Một điểm sạt lở dọc bờ Nam Kênh Dương Văn Dương, đoạn qua xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh ảnh hưởng đến đường giao thông, đi lại của người dân
Ngày 29/9, thông tin cho biết, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ Nam kênh Dương Văn Dương (đoạn từ cầu treo Hậu Thạnh Đông đến ranh Trung tâm Nông sản Hậu Thạnh Đông), xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh.
Thực trạng sạt lở tại khu vực bờ Nam Kênh Dương Văn Dương (đoạn từ cầu treo Hậu Thạnh Đông đến ranh Trung tâm Nông sản Hậu Thạnh Đông), xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh đã xảy ra sạt lở trong nhiều năm trở lại đây. Từ đó, có nguy cơ đe doạ đến an toàn của hệ thống hạ tầng đường giao thông huyết mạch Đường tỉnh (ĐT) 837.
Sạt lở đã làm chiều rộng lưu không từ mép kênh đến nền đường không còn do đất bị sạt lở xuống lòng kênh (đặc biệt tại khu vực Ngã tư kênh Dương Văn Dương và kênh Quận). Độ dốc mái kênh so với mặt đường bị khoét sâu tạo thành vách đứng, không bảo đảm an toàn đối với kết cấu ĐT837. Đồng thời, có nguy cơ gây sự cố sạt lở nghiêm trọng cho tuyến đường, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân khi lưu thông qua khu vực sạt lở này.
Qua khảo sát thực tế, vị trí sạt lở trước trụ sở UBND xã Hậu Thạnh Đông có tổng chiều dài khoảng 400m. Nguyên nhân do tác động của vấn đề phù sa không còn bồi lấp, dòng chảy xiết và các phương tiện trọng tải lớn lưu thông qua lại nhiều gây ra tình trạng xói mòn đất, đất trôi trượt xuống kênh, tạo hàm ếch dưới chân bờ kênh, lưu không bờ kênh (bờ Nam) có hiện tượng nghiêng, sạt trượt về phía kênh.
Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần gia cố chống sạt lở nhưng không hiệu quả, trong khi kế hoạch đầu tư bờ kè lộ trình thực hiện giai đoạn 2026-2030. Nếu không được xử lý kịp thời, đặc biệt trong thời gian mùa mưa, lũ sắp tới, có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở đe dọa đến an toàn kết cấu hạ tầng đường giao thông ĐT837.
Theo đó, UBND tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở ở khu vực này. UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra; sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm (nếu có).
Tình trạng xói mòn đất, đất trôi trượt xuống kênh, tạo hàm ếch, theo đó, nguy cơ sạt lở vẫn luôn tiềm ẩn
UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương khoanh vùng khu vực đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; tháo dỡ công trình, di dời nhà cửa, vật kiến trúc trong khu vực bị ảnh hưởng, lắp đặt biển cảnh báo cho khu vực sạt lở; ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh, trật tự khu vực.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng sạt lở ở khu vực trên để người dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế người dân qua lại trong khu vực xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn đê, tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước./.
Lê Đức