Hỗ trợ người dân khắc phụ hậu quả do giông, lốc
Thiên tai gây thiệt hại lớn
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh - Võ Kim Thuần, năm 2020, các loại hình thiên tai: Hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, mưa to, giông, lốc, sét, triều cường, sạt lở đất,… vẫn thường xuyên xảy ra và có chiều hướng diễn biến tương đối phức tạp, khó dự đoán đã gây ra thiệt hại đáng kể đến sản xuất nông nghiệp, đe dọa đến tính mạng, tài sản và các cơ sở vật chất của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, các thiên tai hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn đã làm thiệt hại, giảm năng suất nhiều diện tích cây lúa, rau màu trên địa bàn các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, TP.Tân An. Cụ thể, diện tích lúa thiệt hại mất trắng (> 70%) là 856,53ha, diện tích thiệt hại giảm năng suất (từ 30% - 70%) là 1.890,84ha. Tổng diện tích rau màu bị thiệt hại là 7,65 ha. Theo ước tính, tổng thiệt hại mà thiên tai hạn, xâm nhập mặn gây ra trên 55,3 tỉ đồng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết: “Do mùa mưa năm 2019 đến muộn và kết thúc sớm, kết hợp với ảnh hưởng của nắng nóng, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và kéo dài, lượng nước thượng lưu đổ về ít. Cùng với đó, hệ thống kênh, rạch bị bồi lắng không bảo đảm khả năng dẫn nước và trữ nước nên đã xảy ra hạn, mặn gay gắt và thiếu nước trầm trọng không có nguồn nước bổ sung để tưới. Theo thống kê, năm 2020, toàn huyện đã thiệt hại trên 720ha lúa”.
Cống Trị Yên (huyện Cần Giuộc) được đầu tư nâng cấp để tăng khả năng ngăn mặn, trữ ngọt
Ông Lê Văn Năm, ngụ xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, cho biết: “Vụ rồi, do không cập nhật kịp thời thông tin về độ mặn mà gần 1ha lúa của gia đình tôi bị thiệt hại gần như mất trắng. Thay vì mỗi vụ tôi thu hoạch được 6-7 tấn lúa thì nay chỉ thu hoạch được hơn 1 tấn. Thiên tai ngày càng khắc nghiệt, việc sản xuất của nông dân chúng tôi cũng ngày càng khó khăn”.
Về thiệt hại do mưa, lũ, triều cường, ngập úng, giông, lốc, sét: Năm 2020, do lũ đổ về các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh tương đối thấp, triều cường tại các trạm vùng hạ của tỉnh tương đương so cùng kỳ năm 2019 nên không gây ra thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên lại gây ra thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Cụ thể, đã có 2 người bị thiệt mạng (1 người bị sét đánh (huyện Bến Lức) và 1 người bị đuối nước (huyện Mộc Hóa). Về cơ sở vật chất đã có 22 căn nhà bị sập, 234 căn nhà bị tốc mái, ngã 15 trụ điện và nhiều đường dây điện bị đứt. Ước tính giá trị thiệt hại về cơ sở vật chất trên 10 tỉ đồng.
Song song đó, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh như: Hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; mưa to, triều cường dâng cao đã gây ra 12 trường hợp sạt lở, sụp lún đất tổng chiều dài khoảng 1km, tập trung trên địa bàn các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và Đức Huệ.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc thông tin, năm 2020, mưa giông kèm theo lốc xoáy đã làm sập, tốc mái 88 nhà dân trên địa bàn 9 xã của huyện. Ngoài ra, theo thống kê, trên địa bàn huyện có 3 điểm sạt lở lớn, gồm: Sạt lở bờ sông Cần Giuộc, sạt lở khu dân cư ấp 4, xã Long Hậu và ngã 3 Xóm Câu - bờ phía xã Phước Lại. Trong đó, điểm sạt lở bờ sông Cần Giuộc, sạt lở khu dân cư ấp 4, xã Long Hậu đang thi công bờ kè. Đối với điểm sạt lở ngã 3 Xóm Câu - bờ phía xã Phước Lại, qua khảo sát có chiều dài khoảng 480 m, nhiều đoạn có dốc dựng đứng, khuyết hàm ếch, huyện đã có văn bản kiến nghị tỉnh, Trung ương đầu tư.
Nhiều điểm sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân
Chủ động phòng, chống
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình thiên tai năm 2021 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, để chuẩn bị tốt công tác PCTT & TKCN năm 2021, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành kiểm tra, rà soát, xác định các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao xảy ra sạt, lở đất, ngập úng,... để xây dựng phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cùng với đó, phát huy tối đa phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) sẵn sàng đối phó, ứng cứu khi có thiên tai. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ tuyến đê, thành lập các chốt trạm trực tại các điểm xung yếu để bảo vệ đê và ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất an toàn đê và mất đất sản xuất của người dân.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, để chủ động phòng, chống với thiên tai trong mùa mưa, bão năm nay, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh tập trung chỉ đạo kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp năm 2021; phân công nhiệm vụ cụ thể và địa bàn phụ trách cho từng thành viên nhằm hoạt động có hiệu quả; tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, bảo đảm hoàn thành trước mùa mưa, bão, lũ, với phương châm “phòng là chính”.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An theo dõi các thông tin về tình hình chất lượng nước, hạn, xâm nhập mặn, mưa, lũ, triều cường, sạt lở đất,… và tình hình thời tiết, thiên tai khác. Thông báo, cảnh báo kịp thời trong sản xuất, khuyến cáo lịch thời vụ và quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản thích hợp bảo đảm theo hướng phát triển bền vững. Thường xuyên cập nhật thông tin lên website PCTT của tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin, tuyên truyền đến người dân biết, chủ động trong sản xuất và có biện pháp phòng ngừa trước thiên tai, dịch họa.
“Các huyện vùng Đồng Tháp Mười cần tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao chống lũ sớm, chủ động gia cố, tu bổ, tôn cao các tuyến đê nhằm bảo vệ lúa Hè Thu, nhất là ở các khu vực vùng trũng, thấp, ngập úng. Còn các huyện phía Nam thì tập trung gia cố và nâng cấp hệ thống đê bao ngăn triều cường, ngăn mặn, giữ ngọt và quản lý chặt chẽ việc vận hành các cống đầu mối; vận động người dân sống ở khu vực nguy hiểm như khu vực sạt lở, ngập lũ sâu,... di dời đến nơi an toàn” - ông Truyền thông tin thêm.
Nhìn chung, hiện nay, bên cạnh những phương án đã được Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh đề ra, các địa phương cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, nhằm hạn chế những thiệt hại đáng tiếc xảy ra./.
Bùi Tùng