Tiếng Việt | English

25/01/2020 - 06:52

Chuyện đêm giao thừa ở nông thôn

Ở nông thôn, chuyện đón giao thừa không náo nhiệt như thành thị. Tuy nhiên, nếu ai từng đón giao thừa ở nông thôn sẽ thấy, đêm giao thừa cũng có nhiều điều thú vị.

Thức canh nồi bánh tét

Khác với thành thị, vùng nông thôn đón giao thừa chỉ đơn giản là con cháu quây quần bên nhau hoặc mấy gia đình thân thiết tụ tập ăn uống, chờ xem bắn pháo hoa trên tivi. Chia sẻ cùng chúng tôi, chị Nguyễn Kim Đào, ngụ ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tâm sự: "Ở nông thôn không có nhiều hoạt động vui chơi như thành thị nên đêm giao thừa cũng đơn giản. Ngay từ trưa 30 tết, gia đình tôi cúng bữa cơm rước ông bà, cùng nhau ăn uống, sau đó đàn ông thì uống trà trò chuyện, đàn bà thì gói bánh và cùng nhau thức canh nồi bánh tét để đón giao thừa".

Ở nông thôn, người dân vừa thức canh nồi bánh tét vừa đón giao thừa

Còn chị Trần Thị Thanh Hương, ngụ ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, cho biết thêm: "Nhà tôi cũng có thói quen gói bánh vào chiều 30 tết, nên suốt đêm cả gia đình thức vừa canh nồi bánh vừa chờ đón giao thừa. Đối với nhiều gia đình, ngày tết sẽ không thể thiếu bánh mứt hay bao lì xì đỏ. Riêng đối với người dân quê tôi, bánh tét là loại bánh không thiểu thiếu mỗi độ xuân về".

Chị Phạm Thị Bạn, ngụ ấp An Hưng, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, thông tin: "Tôi làm công nhân ở Bình Dương đến chiều 27 tết mới được về nhà. Không như ngày còn bé, mỗi khi tết đến lại háo hức được mẹ mua quần áo mới. Giờ đây, khi trưởng thành và đi làm ăn xa, tôi chỉ mong được nghỉ tết sớm để kịp về gói bánh tét với mẹ và sau đó cả nhà cùng thức vừa canh nồi bánh vừa chờ đón giao thừa. Vì đó là thời khắc cả gia đình được quây quần bên nhau, được tâm sự chuyện năm qua và dặn dò nhau trước thềm năm mới".

Xông đất đầu năm

Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch luôn mang ý nghĩa linh thiêng và hết sức quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam. Chính vì vậy, trong đêm giao thừa luôn có những tục lệ thờ cúng hết sức tôn nghiêm và tương xứng. Một trong những tục lệ đó là cúng giao thừa và xông đất đầu năm.

Bà Nguyễn Thị Đương cho biết: "Ai cũng mong muốn có một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc, nhất là khi trời đất vào mùa xuân. Với quan niệm đó, sự quan trọng của người đầu tiên đến thăm gia đình càng được nhân lên. Thường thì mỗi chủ nhà sẽ chọn một người "hạp tuổi" bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 tết. Tôi có đứa cháu ruột gọi bằng cô hạp tuổi nên năm nào cũng đến...xông nhà cho tôi vào đêm giao thừa".

Cũng cùng quan niệm chọn người hạp tuổi xông đất vào đêm giao thừa, anh Nguyễn Văn Hải, ngụ ấp An Thuận, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, chia sẻ thêm: "Sau thời khắc giao thừa, vào những giờ phút đầu tiên của năm mới, tôi thường chọn người nhờ xông đất với mong muốn 1 năm mọi sự an lành, may mắn".

Theo quan niệm truyền thống của người Á Đông, người đầu tiên đến chúc tết gia đình nếu là người hạp tuổi với gia chủ thì cả năm đó, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc đến nhà. Ngược lại, nếu gặp người cáu bẳn, keo kiệt, tham lam đến xông nhà thì cả năm làm ăn lận đận, gặp nhiều điều không may,... Người được chọn để xông đất đầu năm thường là người khỏe mạnh, có đạo đức, tính tình vui vẻ, rộng rãi, đang ăn nên làm ra thì càng tốt. Nếu chủ nhà chọn người đến xông đất hợp tuổi nhưng khó tính, xấu nết thì chưa chắc năm đó gia đình đã gặp may mắn như mong muốn.

Nhiều gia đình lựa chọn giải pháp chọn người thân trong nhà hay hàng xóm thân thiết có tính tình vui vẻ hoặc có sự nghiệp thành công đến xông đất. Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết thêm: "Tôi thường chọn người thân trong gia đình để xông đất. Trước đó, người nào tôi chọn xông đất sẽ ra khỏi nhà trước giờ giao thừa, qua giờ giao thừa trở về xông nhà, xem như mang sự tốt lành về cho gia đình trong suốt 1 năm".

Cúng giao thừa

Ở một số gia đình nông thôn, đêm giao thừa người ta thường phải làm lễ cúng. Bà Lê Thị Thúy, ngụ ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, cho biết: "Lễ cúng giao thừa được cúng vào đúng 00 giờ ngày 01 tháng Giêng. Tôi thường cúng giao thừa với 2 mâm lễ, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà".

Cúng giao thừa

Bà Nguyễn Thị Của cũng chia sẻ: "Giao thừa ở nông thôn sẽ có nhà cúng có nhà không. Tôi không quan trọng tục xông đất lắm, nhưng năm nào cũng thức đến giao thừa cúng xong thì mới đi ngủ. Tôi nghĩ, cúng giao thừa để cầu mong cho một năm mới an lành, làm ăn phát tài, gia đình khỏe mạnh. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ, cúng giao thừa là đem bỏ đi hết những điều xấu của năm cũ để đón những cái mới mẻ, tốt đẹp của năm mới". 

Ngày nay, các gia đình thường cúng giao thừa vẫn với sự thành kính như xưa, nhưng bàn thờ thì đơn giản hơn với chiếc bàn nhỏ và mâm lễ vật, có khi lễ vật được đặt trên một chiếc ghế đẩu. Nhang thắp lên được cắm vào một chiếc ly đầy gạo hoặc một chiếc lọ nhỏ để giữ chân nhang. Nhiều gia đình thắp nhang ngay trên mâm lễ, hoặc cắm vào trái dừa, trái dưa,....

Thời khắc tiễn năm cũ đã qua, năm mới chính thức đến, song cảm xúc của mọi người dân vùng quê trong đêm giao thừa vẫn chưa kết thúc. Có nhiều câu chuyện thú vị trước, sau và ngay thời khắc giao thừa mà ai đón tết ở vùng quê mới cảm nhận được./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết