Tiếng Việt | English

30/07/2018 - 11:53

Chủ động phòng, chống lũ, bảo vệ lúa Hè Thu

Hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường, mưa, bão, lũ có thể xảy ra nhiều và phức tạp, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất. Vì vậy, ngành nông nghiệp cùng các địa phương không chủ quan, lơ là, bị động, tập trung phòng, chống, ứng phó thiên tai, kịp thời xử lý tình huống xảy ra nhằm bảo vệ lúa Hè Thu.

Chủ động gia cố đê bao bảo vệ lúa hè Thu

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Long An - Võ Kim Thuần cho biết: “Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa kiểm tra tình hình ngập lũ và công tác chuẩn bị phòng, chống lũ sớm trên địa bàn các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Sau khi kiểm tra thực tế các khu vực có đê bao xung yếu cần được gia cố, đắp cao nhằm bảo vệ diện tích lúa Hè Thu năm 2018, đoàn đề nghị các địa phương gia cố, chủ động phòng, chống thiên tai. Về sản xuất lúa Hè Thu 2018 và lúa vụ 3, đoàn đề nghị UBND các địa phương theo dõi, chỉ đạo các xã tập trung tôn cao, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, bảo đảm lúa không bị ngập lũ đến khi thu hoạch dứt điểm”.

Những ngày qua, do ảnh hưởng mưa, bão cộng với triều cường lên nhanh, mực nước lũ trên địa bàn thị xã Kiến Tường và các huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Tân Hưng tăng cao so cùng kỳ năm 2017, ảnh hưởng đến sản xuất (có khoảng 480ha lúa bị ngập). Vì vậy, các địa phương đang tích cực gia cố đê bao, bảo vệ lúa Hè Thu. Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Nguyễn Hùng Dũng, vụ lúa Hè Thu năm 2018, toàn thị xã gieo sạ gần 14.500ha. Đến thời điểm này, nông dân thu hoạch gần 2.000ha, phần lớn số diện tích còn lại đang trong giai đoạn làm đòng, trổ, chín, chuẩn bị thu hoạch. Tại các khu vực đầu nguồn thuộc xã Thạnh Hưng, Tuyên Thạnh và vùng giáp ranh phường 1, phường 3, nhiều diện tích lúa Hè Thu có nguy cơ bị ngập cục bộ nếu lũ về sớm và triều cường tăng cao. Tuy nhiên, các khu vực này có đê bao lửng; mặt khác, lúa sắp thu hoạch nên nguy cơ thiệt hại do nước lũ là không cao.

Anh Lâm Hữu Vinh (xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) chia sẻ: “Vụ Hè Thu này, gia đình tôi sản xuất 2ha lúa, khoảng 5 ngày nữa là thu hoạch. Theo khuyến cáo của địa phương, năm nay, có khả năng lũ về sớm nên gia đình tôi và người dân nơi đây chủ động máy bơm, theo dõi mực nước, gia cố các bờ bao thấp để bảo vệ lúa”.

Nông dân chủ động bơm rút nước bảo vệ lúa 

Bí thư Thị ủy Kiến Tường - Phạm Tấn Hòa yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương không chủ quan, lơ là trước diễn biến bất thường của mưa, lũ; tăng cường dự báo diễn biến mực nước lũ trên địa bàn, kịp thời thông tin đến nông dân; khẩn trương hoàn chỉnh các tuyến đê bao xung yếu, nhất là các khu vực trũng thấp, đồng thời vận động nông dân đắp chắn các máng bơm nước, không để lũ sớm, triều cường tràn vào nhằm chủ động bảo vệ diện tích lúa Hè Thu, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do lũ gây ra./.

Theo dự báo về tình hình nước lên tại vùng Đồng Tháp Mười, do kết hợp giữa lũ thượng nguồn và triều cường đầu tháng 6 (âm lịch), lượng mưa tại chỗ nên mực nước tại đây sẽ lên nhanh đến cuối tháng. Dự báo, ngày 31/7/2018, mực nước cao nhất ngày trên kênh Hồng Ngự tại Tân Hưng có khả năng lên mức 1,90m (cao hơn cùng kỳ 0,12m); trên kênh 28 tại Vĩnh Hưng lên mức 1,80m (cao hơn cùng kỳ 0,07m); trên Sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa 1,10m (thấp hơn báo động 1 là 0,10m, cao hơn cùng kỳ 0,18m), gây ngập những vùng trũng thấp tại huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, một phần huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường, sau đó có khả năng ít biến đổi.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết