
Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa (Trong ảnh: Ứng dụng phương pháp sạ hàng đường biên kết hợp bón vùi phân)
Chủ động sản xuất
Vụ ĐX vừa qua, dù giá lúa giảm so cùng kỳ nhưng nhìn chung vẫn ở mức khá cao, đạt lợi nhuận tương đối tốt, nhờ vậy nông dân khá hăng hái bước vào sản xuất vụ lúa HT 2025. Anh Nguyễn Văn Phong (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) cho biết, vụ ĐX 2024-2025, anh gieo sạ 4,8ha lúa (giống ST 25), năng suất đạt hơn 8 tấn/ha và bán được giá 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh có lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch, anh bắt tay ngay vào việc vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị lúa giống để sản xuất vụ HT. Vụ này, anh tiếp tục gieo sạ giống ST 25. “Vụ HT là thường rơi vào các tháng cao điểm nắng nóng nên tôi luôn chú ý gia cố các bờ bao và làm đất thật kỹ, chú ý quản lý nước, phòng trừ ốc bươu vàng và cỏ dại” - anh Phong cho biết thêm. Tương tự anh Phong, ông Đặng Văn Hồng (xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Sau khi thu hoạch lúa ĐX, tôi bắt tay chuẩn bị kỹ các khâu để sản xuất vụ HT, nhất là khâu làm đất và chọn giống. Vụ này, tôi đã mua giống lúa OM 18 cấp xác nhận để gieo sạ cho 5ha lúa”.

Nông dân vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ lúa Hè Thu 2025
Thời điểm gieo sạ vụ HT tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh rơi vào cao điểm nắng nóng, thường phải tốn chi phí bơm nước, do đó, nông dân rất quan tâm đến việc làm đất cho bằng phẳng và gia cố hệ thống bờ bao nhằm tránh tình trạng nước bị thất thoát nhanh ra khỏi đồng ruộng. Bên cạnh đó, nông dân trên cùng một cánh đồng cũng chủ động liên kết bơm tát nước đồng loạt nhằm giảm chi phí, đồng thời gieo sạ tập trung để thuận lợi trong quản lý sâu, bệnh và áp dụng cơ giới hóa phục vụ chăm sóc, bón phân, phun thuốc cho lúa. Ông Nguyễn Văn Tiến (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) xuống giống 2,2ha lúa (giống lúa chất lượng cao OM 5451). Ông cho biết: “Vụ HT năng suất không bằng vụ ĐX nhưng chi phí sản xuất lại cao hơn do thời tiết có nhiều bất lợi và đồng ruộng không được bồi đắp phù sa như vụ ĐX nên nông dân thường phải tăng cường bón phân cho lúa”. Theo ông Tiến, để kéo giảm chi phí sản xuất trong vụ HT 2025, bên cạnh thực hiện tốt các khâu làm đất, quản lý nước trên đồng để hạn chế cỏ dại và sự phát triển gây hại của chuột, ốc và các loại dịch hại, ông rất quan tâm đến việc chọn giống tốt để cây lúa khỏe mạnh, có khả năng chống chịu tốt với sâu, bệnh và các điều kiện thời tiết bất lợi. Qua đó, giúp ông giảm chi phí trong chăm sóc, giặm lúa và hạn chế phun các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, ông cũng chú ý bón phân cân đối theo nhu cầu phát triển của cây lúa để tiết kiệm tiền phân bón.

Ứng dụng thiết bị bay không người lái để bón phân cho lúa
Riêng tại các huyện phía Nam, thời điểm này, nông dân vẫn đang chờ mưa xuống mới tiến hành gieo sạ vụ HT 2025. Ông Nguyễn Văn Chanh (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) cho biết: “Tôi đã chủ động vệ sinh đồng ruộng, giờ chỉ chờ mưa xuống là tiến hành cày trục đất và gieo sạ vụ HT. Vụ này, tôi chọn giống OM 18 để gieo sạ vì đây là giống lúa ngắn ngày và chống chịu tốt với sâu, bệnh”.
Thông tin từ Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay, một số loại sâu, bệnh đã xuất hiện và gây hại trên lúa HT ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng như ốc bươu vàng (415ha), chuột (235ha), rầy nâu (162ha), bệnh đạo ôn lá (80ha), bọ trĩ (35ha), ngộ độc phèn (10ha),... tập trung ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ và Đức Hòa. Trước tình hình này, Chi cục khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, phòng ngừa tốt dịch hại, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm và phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng”.
Để có vụ mùa thắng lợi

Nông dân phun xịt thuốc phòng trừ sâu hại trên lúa
Để giúp nông dân sản xuất tốt lúa HT, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương trên địa bàn đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp nông dân ứng phó hiệu quả trước các điều kiện sản xuất bất lợi và nỗ lực kéo giảm tối đa các chi phí. Đặc biệt, chú ý hỗ trợ và hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thông qua các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ vào đầu vụ và các mô hình cụ thể nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, cập nhật thường xuyên tình hình thời tiết, thủy văn, sâu, bệnh và đưa ra các khuyến cáo để nông dân chủ động ứng phó. Quan tâm duy tu, vận hành tốt các hệ thống thủy lợi để bảo đảm nguồn nước và kịp thời thông báo thời điểm thuận lợi về nguồn nước, giúp nông dân tận dụng lúc thủy triều lên để khai nước vào ruộng lúa, đỡ phải tốn chi phí bơm nước,...
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Đinh Thị Phương Khanh, để sản xuất thắng lợi vụ HT 2025, ngành Nông nghiệp các địa phương và nông dân cần quan tâm bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa, tạo điều kiện để thực hiện tốt các khâu làm đất, xử lý rơm rạ và tiêu diệt các mầm sâu, bệnh trên đồng ruộng. Chú ý sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ và áp dụng các gói kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để giảm chi phí, như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần mạnh dạn giảm giống, gieo sạ với lượng sử dụng giống khoảng 60-80kg/ha, gắn với chọn giống tốt, đạt từ cấp xác nhận trở lên, giúp cây lúa khỏe mạnh ngay từ đầu vụ. Chú trọng áp dụng các giải pháp cơ giới hóa chính xác trong gieo sạ, bón phân, phun thuốc cho lúa để sử dụng vật tư tiết kiệm, hiệu quả và chú ý giải pháp vùi phân để hạn chế tình trạng phân bón bị hao hụt, bốc hơi trong mùa nắng. Tập trung chọn sản xuất các loại lúa chất lượng cao trong vụ HT (như OM 5451, OM 18,...) để thuận lợi trong tiêu thụ. Đồng thời, xuống giống đồng loạt, tập trung trên từng vùng, cánh đồng để dễ quản lý sâu, bệnh, thuận tiện cho chăm sóc, thu hoạch lúa.
“Nông dân các địa phương và các hợp tác xã cần tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để chủ động thực hiện các hợp đồng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Qua đó, cũng giúp tạo thuận lợi đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất và hạn chế rủi ro về đầu ra” - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm./.
Vụ Hè Thu 2025, toàn tỉnh dự kiến gieo sạ 217.300ha. Đến nay, đã gieo sạ 133.235ha, đạt 61,3% kế hoạch, bằng 148,4% so cùng kỳ năm 2024. Dự kiến, lịch gieo sạ được chia thành 3 đợt: Đợt 1 từ ngày 15 đến 25/4/2025, áp dụng cho vùng trũng thấp không có đê bao; đợt 2 từ ngày 13 đến 28/5/2025, áp dụng cho toàn tỉnh; đợt 3 từ 10/6 đến 25/6/2025, áp dụng cho các vùng không chủ động nguồn nước và các huyện phía Nam có đê bao an toàn. |
Bùi Tùng