Các chiến sỹ tự vệ ở Hà Nội đào hầm hào, xây công sự chuẩn bị chiến đấu. (Nguồn: TTXVN)
Chiều 15/12, tại Hà Nội, triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược" (1946-1954) đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" (19/12/1946-19/12/2016).
Với gần 200 ảnh, tài liệu, hiện vật, triển lãm giới thiệu đến người xem hoàn cảnh ra đời của "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" cùng hành trình kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn, gian khổ của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Các hiện vật, tài liệu, hình ảnh chân thực, có giá trị to lớn, đã giúp người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, từ đó củng cố thêm lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.
Triển lãm gồm hai phần, phần một có chủ đề “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” giới thiệu hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự ra đời của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.
Ở phần này, các tài liệu, hiện vật trưng bày đã thể hiện hoàn cảnh khó khăn "ngàn cân treo sợi tóc" của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, vừa ra đời đã phải ứng phó với thù trong, giặc ngoài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, ký Tạm ước ngày 14/9/1946... với Chính phủ Pháp nhưng vẫn không tránh được nguy cơ chiến tranh.
Đứng trước tình thế đó, ngày 18-19/12/1946, tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc, ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến."
"Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức hiệu triệu, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, kiên cường của nhân dân Việt Nam; làm sôi sục khí thế đấu tranh với ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.”
Lời kêu gọi cũng thể hiện thái độ dứt khoát, kiên định của toàn dân tộc Việt Nam: Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp xâm lược...
Phần hai của triển lãm có chủ đề: “Hành trình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.”
Phần này giới thiệu chặng đường Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân Việt Nam chiến đấu chống thực dân Pháp thắng lợi, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Geneva tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Những hiện vật, bức ảnh tại triển lãm ghi lại quá trình lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc và nhiều điểm dừng chân của Người tại các tỉnh miền Bắc.
Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Việt Bắc hình thành An toàn khu trung ương. Từ An toàn khu, nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng quyết định vận mệnh của dân tộc đã ra đời. Đặc biệt, ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, dưới chân đèo De, núi Hồng, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đây là chiến dịch có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp, kết thúc hành trình kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ bằng thắng lợi to lớn, đưa Việt Nam trở thành biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược" (1946-1954) mở cửa đón khách đến đầu tháng 5/2017./.
Ngọc Bích/TTXVN