Tiếng Việt | English

12/08/2022 - 10:05

Cơ hội từ các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệp định thương mại tự do

Việc tận dụng các chuỗi giá trị toàn cầu, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu cho doanh nghiệp (DN).

Mở ra nhiều triển vọng phát triển cho doanh nghiệp

Các chuỗi giá trị toàn cầu và các FTA mang đến cơ hội hợp tác, hỗ trợ và phát triển chung lợi ích cho DN. Trước tiên là việc mở rộng các thị trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các giá trị tốt nhất được phản ánh trong dòng sản phẩm, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận với hàng hóa chất lượng tốt, góp phần thúc đẩy các nhu cầu mới và tiềm năng mới cho những ngành nghề sản xuất, kinh doanh nhất định. Các quốc gia nói chung và DN nói riêng có cơ hội phát triển và tăng cao giá trị.

Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do mang đến nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp

FTA tạo ra sân chơi bình đẳng, sức cạnh tranh cao khi đòi hỏi các dòng sản phẩm của DN phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của các nước sở tại. Vì vậy, DN cần phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể khai thác, tận dụng tốt, phục vụ sự phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các thị trường tiềm năng nhưng đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản,...

Năm 2018, Công ty Cổ phần Nafoods Group (gọi tắt Cty Nafoods) đầu tư, đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất và chế biến hoa, quả xuất khẩu tại huyện Đức Hòa với quy mô gần 7ha, tổng mức đầu tư hơn 410 tỉ đồng. Cty chuyên về lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây và rau, củ, quả đông lạnh. Theo đại diện Cty Nafoods, các chuỗi giá trị toàn cầu, FTA tạo cơ hội cho DN dễ dàng tham gia, tiếp cận các thị trường xuất khẩu, từ đó thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh. Với mục tiêu đa dạng hóa thị trường, ngoài Trung Quốc, châu Âu, Cty đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác với các đối tác đến từ những thị trường lớn và tiềm năng như Úc, Ấn Độ, Trung Đông,...

Sản phẩm của Nafoods đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 50 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật,... Những dòng sản phẩm chính của Cty: Nước ép cô đặc, nước ép Puree, trái cây và rau, củ, quả đông lạnh (IQF), trái cây tươi,... đều đạt tiêu chuẩn các chứng chỉ khắt khe nhất như AIJN, Halal, Kosher, BRC, SGF, ISO 22000:2005,... Thị trường xuất khẩu tạo ra sân chơi, cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi sản phẩm của Cty phải đáp ứng đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn mới có thể đứng vững tại các thị trường này. Cty chú trọng nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, không ngừng đổi mới quy trình sản xuất để bảo đảm đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn do các thị trường đề ra.

Mặt khác, Cty chủ động tìm hiểu, cơ cấu thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu và hướng đến các chiến lược phát triển bền vững. Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ DN trong việc tiếp cận một số thị trường nước ngoài mới, có các chiến lược định hướng các dòng sản phẩm, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chính sách mới trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu để DN nắm bắt, chủ động trong phương án sản xuất, kinh doanh, nhất là trong giai đoạn tình hình thế giới đầy biến động như hiện nay.

Hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến là thế mạnh xuất khẩu của tỉnh

Đại diện Cty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An - Bùi Khắc Nhã chia sẻ: Tham gia vào các chuỗi giá trị, các FTA mở ra rất nhiều triển vọng phát triển cho Cty. Cơ hội được hợp tác với nhiều đơn vị, thụ hưởng chính sách, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, kết nối cung - cầu, định hướng được dòng sản phẩm để vào thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, thách thức cũng tương đối lớn, việc cạnh tranh giữa các dòng sản phẩm sẽ khốc liệt hơn so với bình thường. Tham gia vào sân chơi quốc tế, chìa khóa thành công chính là chất lượng sản phẩm nên Cty thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, uy tín, sản xuất sản phẩm bảo đảm đáp ứng tất cả tiêu chuẩn của thị trường đặt ra. Cty tập trung nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về thị trường để có định hướng, chiến lược sản xuất, kinh doanh cụ thể đưa các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường tại nước bản địa.

Để hỗ trợ DN, Nhà nước cần có thêm một chính sách cụ thể trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, bảo hộ sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hỗ trợ vay vốn ngân hàng trong quá trình hoạt động. Hiện nay, sản phẩm chủ lực của Cty là hạt điều và có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó, khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Quốc,... là những thị trường chính.

