Tiếng Việt | English

26/02/2018 - 20:25

Chuyện người dân y trên chiến trường

Khi chiến tranh lùi xa thì các huân, huy chương trong kháng chiến, kỷ niệm chương vì sức khỏe cộng đồng và bề dày 47 năm tuổi Đảng chính là niềm vui, niềm tự hào của ông - người dân y trên chiến trường xưa!

Ông Lý Văn Kẹo - người dân y trên chiến trường xưa, luôn nhớ về đồng đội

Tính đến nay là 3 năm, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí Lý Văn Kẹo (Ba Kẹo, ngụ phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An) hoàn thành được tâm nguyện đưa đồng đội về với gia đình sau suốt mấy mươi năm trở về từ chiến trường. Giờ đây, người dân y trên chiến trường xưa mới thực sự vui vẻ an hưởng tuổi già!

Ở độ tuổi gần 70, ký ức bắt đầu mai một và những gì còn lại chính là điều không thể nào quên! Làm sao có thể quên cảnh những người anh em, đồng chí của mình ngã xuống và nằm lại chiến trường đất khách xa xôi. Câu chuyện ông Ba kể không còn đủ chính xác thời gian, địa điểm và tên tuổi từng nhân vật như một trang lịch sử mà đó là câu chuyện của tình cảm thiêng liêng, mối dây gắn kết những người từng chia ngọt sẻ bùi.

Tham gia kháng chiến từ khi còn rất trẻ, ông Ba được phân công đi học và phục vụ trong đoàn dân y trên chiến trường. Rồi ông cùng đồng đội lên đường sang nước bạn Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Đó là những tháng ngày mà cả bác sĩ, dược sĩ, y tá,... vừa trị thương cho thương binh, vừa bào chế thuốc, vừa đánh giặc. Người thầy thuốc lúc ấy kiêm anh nuôi, khuân vác, bảo vệ cho thương binh.

Đó là tháng ngày “hạt muối cắn đôi” của những người gọi nhau là đồng đội, đồng chí để đến bây giờ, khi vừa nhắc đến, người cựu chiến binh lại khóc òa như một trẻ thơ! ông Ba kể: “Lần đó, bệnh viện bị địch tấn công bằng máy bay, bác sĩ Chín Có, dược tá Chín Tấn và y tá Năm Giao chiến đấu rất anh dũng. Máy bay bắn rocket, họ hy sinh. Nhưng con thử nghĩ xem, hy sinh do bị bắn rocket thì đau xót biết chừng nào!”. Những ngón tay cằn cỗi của ông lau nhanh giọt nước mắt mới hình thành trên khóe mắt. Sau trận càn đó, ông Ba là một trong những người trực tiếp chôn cất các chiến sĩ
hy sinh.

Vì tình đồng chí sẻ ngọt chia bùi mà mấy mươi năm sau ngày đất nước hòa bình, mong muốn đưa đồng đội về với quê nhà vẫn không ngừng thôi thúc ông. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với quê hương, ông trở về nhà, tiếp tục làm việc trong lĩnh vực y tế đến ngày nghỉ hưu. Rồi ông đi tìm đồng đội ngay và cùng Đội K73 lên đường sang nước bạn. Sau chuyến đi kéo dài 1 tháng, ông đưa được đồng đội về với quê nhà, trao tận tay cho gia đình, người thân! Lúc đó, tâm nguyện của ông thực sự hoàn thành!

Chiến tranh lùi xa, ký ức về đồng đội của người dân y trên chiến trường năm nào vẫn vẹn nguyên với đong đầy tình cảm. Các thế hệ hôm nay học ở ông rất nhiều, nhất là tình đồng chí, đồng đội, tình bạn thủy chung./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết