp. Chỉ đạo chặt chẽ công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư; không đánh đổi, hy sinh việc bảo vệ môi trường để thu hút các dự án.
* PV: Ngày càng nhiều nhà đầu tư hướng về Long An; tuy nhiên, không ít nhà đầu tư lo lắng về chính sách của Việt Nam chưa đồng bộ, mỗi địa phương có hướng phát triển, quy hoạch riêng và khác nhau, như vậy, tỉnh Long An có cam kết gì đối với nhà đầu tư, thưa ông?
Ông Phạm Văn Rạnh:
- Thứ nhất: Như chúng ta biết, Việt Nam là nước đang phát triển, hệ thống luật pháp đang được kiện toàn, về phía địa phương sẽ nghiêm túc thực hiện; các cơ chế của địa phương ban hành chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh Long An.
Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh thăm hỏi, động viên doanh nghiệp phấn đấu sản xuất ngày càng phát triển hơn trong dịp Xuân Bính Thân 2016. Ảnh: Mai Hương
- Thứ hai: Để bảo đảm yếu tố hài hòa về không gian phát triển mang tính liên vùng, trong quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, thời gian qua và trong tương lai, Long An sẽ luôn gắn kết với các tỉnh, thành giáp ranh. Hiện nay, tỉnh ký kết chương trình liên kết hợp tác với TP.HCM và các tỉnh giáp ranh; trong tương lai, các địa phương sẽ liên kết chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư.
- Thứ ba: Long An khẳng định luôn nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư; lãnh đạo tỉnh luôn sẵn sàng tiếp nhận, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư thông qua số điện thoại đường dây nóng và thư điện tử của lãnh đạo tỉnh đã công bố; bên cạnh đó, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.
- Thứ tư: Tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh để thống nhất đầu mối tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và thông tin cần thiết về thủ tục đầu tư; đồng thời, tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, khó thực hiện để giảm chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho nhà đầu tư.
- Thứ năm: Tỉnh đã và đang xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thật sự làm việc có trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ luật, kỷ cương, gương mẫu, thật sự thân thiện, gần gũi, lắng nghe và giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra công vụ nhằm khắc phục và xử lý kiên quyết, kịp thời những biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức đối với nhà đầu tư,...
Long An có truyền thống hiếu khách và khát vọng phát triển mạnh mẽ, tỉnh sẵn sàng chào đón và đồng hành cùng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại đây, “các bạn” sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công các công trình, dự án của mình. Hãy đến với Long An, đến với một quyết định đầu tư hợp lý! “Thủ tục sẽ nhanh gọn hơn - kinh doanh sẽ an toàn hơn - góp phần đầu tư hiệu quả - và phát triển bền vững”. Các bạn sẽ sớm nhận ra Long An thực sự là điểm đến tin cậy, an toàn, thuận lợi và nhiều cơ hội phát triển mới.
* PV: Xin cảm ơn ông!
PV (thực hiện)