Tiếng Việt | English

06/11/2017 - 20:03

Có một ngôi chùa như thế

Nằm khuất trong hẻm nhỏ tại ấp Kim Điền, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chùa Pháp Tánh từ nhiều năm qua trở thành mái nhà của những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.

Mái nhà chung

Năm 2012, khi chính quyền địa phương thông báo với nhà chùa về việc có một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi ở cầu thang bệnh viện và mong muốn chùa nhận nuôi. Trụ trì chùa khi ấy cho rằng, đó là việc thiện nên làm và đồng ý. An Lạc (tên của bé) đến với chùa trong hoàn cảnh như thế! Nhà chùa tin rằng, mọi chuyện đều có nhân duyên của nó. Sau này, An Lạc được chọn làm tên của Mái ấm ý nghĩa đặt tại chùa Pháp Tánh. Đó là những chia sẻ của Trụ trì chùa - Thích nữ Tắc Bảo.

Ngoài An Lạc, chùa đang chăm sóc và nuôi dưỡng hơn 20 trẻ khác có hoàn cảnh tương tự. Bé lớn nhất 5 tuổi, nhỏ nhất chỉ vài tháng.

Đến giờ uống sữa, các bé đều rất ngoanCác bé bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn. Một số bé được nhặt từ cổng chùa, số khác được người dân phát hiện đem về chùa gửi. Có bé may mắn khi sinh ra được 1,2 tháng mới bị bỏ rơi. Có bé được nhà chùa phát hiện khi còn dây rốn,… Mỗi bé là một phận đời mà các sư cô tin rằng, chính nhân duyên đưa các bé đến đây nên mọi người phải có trách nhiệm chăm sóc, yêu thương.

Từ suy nghĩ đó, các bé được chùa nuôi dưỡng đều được đặt tên, làm giấy khai sinh. Một điều đặc biệt, dù trai hay gái, các bé được trụ trì và các sư cô chọn chữ “An” làm tên lót. Đó là An Lạc, An Cửu, An Liên, An Phương,…với ước muốn cuộc sống sau này của các bé sẽ an yên, hạnh phúc.

Ấm áp tình người

Những đứa trẻ trong chùa được các sư cô yêu thương, chăm sóc như người thân của mình. Ngoài một số phật tử gần chùa tình nguyện đến chăm sóc, nhà chùa còn thuê thêm một vài người giữ trẻ đến ngủ
và trông vào ban đêm.

Hơn 3 năm làm công quả tại chùa, bà Phương Thúy được xem như người mẹ của bọn trẻ. Từ nhỏ, bà bị tật ở chân nên đi lại khó khăn, hoàn cảnh neo đơn nên bà tình nguyện ở lại chùa để phụ việc. Ngoài quét dọn, thỉnh thoảng bà nhận chăm sóc trẻ phụ các cô. Bao nhiêu năm ở đây cũng là chừng ấy thời gian bà chứng kiến tụi nhỏ lớn dần nên tình cảm ngày càng gắn bó.

“Mấy đứa trẻ ở đây đều rất tội nghiệp! Các cô chăm trẻ luôn xem mấy bé như người thân của mình. Ai vào thăm cũng thương. Tụi nhỏ như hiểu được hoàn cảnh của mình nên ít khi quấy, khóc mà thường quấn quýt, lễ phép khi có người đến thăm. Tôi không có con nên khi được các bé gọi bằng mẹ nghe thương lắm! Có hôm tôi về nhà có việc, khi quay lại có bé ôm chầm, khóc và nói: Con tưởng mẹ bỏ con! Cứ như vậy nên tôi ở lại chùa luôn” - bà Thúy nói.

Không chỉ có bà Thúy mà một số phật tử vẫn hay đến phụ giúp. Hiện tại, ngoài chi phí chăm lo các mấy bé nhỏ, chùa còn cho 2 trẻ theo học mẫu giáo.

Các bé hớn hở khi được nhận quàTrụ trì chùa - Thích nữ Tắc Bảo cho biết, nhà chùa cố gắng chăm sóc, nuôi dạy các bé đến tuổi trưởng thành. Khi đó, tùy quyết định của các con là muốn tiếp tục ở lại chùa hay ra ngoài xã hội. Ở đây, sư cô đều mong các con lớn lên khỏe mạnh, sống trong sự yêu thương, quan tâm của nhiều người.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc-Nguyễn Tuấn Thanh nhận định, việc làm của nhà chùa giúp ích rất nhiều cho những trẻ có hoàn cảnh cơ nhỡ. Tháng 7 vừa qua, huyện thành lập cơ sở bảo trợ xã hội mang tên Mái ấm An Lạc tại chùa Pháp Tánh nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho việc nuôi dạy trẻ mồ côi. Hy vọng với sự yêu thương, dạy dỗ của các sư trong chùa, những trẻ nhỏ lớn lên sẽ trở thành người có ích cho xã hội./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết