Tiếng Việt | English

03/04/2016 - 15:45

Chợ tự phát cho công nhân - Tích cực hay tiêu cực?

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 16 khu công nghiệp (KCN) và 14 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, thu hút hàng trăm ngàn công nhân lao động (CNLĐ). Lượng công nhân tăng nên số người tham gia mua sắm cũng tăng theo, từ đó, các chợ tự phát mọc lên ngày càng nhiều quanh các khu, cụm công nghiệp. Nếu nhìn ở mặt tích cực, các chợ này cơ bản giải quyết nhu cầu mua sắm nhanh, tiện lợi, phù hợp túi tiền của công nhân. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những mặt tiêu cực cần quan tâm, đó là nạn kẹt xe, mất an ninh, trật tự, thực phẩm trôi nổi, chưa qua kiểm dịch dễ gây ra ngộ độc,…


Công nhân tranh thủ mua thức ăn cho bữa cơm chiều sau giờ tan ca tại chợ tự phát trước các khu, cụm công nghiệp

Đáp ứng nhu cầu nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, công nhân Cty TNHH Giày FuLuh, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc cho biết: "Vì không có nhiều thời gian, sau khi tan ca, công nhân chúng em ai cũng tranh thủ tấp vào lề đường mua cái hột vịt, hay bó rau, vậy là xong bữa tối. Những khi phải tăng ca liên tục, không có thời gian mua sắm, chúng em ghé chợ mua nửa kg cá khô để dành ăn cả tuần, rau xanh có cũng tốt, không có cũng không cần thiết, vì hầu hết công nhân với thu nhập thấp như tụi em hiện nay chỉ ăn cho qua bữa. Dù biết những thực phẩm bày bán tại các chợ tự phát ven đường không có nguồn gốc rõ ràng nhưng với CNLĐ thì hàng hóa ở đây phù hợp túi tiền, lại tiện lợi”.

Với quỹ thời gian quá ít ỏi, phần đông CNLĐ thường chọn ghé vào các chợ lề đường để mua thực phẩm là điều dễ hiểu. Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ khoảng 15, 16 giờ hằng ngày, những chợ tự phát như: Chợ trước KCN Đức Hòa 1, KCN Xuyên Á, phía trước Cty TNHH Kanaan Đức Hòa, trước KCN Thuận Đạo hay chợ trên Quốc lộ 1 phía trước Cty Đế Vương,... lại bắt đầu hoạt động rầm rộ. Những chợ này bày bán các mặt hàng từ đồ nhựa, quần áo, mỹ phẩm đến các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, củ, quả nên mỗi buổi chiều tan ca, lượng công nhân ghé vào mua hàng rất đông.

Chị Lâm Thị Thùy Dương, nhà ở gần chợ Thuận Đạo cho biết: "Mỗi buổi chiều, người bán đưa hàng xuống trưng bày, chào mời ngay trên lòng, lề đường. Người mua thì dựng xe lộn xộn gây mất trật tự, an toàn giao thông. Nhà tôi ở phía trong chợ nên đến giờ đi rước con rất khổ sở, có khi len lỏi qua khỏi khu vực này phải mất gần nửa tiếng đồng hồ. Không riêng tôi mà nhiều người dân sống quanh đây cũng rất bức xúc". Còn ông Nguyễn Văn Hải, nhà gần KCN Thuận Đạo cho biết thêm: "Cứ đến giờ họp chợ thì các phương tiện lưu thông qua đây rất khó khăn. Khi có công an hay thanh tra giao thông thì người bán thu gom đồ gọn lại đôi chút, nhưng khi đoàn kiểm tra đi khỏi thì mọi chuyện lại đâu vào đấy. Ở đây xảy ra không ít vụ va quẹt giao thông làm nhiều người bị thương".

Qua chứng kiến của chúng tôi, các chợ tự phát này đều nằm trên những tuyến đường chính, chẳng hạn như chợ tự phát phía trước Cty Đế Vương ngay cửa ngõ đi vào TP.Hồ Chí Minh nên môtô, xe tải qua lại với mật độ dày. Vì thế, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất cao. Mặc dù vậy, nhưng không có các bảng cảnh báo nguy hiểm cho người qua đường.


Chợ tự phát ảnh hưởng đến an toàn giao thông

Lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trương Văn Triều cho biết: "Ngoài gây mất trật tự, an toàn giao thông thì vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các khu chợ tự phát quanh các khu, cụm công nghiệp cũng rất đáng lo ngại. Cứ sau giờ tan chợ, rác thải, nước bẩn tràn lan gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại hầu hết các chợ, trong đó nghiêm trọng nhất là chợ tự phát ở gần KCN Thuận Đạo. Vì thế, lãnh đạo địa phương ở đây phải thường xuyên chỉ đạo các ngành huy động đoàn viên, thanh niên, dân phòng tiến hành thu gom rác để hạn chế ô nhiễm".

Bà Nguyễn Thị Ni, một người bán hàng tại chợ tự phát trước KCN Thuận Đạo cho biết: "Ban đầu chỉ có một vài hộ ở xung quanh đem ít rau, củ quả nhà mình trồng được ra ngồi ở đây bán. Dần dần, thấy nhu cầu mua sắm của công nhân tăng lên nên nhiều người đổ xô về đây buôn bán. Hiện tại, chợ có hơn 100 sạp bán hàng, với đủ chủng loại hàng hóa, không khác gì một khu chợ bình thường".

Theo bạn Trần Hoài Hương, quê ở Kiên Giang, thuê trọ tại thị trấn Bến Lức, công nhân Cty ChingLuh chia sẻ: "Hầu hết các loại rau, củ, quả được bày bán ở các chợ tự phát là hàng “dạt” từ những chợ đầu mối nên chúng thường dập, héo,... Vẫn biết thế, nhưng tụi em đi làm từ tờ mờ sáng đến tối mới tan ca, khi đó các chợ truyền thống tan hết nên tụi em đành phải ghé vào chợ ven đường. Dù biết không bảo đảm vệ sinh nhưng do thu nhập thấp, hàng hóa ở những chợ này lại khá rẻ nên hầu hết CNLĐ đều “làm ngơ” cho qua”.

Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh - Phạm Văn Đấu cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Gần đây nhất có một vụ ở Cty TNHH TRACK VINA, xã Bình An, huyện Thủ Thừa khiến 11 công nhân nhập viện. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, chúng tôi cũng tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm đang chờ kết quả. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về VSATTP. Đồng thời, khuyến cáo các chủ doanh nghiệp khi ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp cho công nhân nên kiểm tra kỹ xem đơn vị đó có bảo đảm các yếu tố về ATVSTP hay không. 

Việc bảo đảm ATVSTP tại một số chợ tự phát đang còn bỏ ngỏ. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, mất trật tự, an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Do đó, mong rằng, các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết