Tiếng Việt | English

23/01/2020 - 12:35

Thư pháp - tô điểm Tết Việt

Ở góc đường Hùng Vương, Chợ đêm Tân An, chợ Hoa xuân, thư pháp đã bắt đầu “xuống phố” với hình ảnh áo dài đỏ bên bút lông, nghiên mực. Hình ảnh đó khiến lòng người thêm rộn ràng, nô nức trong những ngày xuân.

Trong bài thơ Ông Đồ, nhà thơ Vũ Đình Liên viết: Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đồ già. Bày mực tàu, giấy đỏ. Bên phố đông người qua. Điều này cho thấy, tết cũng là “mùa” của nghệ thuật thư pháp. Từ giữa tháng 11 âm lịch, một không gian nhỏ đầy màu sắc được Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp TP.Tân An, tỉnh Long An - Trương Thị Bích Thủy bài trí tinh tế tại góc đường Hùng Vương làm sống lại hình ảnh ông đồ ngồi cho chữ ngày xuân. Đây là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, bắt nguồn từ sự hiếu học, trọng chữ, trọng tri thức. Ông đồ không chỉ thể hiện nét bút tài hoa, năng khiếu viết chữ mà nội dung một bức thư pháp còn gửi gắm tâm tình, ý nguyện của người xin chữ.

Hiện nay, thư pháp được rất nhiều người yêu thích

Bà Lê Thị Ngân, ngụ phường 4, TP.Tân An, cho biết: “Vào đầu năm mới, tôi thường xin các chữ như may mắn, hạnh phúc, an khang thịnh vượng, phát lộc, phát tài,... để tặng người thân, bạn bè hoặc trang trí trong nhà. Ngoài ra, thư pháp còn mang trong đó nhiều triết lý sống. Chẳng hạn, tôi muốn khuyên dạy con đừng nóng tính thì tặng chữ nhẫn. 

Ngày nay, cuộc sống hiện đại, chúng ta dễ dàng tìm mua được các câu đối, liễn trang trí, phong bao lì xì được in ấn bắt mắt với đa dạng về kích thước, mẫu mã. Song, người dân vẫn ưa chuộng và trân trọng nghệ thuật thư pháp với nét bút phóng túng, bay lượn không bị gò bó,... trên câu đối, liễn trang trí, phong bao lì xì. Bà Đinh Thị Hồng Diễm, ngụ phường 3, TP.Tân An, chia sẻ: “Tôi vẫn chuộng cách viết tay vì thể hiện được tâm tư, tình cảm của người cho và người nhận thay vì sử dụng vi tính hay thiệp in sẵn. Hơn hết, đó còn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong những ngày xuân về, tết đến cần phải giữ gìn và phát huy”.

Những dòng thư pháp trên từng câu liễn, câu chúc tết là một trong những món quà tinh thần biểu thị cho ước vọng đầu năm. Ngày nay, nghệ thuật viết chữ thư pháp không chỉ được ông đồ, bà đồ thể hiện trên giấy mà ngay cả trên thân, lá và trái cây, đặc biệt trên dưa hấu và dừa mỗi khi xuân về. Tuy nhiên, viết thư pháp trên trái cây đòi hỏi người viết phải tập luyện rất nhiều. 

Nghệ nhân Phú Thuận cho biết: “Loại màu viết trên trái cây rất khác với màu viết trên giấy. Vì vậy, người viết phải biết cách pha màu cho phù hợp với từng loại trái cây. Hơn hết, trái cây có bề mặt rất trơn nên khi cầm bút rất khó uốn nắn nét chữ theo ý mình. Khi nhìn ông đồ viết chữ thư pháp, ai cũng trầm trồ trước nét chữ mềm mại, tưởng chừng như viết ra rất dễ dàng nhưng kỳ thật không hề đơn giản, đó là cả quá trình tập luyện một cách tỉ mỉ, kiên nhẫn”.

Giữa không khí xuân tươi vui lan tỏa khắp đất trời, chúng ta lắng đọng cùng nghệ thuật thư pháp để cảm nhận cuộc sống nhẹ nhàng, ung dung, thong thả. Nghệ thuật thư pháp vì thế cũng là niềm tự hào về nét chữ người Việt thuộc dòng dõi rồng tiên./. 

Minh Thư

Chia sẻ bài viết