Không ngừng nâng cao chất lượng

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, Việt Nam tham gia nhiều FTA, nhiều FTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam mở ra lợi thế rất lớn cho hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vào sân chơi lớn, cạnh tranh công bằng thì với DN của tỉnh phần lớn là DN vừa và nhỏ, năng lực, kinh nghiệm trên thị trường quốc tế còn hạn chế. Đây là một trở ngại không nhỏ khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; chưa nói đến quy mô, năng lực đáp ứng số lượng, chất lượng hàng hóa.

Với cơ hội và thị trường tốt cho hàng hóa Việt Nam thông quan thực thi các FTA, đòi hỏi DN phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và tận dụng cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu. DN cần tạo nguồn hàng có chất lượng, phát triển sản xuất các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế gắn với tín hiệu thị trường; kiểm soát nguồn cung, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tham gia vào sân chơi toàn cầu với luật chơi công bằng, cạnh tranh thì chắc chắn sẽ khó hơn, yêu cầu DN phải hiểu và chơi đúng luật. Ví dụ, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới luôn có những cam kết cao về phát triển bền vững mà đòi hỏi DN của tỉnh phải thực hiện bên cạnh những yêu cầu về hàng hóa như các cam kết về lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội của DN; hay các vấn đề giải quyết tranh chấp,...

Với những DN chưa có kinh nghiệm, đây có thể sẽ là một thách thức lớn. DN cần hiểu rằng, đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững có thể làm tăng chi phí nhưng là cơ hội chuyển lên phân khúc thị trường cao hơn. Đối với thị trường EU, vấn đề giá không phải là yếu tố duy nhất để chọn mua sản phẩm. Vấn đề nữa là DN phải liên kết, hợp tác chuyển từ tranh mua, tranh bán sang chung giá, chung thị trường, chung khách hàng để đủ lớn về quy mô, gia tăng sức cạnh tranh, đủ kinh nghiệm gia nhập thị trường.

Hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng, lãnh thổ trên thế giới

Bà Châu Thị Lệ thông tin: Hiện nay, tỉnh có trên 900 DN xuất, nhập khẩu. Hàng hóa của các DN trong tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng, lãnh thổ trên thế giới (khu vực Đông Nam Á chiếm khoảng 20%; khu vực Đông Á chiếm 36%; khu vực Bắc Mỹ chiếm 29%; khu vực EU chiếm 8% và một số thị trường khác). Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng như thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến; hàng nông, thủy sản xuất khẩu chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Việc tận dụng các chuỗi giá trị toàn cầu, FTA mà Việt Nam tham gia ký kết mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu cho DN Việt Nam nói chung, DN xuất, nhập khẩu Long An nói riêng.

Để hỗ trợ DN tiếp cận các thị trường quốc tế, Sở Công Thương thường xuyên tuyên truyền nội dung của Hiệp định, các cam kết đối với từng lĩnh vực tới từng đối tượng DN để DN chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện tham gia vào thị trường; phối hợp các DN thường xuyên rà soát, kiến nghị xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; tích cực hỗ trợ các DN thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; hỗ trợ DN ứng dụng thương mại số để phát triển thị trường; phối hợp các cơ quan của Bộ Công Thương, Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước đón đoàn các DN nước ngoài vào trao đổi, giao dịch mua hàng cũng như hỗ trợ giải quyết các vần đề phát sinh của DN trong quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa tại nước sở tại;... Qua đó, giúp DN tìm hiểu thị trường, tiếp cận khách hàng, có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu./.

Tỉnh có trên 900 DN xuất, nhập khẩu. Hàng hóa của các DN trong tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng, lãnh thổ trên thế giới (khu vực Đông Nam Á chiếm khoảng 20%; khu vực Đông Á chiếm 36%; khu vực Bắc Mỹ chiếm 29%; khu vực EU chiếm 8% và một số thị trường khác). Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng như thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến; hàng nông, thủy sản xuất khẩu chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Việc tận dụng các chuỗi giá trị toàn cầu, FTA mà Việt Nam tham gia ký kết mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu cho DN Việt Nam nói chung, DN xuất, nhập khẩu Long An nói riêng.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết