Tiếng Việt | English

02/08/2024 - 10:01

Có những khoảng trời gọi nhớ thương

Có những khoảng trời gọi nhớ thương là tập thơ đầu tay của Phan Duy, xuất bản năm 2023. Phan Duy (tên thật là Phan Tấn Duy), sinh năm 1987 tại Bạc Liêu - miền đất gắn liền với tên tuổi của nhiều văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng. Tập thơ nhỏ xinh, bìa sách chỉ là hai gam màu trắng - đen với hình ảnh tối giản nhưng vô cùng tinh tế, sang trọng và đúng thật là... thơ.

54 bài thơ là 54 “mảnh ghép” của bức tranh đồng bằng Nam Bộ được Phan Duy góp nhặt, điểm tô. Đến với thơ ca khi tuổi đời còn rất trẻ, Phan Duy lại chứng tỏ được sự tinh tế trong cách nhìn ngắm cuộc sống và con người, sự già dặn trong cách suy nghĩ và sự công phu, trau chuốt trong việc lựa chọn hình ảnh, dùng từ, sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật đậm chất văn hóa.

Đọc tập thơ Có những khoảng trời gọi nhớ thương của Phan Duy, tôi cảm giác có một vùng đồng bằng sông nước hiện ra trước mắt mình với những đặc trưng riêng biệt về thiên nhiên, thời tiết, những giá trị văn hóa, những ký ức đồng bằng,... được tác giả chắt chiu qua nhiều năm tháng. Thơ Phan Duy mở ra trước mắt độc giả hình ảnh một miền Tây dung dị, mộc mạc, đơn sơ mà thấm đẫm ân tình. Ở nơi đó, có con rạch nhỏ liêu xiêu/ đám ráng xanh chìa lá ấp ôm bờ/ quen mùi đất nên xám màu ráng lựng (Con rạch nhỏ), những dòng sông hình thành nên văn hóa sông nước với chợ nổi những nét đời rong ruổi/ theo nhịp dầm/ theo tiếng máy nổ đuôi tôm (Nhánh quê), mùa nước về “thả nước mênh mông/ cứ mênh mông giữa mùa đụt gió/ lé đé sông dài sông ngán nước/ trườn lên” (Mùa nước lên),... Dòng sông, cánh đồng đã vượt khỏi biên giới của một hình ảnh thông thường mà trở thành biểu tượng nghệ thuật đẹp trong trang viết của Phan Duy. Đó là dòng sông quê hương với con nước ròng bông lục bình mắc cạn/ háo hức chờ bìm bịp/ gọi phía đồng xa (Đồng dao quê); là những ngã rẽ của dòng sông gắn với ý niệm hợp và tan, gặp gỡ và ly biệt: Ngã sông bốn nhánh còn xuôi chảy/ mà tình thơ nay đã xa mờ/ chắc có lẽ chồng con giờ vui bên em/ môi cười mắt biếc/ còn ngã sông chờ/ bốn nhánh vẫn chờ ta (Ngã sông chờ),...

Những ký hiệu văn hóa gắn liền với dòng sông cứ trở đi trở lại trong thơ Phan Duy, là chứng minh cho một dòng văn hóa chảy vào thơ anh trong vô thức. Với chợ nổi, tác giả không tả mà chỉ gợi, bằng một tín hiệu độc đáo nào đó như cây bẹo: Cây bẹo lửng lơ như dân mình phóng khoáng/ xuôi ngược sông hồ/ chung thủy đến ruột gan (Nhánh quê); phương tiện di chuyển chủ yếu của người miền Tây là chiếc xuồng be tám dùng dình ghẹo sóng/ chiếc sào dài/ đo lòng sông” (Mùi quê hương); những hàng đáy sông xưa đáy nổi đáy chìm/ vít vít tình quê (Hàng đáy sông xưa) gắn với phận đời của muôn người nương nhờ vào sông mà sống; những bến nước ven sông từ thuở nào đã đi vào ca dao Nam Bộ: Những bến sông những ngả đường/ nuôi hồn ta lớn/ cái cục mịch quê mùa còn đó tiếng quen (Ngọn sóng đồng bằng),... Tất cả đã hình thành không gian văn hóa đậm đà phong vị Nam Bộ, gần gũi và thân thương trong cuộc sống con người.

Cùng với sông nước, cánh đồng cũng là biểu tượng đẹp và xuất hiện xuyên suốt trong tập thơ Có những khoảng trời gọi nhớ thương. Những cánh đồng không chỉ làm nên phong cảnh thiên nhiên trù phú của miền Tây mà còn cưu mang phận đời của bao người lao động thuần hậu, chất phác: Đồng vẫn chiều từng thớ trôi ngang/ chiếc xuồng con nằm in sóng/ cỏ nước mặn dùng dằng chìa ngọn/ nghe vết phèn/ vàng hực phía mây trôi (Con sóng đồng chiều); Cánh đồng thức - một sớm mai lũ về/ phía mênh mông những chiếc xuồng con nhẹ mái dầm/ ghim sóng/ bồng bềnh thả lưới buông câu (Đồng nước). Cái hay của Phan Duy là anh đã để người đọc nhận ra được đó là cánh đồng của vùng Tây Nam Bộ không lẫn vào đâu được, nhắc về một miền Tây mộc mạc, hiền hòa trong tâm khảm của bao người.

Ngày mưa, nhớ canh rau tập tàng của mẹ

Ngày mưa, nhớ canh rau tập tàng của mẹ 

Mưa đã đến với quê nhà. Những giọt mưa rơi đều trên mái lá, tiếng mưa vang lên dịu dàng như một bài ca quen thuộc. Tôi nhớ những ngày mưa thuở nhỏ nơi quê hương thanh bình, lúc ấy, mọi việc đều tươi vui và êm ái.

Tập thơ Có những khoảng trời gọi nhớ thương của Phan Duy là bức tranh quê bằng ngôn từ, cái đẹp có trong chính sự mộc mạc, thân thương. Mỗi nhà văn, nhà thơ đều có khả năng dấn thân vào những đề tài khác nhau, thế nhưng đề tài quê hương, mạch cảm xúc của cội nguồn, dân tộc vẫn luôn là dòng chảy không ngắt quãng, đong đầy trong trái tim mỗi người. Thơ Phan Duy cũng tương tự như thế. Với tập thơ Có những khoảng trời gọi nhớ thương, ngòi bút Phan Duy đã thực sự chạm đến trái tim độc giả. Tập thơ của anh như nói hộ tiếng lòng của bao người, một lời nhắc nhở duyên dáng và ý nhị rằng: Hãy nâng niu những “khoảng trời” của riêng mình, hãy tìm về những “khoảng trời” thân thương ấy khi còn có thể./.

 Phạm Khánh Duy

Chia sẻ bài viết