Bức thư pháp “chữ Tâm” của Huỳnh Long
|
1. Nghệ thuật thư pháp ở nước ta xuất hiện từ ngàn xưa với chữ Hán và Hán Nôm còn thịnh hành cho đến khi chữ Quốc ngữ (CQN) ra đời vào thế kỷ XVII và tới thế kỷ XX, CQN hoàn chỉnh, có hệ thống mạch lạc, trong sáng, được lấy làm chữ viết chính thức của Việt Nam, chấm dứt việc sử dụng hệ thống chữ Hán, Hán Nôm trong các văn tự, sách báo,... Vào thập niên 50-60 của thế kỷ XX, nhà thơ Đông Hồ - Lâm Tấn Phát (1906-1969) là người Hà Tiên, rất yêu tiếng mẹ đẻ và CQN, có mở Trí Đức Học Xá thu hút học trò học chữ Pháp vào rèn CQN. Đặc biệt, ông dùng bút lông, mực tàu viết CQN, tạo một dạng chữ viết nghệ thuật được nhiều người ưa thích. Rồi từ cảm hứng tự nhiên, nhiều nhà văn, nhà thơ: Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính,... phóng bút theo mạch cảm hứng tuôn trào lên ngòi bút lá tre, bút lông. Nhà thơ đồng hương với Đông Hồ là Kiên Giang cũng hay “múa bút” bi hay bút lông với những nét phóng khoáng.
Tạp chí Hồn Việt mới đây có giới thiệu thủ bút của các nhà văn, nhà thơ đương đại nổi tiếng với các bản thảo của họ viết theo kiểu tùy hứng phóng bút, lắm chỗ rối rắm, khó đọc. Đông Hồ thì viết nắn nót từng chữ chân phương thẳng băng, không kiểu cách uốn lượn “rồng bay phượng múa” như thư pháp bây giờ. GS.Vũ Khiêu đang sống vượt tuổi trăm cũng viết bút thường hay bút lông các câu đối, bài phú, bài văn bia theo kiểu chữ chân phương như Đông Hồ. Nhà thư pháp lão thành nổi tiếng cả nước - Lê Xuân Hoa có tranh thư pháp treo ở các đền, chùa, đình, miếu; cụ còn cho chữ nhiều tổ chức, cá nhân. Có những nhà văn, nhà thơ đến xin chữ và cụ rất hoan hỷ tặng chữ. Từ nhiều năm nay, mỗi buổi đầu xuân “làng ông đồ” Thủ đô Hà Nội lại tề tựu ở Văn Miếu Quốc Tử Giám để thi thố tài năng viết thư pháp, thu hút đông đảo người xin chữ.
2. Vừa rồi, tại một vườn cây phong cảnh ở phường 3, TP.Tân An, Hội Sinh vật cảnh Long An cho ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Hồn Chữ Việt, tạo sân chơi tao nhã cho những người yêu thích viết thư pháp, dưới sự dẫn dắt của anh em nhà “ông đồ” họ Huỳnh - Huỳnh Triều và Huỳnh Long, ở phường Khánh Hậu, TP.Tân An. Đây là CLB thư pháp thứ 2 của “làng ông đồ” Long An. CLB thư pháp đầu tiên thuộc Trung tâm Văn hóa Long An, ra đời năm 2005 mà “ông đồ già” Huỳnh Triều là trụ cột. Ngoài tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn hoạt động phong trào thư pháp sôi nổi. Ông còn làm câu đối, làm thơ, sáng tác ca cổ,... Hàng ngày, ông và em trai Huỳnh Long chở nhau đến lớp dạy thư pháp tại một ngôi chùa ở thị trấn Thủ Thừa. Ông cho biết, lớp anh em ông dạy quy tụ 40 học viên phần lớn là học sinh phổ thông, có cháu mới học lớp 1, một số thầy, cô giáo cũng đến tham gia lớp học. Anh em ông còn xuất hiện ở các cuộc thi thư pháp, các lễ hội đình, chùa, nhất là Tết Cổ truyền từ lâu là mùa hoạt động rôm rả của “làng ông đồ” vì là dịp người đến xin chữ đông nhất.
Việc cho chữ đòi hỏi các “ông đồ”, nếu không sáng tác được thì phải thuộc các câu danh ngôn “lời vàng ý ngọc”, các câu thơ, câu đối, ca dao, tục ngữ,... có nội hàm tư tưởng, triết lý giáo dục và đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; đề cao đạo làm người, đạo thầy trò, nghĩa vợ chồng, tình cha con, mẹ con, anh em, bạn bè, nghĩa vụ công dân,... Chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn,... thường được các “ông đồ” viết CQN đại tự có nhiều nét như chữ Hán.
Các hội viên Câu lạc bộ Thư pháp Hồn Chữ Việt Long An, trong đó có các “cô, cậu đồ nhí” trổ tài viết thư pháp
3. Cách nay mấy năm, tôi hay la cà đến chỗ nhà sư Thích Lệ Trí tại một ngôi chùa ở phường 3, TP.Tân An. Gặp lúc nhà sư đang say mê "múa bút" trên các tấm giấy, tấm lụa. Ngoài những câu chữ trích lời Phật dạy treo ở chùa, các bức thư pháp của vị sư trẻ này còn có những câu thơ: Thầy ơi, dù đá có mòn/ Ơn thầy em mãi sắc son ghi lòng; Ơn cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang; Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân,...Thư pháp của sư Lệ Trí, dù là CQN (sư tốt nghiệp ngành Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) vẫn có những nét sắc sảo như chữ Hán. Sư bảo, viết thư pháp CQN, nếu biết thêm chữ Hán để kết hợp sẽ có nét sáng tạo độc đáo. Người xưa chơi thư pháp tới mức "phóng bút không còn là bút, chữ không còn là chữ, mà có phảng phất của thần xuất, bổng bay của luồng khí, phiêu bồng của tâm thức rong chơi".
Hiện nay, nhiều gia đình treo các bức thư pháp để giáo dục con cháu. Có nhà giáo treo bức thư pháp “Lương Sư Hưng Quốc” để soi sáng mình. Mong CLB Thư pháp Hồn Chữ Việt Long An sớm khẳng định mình ở tầm mong muốn, góp phần làm đẹp cho đời trong thời đại công nghiệp 4.0!
Tản bút của Quang Hảo