Tiếng Việt | English

04/07/2023 - 10:29

Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ logistics

Là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ kết nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP.HCM và Đông Nam bộ, Long An là địa phương có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhất là liên kết vùng. Thời gian qua, tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng thương mại phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH chung của tỉnh. Song song đó, tỉnh cũng thu hút đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng liên hoàn gồm các trung tâm logistics có khả năng liên kết kho, vận tải đường bộ, đường thủy và đường sắt.

Long An kỳ vọng các trung tâm logistics hình thành, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là đầu mối quan trọng cho hoạt động logistics của các tỉnh, thành phố phía Nam

Đáp ứng nhu cầu mua sắm

Thời gian qua, Long An tập trung kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH chung của tỉnh, quy hoạch phát triển thương mại cả nước. Theo đó, Long An khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong xã hội, kinh tế nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và các loại hình dịch vụ phân phối hiện đại. Hiện nay, toàn tỉnh có 125 chợ, trong đó, có 107 chợ nông thôn; 7 siêu thị (4 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 3 siêu thị điện máy); 1 Trung tâm thương mại Vincom Plaza; 241 cửa hàng tiện ích; 6 salon ôtô; 473 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu; 3 kho xăng, dầu; nhiều thương nhân phân phối xăng, dầu, mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng;...

Là cửa ngõ ĐBSCL, cận kề TP.HCM, có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp - thương mại, là đô thị vệ tinh của TP.HCM, Long An đang tập trung xây dựng ngành Thương mại phát triển bền vững theo hướng văn minh, hiện đại. Thông tin từ Sở Công Thương, Long An mong muốn tăng tỷ trọng thương mại trong cơ cấu GDP của tỉnh; đồng thời, phát huy vai trò của thương mại trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm cho nông nghiệp, nông dân; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư và tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, Long An tập trung thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong, ngoài nước để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, ưu tiên hình thành một số khu thương mại - dịch vụ tại các trung tâm thương mại lớn (TP.Tân An, thị xã Kiến Tường, huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc).

Trở thành trung tâm logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nhà đầu tư Cảng Quốc tế Long An kỳ vọng đây sẽ là điểm đến hấp dẫn, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng

Long An là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ kết nối giữa ĐBSCL với TP.HCM, Đông Nam bộ, là địa phương có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhất là liên kết vùng. Toàn tỉnh có 37 khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch cùng với 62 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 15.000ha, trong đó, có 16 KCN và 22 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 87,6% và 77,6%. Trong 1.079 dự án (DA) đầu tư nước ngoài được cấp phép, có 796 DA nằm trong KCN với tổng vốn đầu tư 4,5 tỉ USD. Tỷ lệ lấp đầy các K,CCN còn chưa như kỳ vọng, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu là do kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Đặc biệt, giao thông cảng biển chưa phát triển dẫn đến việc kết nối Long An với các địa phương trong cả nước, quốc tế còn chưa cao.

Nhận định được những ưu, khuyết điểm và lợi thế về tiềm năng phát triển dịch vụ logistics, Long An lập danh mục ưu tiên thu hút đầu tư và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2050. Theo đó, Long An quy hoạch 10 DA trung tâm kho vận, dịch vụ logistics với diện tích trên 794ha tại địa bàn các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường. Trong 10 DA trung tâm kho vận, dịch vụ logistics có 2 DA đi vào hoạt động. DA thứ nhất là Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics trên diện tích 10ha tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức. DA này đang có kho ngoại quan 12.202m2. DA thứ hai là Cảng Quốc tế Long An với diện tích quy hoạch lên đến 147ha tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc. Đây là DA do Đồng Tâm Group đầu tư. Theo mong muốn của nhà đầu tư, sau khi Cảng Quốc tế Long An hoàn thành sẽ là sự kết hợp hài hòa của một khu liên hợp dịch vụ cảng biển cùng các công trình phụ trợ, các tiện ích mang lại giá trị vượt trội, góp phần hình thành quần thể cảng biển năng động, hiện đại trong tương lai.

Sau 8 năm thi công kể từ năm 2015, mới đây, chủ đầu tư tổ chức công bố tiến độ DA và chính thức hợp long 7 cầu cảng - Cảng Quốc tế Long An, khai trương dịch vụ khai thác hàng container. Tổng chiều dài từ Cầu cảng số 1 đến Cầu cảng số 7 là 1.670m. Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Cảng Quốc tế Long An thực hiện các thủ tục mở rộng quy mô 10 cầu cảng, trong đó, có 1 cầu cảng chuyên khai thác hàng lỏng/khí hóa lỏng, 3 bến phao neo đậu tàu, 1 trung tâm đón tàu du lịch cỡ lớn, đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi hoàn thành, cảng có chiều dài liên tục bờ cảng lớn nhất Việt Nam, 2.368m và tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000DWT. Nhà đầu tư Cảng Quốc tế Long An kỳ vọng đây sẽ là điểm đến hấp dẫn, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Với hạ tầng đường giao thông kết nối luân chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế thuận lợi, bên cạnh tối ưu chi phí giá thành sản phẩm còn giảm thiểu tối đa các rủi ro trong logistics.

Hiện nay, hầu hết hàng hóa xuất, nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa từ các KCN đều được vận chuyển bằng container. Với dịch vụ vận tải Feeder Container, Cảng Quốc tế Long An sẽ kết nối với các cảng nội địa và các cụm cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực như Hongkong hoặc Singapore. Thông qua Cảng Quốc tế Long An, dịch vụ này sẽ kết nối hàng xuất từ kho chủ hàng đến các cảng nước ngoài và chiều hàng xuất ngược lại, góp phần lấp đầy các K,CCN trong tỉnh Long An, khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ.

Ngoài các DA trung tâm kho vận, dịch vụ logistics, thời gian gần đây, Long An còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong việc xây dựng các kho, bãi liên quan đến hoạt động logistics (gồm dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ cho thuê kho bãi, dịch vụ cho thuê kho,...). Một số nhà đầu tư lớn đã và đang xây dựng tại các KCN trên địa bàn tỉnh như DA kho Lotte do Công ty TNHH Lotte Eco Logis xây dựng, DA Kho lạnh Long An do Công ty Cổ phần Transimex đầu tư,... Hiện nay, Long An cũng tổ chức nhiều hoạt động thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics (công trình giao thông - vận tải, hệ thống kho bãi, dịch vụ,...) phục vụ cung cấp các dịch vụ logistics. Đồng thời, tỉnh thực hiện hoàn chỉnh việc kết nối giao thông - vận tải giữa các K,CCN trong tỉnh với TP.HCM, ĐBSCL, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Kỳ vọng, những nỗ lực trong đầu tư cho hệ thống hạ tầng sẽ góp phần đưa Long An từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của Vùng ĐBSCL và là đầu mối quan trọng cho hoạt động logistics của các tỉnh, thành phố phía Nam./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích