Tiếng Việt | English

07/06/2023 - 08:56

Chủ động phòng, chống thiên tai

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật, nhất là đầu mùa mưa. Vì vậy, để tăng cường phòng, chống thiên tai (PCTT), các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với phương châm: “Chủ động, tích cực PCTT”.

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An - Võ Kim Thuần cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xuất hiện nhiều điểm sạt lở theo các con sông lớn như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cần Giuộc; kênh Nước Mặn,... với tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến các tuyến đường giao thông và nhà dân.

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 4 điểm sạt lở nghiêm trọng tại các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Cần Giuộc và Tân Trụ. Nguyên nhân gây sạt lở, sụt lún đất là tác động của dòng chảy, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ cao; việc neo đậu tàu, thuyền sai quy định; các công trình nhà ở, kho bãi vật liệu xây dựng lấn chiếm dòng chảy trên các tuyến sông, kênh, rạch, làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu”.

Sạt lở sông Vàm Cỏ Tây (đoạn qua xã Thủy Đông) cắt đứt con đường huyết mạch của trên 500 hộ dân

Điểm sạt lở nằm trên sông Cần Giuộc (đoạn qua xã Phước Lại) với chiều dài trên 100m. Tại đây, xuất hiện nhiều vết nứt, từ lề đường sát nhà dân và lan ra giữa Đường tỉnh 826C, vết nứt rộng khoảng 6-8cm; sát lề đường đất bị lún khoảng 8-10cm, tạo thành khung trượt hướng về phía sông Cần Giuộc. Điều này làm cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của các hộ dân trong khu vực và ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) cho hay: “Hiện căn nhà của tôi xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 2-20cm làm toàn bộ phần nền kéo ngược ra sông Cần Giuộc. Sống ở điểm sạt lở, gia đình tôi rất lo lắng, vì không biết căn nhà có thể đổ sập xuống lòng sông lúc nào. Hy vọng các ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục, giúp người dân an tâm sinh sống”.

Điểm sạt lở tại sông Cần Giuộc (đoạn qua xã Phước Lại) làm nứt nhà dân

Những ngày qua, gia đình bà Thái Thị Lan (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa) nơm nớp lo sợ vì gia đình đang sống cạnh điểm sạt lở dài trên 50m, cắt đứt con đường giao thông huyết mạch của trên 500 hộ dân. Bà Lan bộc bạch: “Nhiều đêm giật mình thức giấc, tôi đều ra xem có sạt lở không. Gia đình tôi chủ động mua tràm cừ gia cố cho chắc vì sợ sạt lở làm sụp đổ căn nhà”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 60mm; trong mưa thường xuyên xuất hiện các loại hình thiên tai như giông lốc, sét. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra ngập úng tại các vùng trũng, thấp, sạt lở đất rất cao. Tháng 4/2023, mưa giông đã làm tốc mái 18 căn nhà (huyện Tân Hưng 15 căn, huyện Tân Thạnh 3 căn), làm 2 người bị thương do sét đánh, với tổng thiệt hại về tài sản gần 400 triệu đồng.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Nguyễn Văn Đoàn cho biết: “Sau khi nắm được tình hình các căn nhà bị tốc mái, UBND huyện cử lực lượng xuống hỗ trợ khắc phục sự cố; đồng thời, vận động người dân tự sửa chữa, gia cố nhà cửa. Huyện Tân Thạnh là vùng trũng, thấp của vùng Đồng Tháp Mười, có trên 1.200 căn nhà xây dựng ven sông. Nhằm thực hiện tốt công tác PCTT, huyện chú trọng tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng; tăng cường thông tin, truyền thông và giáo dục về PCTT; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm ứng phó thiên tai”.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình thiên tai năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự đoán, không theo quy luật. Trước tình hình này, nhiều địa phương cắt, tỉa cây xanh nhằm tránh tình trạng cây xanh đổ, gãy đe dọa đến tính mạng của người dân. Tại TP.Tân An, những ngày qua, Ban Quản lý dự án Nâng cấp đô thị TP.Tân An và Công ty TNHH Cây xanh Tây Nguyên cắt, tỉa trên 5.000 cây xanh trên 40 tuyến đường, trong đó, chủ yếu hạ độ cao, tỉa thưa những cây có độ cao trên 10m và độ tuổi trên 30 năm.

Cắt, tỉa cây xanh trên các tuyến đường ở TP.Tân An nhằm tránh tình trạng cây đổ, gãy đe đọa đến tính mạng của người dân

Nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời trước các hiện tượng thời tiết như mưa, giông, lốc, sét, triều cường, ngập úng, sạt lở đất, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh (TKCN) đề nghị ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện nhiều giải pháp PCTT. Trong đó, cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai của cơ quan chuyên môn trên các phương tiện truyền thông để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với mưa, giông, lốc, sét, gió giật mạnh, triều cường, sạt lở đất trên địa bàn; tổ chức tuần tra, kiểm tra, rà soát, phát hiện sớm các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở đất để kịp thời gia cố, tôn cao các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, cao trình thấp không bảo đảm ngăn triều, khơi thông dòng chảy và xử lý các sự cố công trình ngay từ đầu.

Đồng thời, các địa phương tổ chức rà soát, triển khai cắm các biển cảnh báo ngập sâu, sạt lở nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt tại các khu vực xung yếu, nhất là khu vực dân cư, ven sông, kênh, rạch; chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống thiên tai xảy ra; tập trung chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống nhà ở bảo đảm an toàn trong mùa mưa, bão; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân;...

Các ngành chức năng kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh

“Thời gian tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai để tham mưu kịp thời các phương án, biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đề xuất xử lý các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, mất an toàn, để tham mưu Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh hướng khắc phục; tiếp tục giải ngân Quỹ PCTT của các huyện khi hồ sơ đủ yêu cầu; thông tin kịp thời đến các cơ quan, đơn vị liên quan diễn biến của thiên tai, thời tiết nguy hiểm nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả; tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng ý thức chung trong cộng đồng về PCTT” - ông Võ Kim Thuần cho biết thêm.

Với phương châm “Chủ động, tích cực PCTT” và thực hiện nhiều giải pháp, đồng bộ, chặt chẽ, tin rằng, tỉnh sẽ ứng phó hiệu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản./.

 Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết