Tiếng Việt | English

11/02/2021 - 01:13

Chuyện thầy giáo trẻ đam mê thư pháp

Dành tình yêu trọn vẹn với thư pháp truyền thống, thầy giáo trẻ Lê Văn Thiệu "thổi hồn" vào hoa quả ngày Tết hết sức sống động, mang nhiều thông điệp ý nghĩa đến với khách hàng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Thầy giáo trẻ Lê Văn Thiệu dành niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật viết thư pháp

Anh Lê Văn Thiệu (SN 1990, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) hiện là giáo viên mỹ thuật Trường Tiểu học Long Hựu Đông 2, huyện Cần Đước, đồng thời là thành viên Câu lạc bộ Thư pháp Hồn chữ Việt (thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Long An). Anh có niềm đam mê đặc biệt đối với nghệ thuật thư pháp. Hơn 6 năm theo đuổi, anh đã “cho” biết bao con chữ đến với mọi người.

Học thư pháp chẳng dễ chút nào

Tìm gặp anh Lê Văn Thiệu tại chợ Hoa xuân, TP.Tân An khi anh cùng nhóm bạn đang tất bật viết chữ, trang trí trên quả dưa hấu để chuẩn bị giao hàng cho khách. Được tận mắt chứng kiến những sản phẩm do anh làm ra vô cùng bắt mắt. Quả dưa xanh qua bàn tay khéo léo của anh Thiệu nhanh chóng khoác lên mình “áo mới”, chiếc áo truyền thống theo phong cách hiện đại. 

Để có được những nét chữ uyển chuyển, mềm mại ấy, anh đã tốn không ít công sức theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Nhớ lại quãng thời gian vượt khó đến với thư pháp, anh kể: "Hồi còn công tác tại đơn vị cũ, cứ đều đặn 3 giờ sáng thứ 7 hàng tuần là tôi bắt xe buýt từ huyện Mộc Hóa lên TP.HCM đi học, chiều phải thuê nhà trọ ở lại để chủ nhật học tiếp. Ròng rã suốt mấy tháng trời, kết thúc khóa học, tôi về TP.Tân An được nghệ nhân thư pháp Huỳnh Long dìu dắt và từ đó nét chữ ngày càng hoàn thiện hơn."

Tác phẩm của thầy Lê Văn Thiệu

Với anh Thiệu, học thư pháp không hề dễ dàng, vì khó nhất là phải làm chủ được cây bút, nhấn nhá đậm nhạt, giúp toát lên được cái hồn, thông điệp mà mình gửi gắm qua nét bút. Người học phải có sự kiên nhẫn, chịu khó và nhất là đam mê.

Ngoài những giờ lên lớp, anh Thiệu vẫn thường nhận lời tham gia các sự kiện để “cho chữ”. Đặc biệt, lễ tết mới thật sự là dịp để anh thỏa niềm đam mê và thả hồn vào từng nét chữ, khuôn giấy. Anh không ngừng học hỏi để mang thư pháp đến với công chúng theo những cách riêng.

Thay áo mới cho trái cây ngày Tết

 

Mỗi sản phẩm như là đứa con tinh thần được tạo ra bằng tâm huyết, niềm say mê nghệ thuật. 

Nghệ thuật viết chữ thư pháp không chỉ được anh Thiệu thể hiện trên giấy mà ngay cả trên vỏ dưa hấu mỗi khi xuân về. Nhờ được đào tạo bày bản, anh Lê Văn Thiệu sớm khẳng định tài năng của mình qua những tác phẩm nghệ thuật có hồn, thể hiện được sự uyển chuyển, mềm mại, tinh tế trên trái dưa hấu.

Anh Thiệu chia sẻ, trong những năm gần đây, người tiêu dùng rất chuộng những sản phẩm trái cây được viết thư pháp, trang trí đầy màu sắc, trang trọng và mang nhiều thông điệp ý nghĩa. Nắm bắt nhu cầu đó, liên tục 6 năm nay, anh cùng bạn bè mở điểm bán dưa thư pháp phục vụ tết tại chợ hoa Xuân TP.Tân An.

 

 Những quả dưa hấu “Tài, “Lộc” sẵn sàng góp mặt trên mâm ngũ quả.

Tết này anh đã tung ra thị trường hơn 3 tấn dưa. Để có những quả dưa hấu đẹp nhập về bán, anh Thiệu cùng nhóm bạn phải xuống tận nơi ở Tiền Giang trực tiếp lựa chọn. Những quả dưa đẹp phải là dưa tròn đều, vỏ dày, mã dưa bóng, sạch thì lên màu mới tốt và để được lâu.

Với ưu điểm vỏ màu xanh, trơn, khi viết chữ, trang trí màu vàng và đỏ lên quả dưa rất nổi bật. Theo quan sát, để hoàn chỉnh một sản phẩm, anh Thiệu và nhóm bạn phải trải qua khá nhiều công đoạn. Dưa được phun lớp sơn vàng đồng, viết chữ đỏ và rắc lên một lớp kim tuyến lấp lánh, trang trí thêm những họa tiết hoa cúc tăng thêm phần sinh động,… trong đó, viết chữ là một trong những bước khó và quan trọng nhất để tạo nên một sản phẩm độc đáo, ấn tượng.

Mỗi năm, nhóm anh Thiệu đều đổi mẫu mã khác nhau để tạo cảm giác mới lạ cho khách hàng. Nếu như các năm trước anh viết đa dạng các chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Lộc, Bình An,... thì năm nay anh chỉ viết 2 chữ Tài và Lộc. Anh Thiệu cho biết, viết như vậy để khách hàng dễ dàng lựa chọn được một cặp dưa ưng ý.

Theo anh Thiệu, người viết thư pháp trên dưa hấu đòi hỏi phải khéo léo, viết chữ mềm mại, trang trí nổi bật, sáng tạo, tỉ mỉ mới tạo ra một sản phẩm đẹp cả chất và lượng. Đó cũng là yếu tố quan trọng nhất để thu hút khách hàng và để khách nhớ đến mình.

 Trang trí họa tiết tăng thêm phần sinh động cho quả dưa

Nhìn sản phẩm làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của anh Thiệu chúng tôi thực sự thán phục. Các loại quả sau khi được trang trí đều trở nên sinh động, truyền tải nhiều lời chúc hay, ý nghĩa đến gia chủ. Tôi nghĩ, đây sẽ là món quà ý nghĩa dành tặng cho người thân, bạn bè trong ngày Tết.

Viết thư pháp, dù thể hiện trên chất liệu nào thì người viết vẫn rất chỉn chu trong từng nét bút. Tết đến Xuân về là dịp để những người đam mê thư pháp như thầy giáo trẻ Lê Văn Thiệu duy trì niềm đam mê và lưu giữ một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong nhịp sống hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết