Tiếng Việt | English

01/06/2021 - 10:10

Chủ động phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Những ngày gần đây, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện trở lại ở một số địa phương. Điều này gây không ít lo ngại cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An.

Người chăn nuôi lo ngại dịch tả heo châu Phi tái bùng phát

Người chăn nuôi lo ngại dịch tả heo châu Phi tái bùng phát

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 ổ DTHCP (2 hộ) tại xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, số heo tiêu hủy là 13 con. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, DTHCP xảy ra tại 11 hộ thuộc 7 xã, 1 thị trấn của 6 huyện, gồm: Tân Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ, Mộc Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An với tổng số heo tiêu hủy 166 con.

Trước nguy cơ tái bùng phát DTHCP, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, đặc biệt ở những trang trại, gia trại chăn nuôi heo với quy mô lớn. Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi Long An - Lê Tấn Tài cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh được Trung tâm thực hiện thường xuyên. Cùng với đó, Trung tâm thực hiện phương pháp chăn nuôi sinh học bằng nguồn thức ăn hữu cơ, thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh chuồng trại. Đến thời điểm này, đàn heo của Trung tâm vẫn khỏe mạnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

“Đối với các loại bệnh trên heo đã có vắc-xin như lở mồm long móng, tai xanh,... Trung tâm luôn thực hiện đúng quy trình tiêm phòng, bảo đảm hiệu quả phòng dịch. Riêng những bệnh chưa có vắc-xin như DTHCP hiện nay, Trung tâm thực hiện
biện pháp phong tỏa nguồn bệnh, tức là nhân viên của Trung tâm sẽ ở lại trong khu vực chăn nuôi để chăm sóc heo từ khi sinh đến khi ra bầy và giao cho khách hàng. Đối với trường hợp nhân viên có việc ra khỏi Trung tâm, khi trở vào phải cách ly từ 7-10 ngày mới được quay lại khu vực chăn nuôi. Ngoài ra, Trung tâm cũng có quy định tuyệt đối không cho người lạ ra, vào khu vực chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh” - ông Tài cho biết thêm.

Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh, các cơ sở chăn nuôi heo tăng cường nghiên cứu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trong phòng, chống dịch của một số mô hình làm tốt công tác này. “Ngoài các giải pháp phòng, chống dịch cơ bản, tôi còn dành thời gian để tìm hiểu và học hỏi các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi có biện pháp phòng dịch mới, hiệu quả. Nhìn chung, giải pháp tối ưu hiện nay vẫn là thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, chuồng trại và tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học” - anh Đặng Hồng Phong, ngụ xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, chia sẻ.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, đến thời điểm hiện tại, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh trên 70.000 con. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, đã tiêm phòng trên 2.700 liều vắc-xin lở mồm long móng và trên 700 liều vắc-xin tai xanh cho gia súc. Tổng số lượng heo được kiểm dịch xuất tỉnh là 23.348 con, kiểm dịch nhập tỉnh là 46.313 con.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh khuyến cáo: “Các cơ sở chăn nuôi không được chủ quan, lơ là, cần thường xuyên theo dõi đàn heo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định. Bên cạnh đó, các cở sở chăn nuôi cần thường xuyên phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, thu gom phân rác, vệ sinh, khử trùng toàn bộ chuồng trại bằng vôi bột. Đặc biệt, cần vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển heo, thức ăn cho heo trước khi vào khu vực chăn nuôi. Khi phát hiện có heo bệnh, chết phải báo ngay chính quyền địa phương và lực lượng thú y để lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy theo quy định”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết