Tiếng Việt | English

13/01/2022 - 09:26

Chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số

Ngày 12/01, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đề án số hoá truyền hình Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Long An

Theo báo cáo của BCĐ Đề án, thực hiện Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã đạt được kết quả rất khả quan về chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số, áp dụng thống nhất tiêu chuẩn DVB - T2 và giải phóng tài nguyên tần số.

Ngay tại phiên họp lần thứ nhất (ngày 19/9/2012), BCĐ đã quyết định sử dụng công nghệ truyền hình số mặt đất thế hệ thứ 2 (DVB - T2), là công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất. Tại thời điểm đó, Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ DVB - T2 (sau Anh, Ý, Phần Lan, Ukraine, Thụy Điển).

Triển khai thực hiện Đề án số hóa đã mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao chất lượng thu xem truyền hình. Nếu như trước khi triển khai Đề án, có khoảng 90% số hộ gia đình có máy thu hình tương tự (khoảng 18 triệu hộ), hơn 80% chưa xem được truyền hình số mặt đất.

Đến nay, có khoảng 16 triệu hộ đã thu xem được truyền hình số qua các phương thức cáp, IPTV; trên 3,2 triệu hộ sử dụng truyền hình vệ tinh; trên 5 triệu hộ đã sử dụng truyền hình số mặt đất; 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước có thể xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

Người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều chương trình truyền hình với chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách số về thông tin giữa vùng sâu, vùng xa và thành thị. Trước đây, với truyền hình tương tự chỉ thu xem được từ 3 đến 7 kênh chương trình có độ phân giải SD thì nay với truyền hình số có thể thu xem đến 70 kênh chương trình quảng bá miễn phí, trong đó có hàng chục kênh HD; 100% các Đài phát thanh, truyền hình trong cả nước đã tổ chức, sắp xếp lại bộ máy của Đài, hoạt động theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hóa.

Hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, ngoài 2 đơn vị truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất là: VTV và VTC, đã có thêm Công ty cổ phần truyền hình số Miền Bắc (DTV) và Công ty TNHH truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV). Ngoài ra, còn có Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sử dụng truyền hình số mặt đất.

Đề án đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho gần 1,9 triệu hộ dân cả nước với tổng kinh phí trên 1.000 tỉ đồng từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Một số địa phương còn hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn địa phương và các hộ gia đình chính sách từ nguồn kinh phí của địa phương.

Tại Long An, đã thực hiện hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh vào năm 2017, đã hỗ trợ bộ thiết bị đầu thu truyền hình số DVB - T2 và lắp đặt cho 32.149 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách người có công có hoàn cảnh khó khăn./.

Hùng Cường

Chia sẻ bài viết