Tiếng Việt | English

26/12/2019 - 20:05

Chung tay thực hiện chính sách dân số

Ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Long An tích cực phối hợp các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ, các đề án, mô hình đặc thù. Qua đó, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và tầng lớp nhân dân; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ trong năm.

Thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống
Thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống

Đồng hành cùng sự nghiệp dân số

Xác định thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nòi giống, thời gian qua, Long An luôn quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động lồng ghép thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ Long An - Đoàn Văn Ngà cho biết: “Năm 2019, ngành DS tỉnh phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với các ngành, đoàn thể và các đơn vị triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ và các đề án, mô hình đặc thù của tỉnh. Qua đó, tạo được phong trào và thu hút được sự hưởng ứng tích cực của các ngành, cán bộ, công chức viên chức và các tầng lớp nhân dân. Điều này góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu trong năm về DS-KHHGĐ và nâng cao chất lượng DS”.

Để đạt kết quả này, ngay từ đầu năm, Chi cục DS-KHHGĐ Long An chủ động triển khai các hoạt động phối hợp các ngành, đoàn thể và đơn vị theo đúng tiến độ nhằm đạt các chỉ tiêu đề ra trong năm. Trong đó, tập trung các hoạt động truyền thông tư vấn về nâng cao chất lượng DS.

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tích cực triển khai các hoạt động truyền thông về DS, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên.Nhiều lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền trong lĩnh vực DS-KHHGĐ được tổ chức. Qua đó, giúp đoàn viên, thanh niên nắm được những nội dung cơ bản của công tác DS và các biện pháp tuyên truyền hiệu quả hiện nay. Đoàn Thanh niên các cấp thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt các mô hình, câu lạc bộ thanh niên với DS-KHHGĐ, tư vấn tiền hôn nhân,... 

Thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực, các bạn trẻ được nâng cao kỹ năng sống, thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Phó Bí thư Huyện đoàn Bến Lức - Huỳnh Kim Thái Long cho biết: “Các hoạt động truyền thông trực tiếp và gián tiếp được chúng tôi đẩy mạnh thực hiện. Đối tượng tập trung tuyên truyền là các cặp vợ chồng có 2 con trở lên, sinh con một bề hay những đối tượng chưa thực hiện các biện pháp KHHGĐ.Với những đối tượng khó vận động, chúng tôi phối hợp cộng tác viên DS đến trực tiếp vận động tại hộ gia đình”.

Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh 

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) gây ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ cùng rất nhiều hệ lụy: Độ tuổi kết hôn sớm hơn, tảo hôn, tăng nhu cầu mại dâm, buôn bán phụ nữ, bạo hành giới,... Tại Long An, tuy chưa là điểm nóng nhưng tỷ số giới tính khi sinh có những năm vượt mức cân bằng. Cụ thể, năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh là 109 nam/100 nữ; năm 2016 là 108,5 nam/100 nữ; năm 2017 là 106,5 nam/100 nữ; năm 2018 là 105,3 nam/100 nữ; năm 2019 là 104,05 nam/100 nữ. Để kiểm soát MCBGTKS, tỉnh thường xuyên tổ chức Chiến dịch truyền thông về kiểm soát MCBGTKS.Năm 2019, chiến dịch được triển khai với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu MCBGTKS”.

Nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, các địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, vãng gia đến từng hộ gia đình. Viên chức DS-KHHGĐ xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ - Phạm Tuấn Thanh cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh công tác truyền thông qua mạng lưới cộng tác viên nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của bình đẳng giới và hệ lụy của MCBGTKS. Đồng thời, tuyên truyền về sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt, không vi phạm chính sách DS”.

Việc thực hiện mô hình xã không có người sinh con thứ 3 trở lên luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp. Theo đó, tỷ suất sinh giảm qua từng năm, năm 2019 là 10,13‰ (giảm 2,22‰) so với năm 2018. Chỉ tiêu giảm sinh con thứ 3 trở lên đạt kết quả tốt, toàn tỉnh có 83 xã, phường, thị trấn xây dựng thành công mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Không ít gia đình có tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường. Thế nhưng, gia đình anh Lê Văn Tiền (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) quan niệm “Dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”. Anh Tiền chia sẻ: “Dù sinh 2 cô con gái, gia đình tôi vẫn quyết định không sinh con thứ 3 mà tập trung phát triển kinh tế và chăm lo cho 2 con đang học đại học. Sự thành đạt của 2 con chính là niềm vinh dự của những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi”.

Tuy nhiên, số xã đạt chuẩn không có người sinh con thứ 3 trở lên thiếu tính bền vững.Một bộ phận người dân, kể cả cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế còn tư tưởng muốn sinh thêm để có đầy đủ “nếp, tẻ”. Việc xử lý người vi phạm chính sách DS đối với cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên chưa có biện pháp chế tài đủ mạnh để giáo dục, răn đe.

Để công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Phòng DS-KHHGĐ các địa phương tiếp tục phối hợp các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chính sách về DS. Tăng cường sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể cùng tập trung thực hiện tốt các mục tiêu DS trên địa bàn. Đồng thời, gắn vấn đề gia đình với DS để xây dựng quy mô gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết