“Trợ thủ” cho các bậc phụ huynh
Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ nhỏ đang say sưa theo dõi vào màn hình của những chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng khi cha mẹ bận rộn. Công nghệ đang dần trở thành “trợ thủ” đắc lực giúp các bậc phụ huynh chăm con, dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần cho trẻ một thiết bị công nghệ là các bé lập tức ngồi yên và không còn quấy khóc.
Công nghệ số dần trở thành "trợ thủ" đắc lực cho các bậc phụ huynh
Chị N.T.H.L, ngụ phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An, chia sẻ: “Con tôi hiếu động lắm, mỗi lần dẫn đi chơi là chạy lung tung khắp nơi. Sợ con nghịch đồ của người khác nên khi đi cà phê cùng bạn bè, gia đình tôi thường cho bé chơi điện thoại. Lúc đó, bé lại ngoan ngoãn ngồi yên xem phim hoạt hình hay ca nhạc thiếu nhi”.
Bên cạnh việc “chăm trẻ”, công nghệ số còn giúp các bậc phụ huynh “dỗ trẻ” cực nhanh. Khi trẻ khóc, chỉ cần cho chơi điện thoại là trẻ sẽ hết khóc và nghe lời. Không ít các bậc làm cha, làm mẹ đang sử dụng phương pháp này để “trị” trẻ.
Chị B.T.N.D, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, cho biết: “Thời đại công nghệ 4.0 nên cha mẹ dỗ trẻ cũng hiện đại hơn, mỗi khi con khóc cứ đưa điện thoại, máy tính bảng là trẻ không khóc nữa. Ngoài ra, tôi cũng thấy nhiều bậc phụ huynh sử dụng công nghệ để khuyến khích trẻ ăn cơm, vừa ăn vừa xem điện thoại thì trẻ sẽ ăn nhanh hơn”.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Tân An - Lê Thị Song An chia sẻ: “Công nghệ thông tin là công cụ học tập giúp trẻ khám phá thêm nhiều kiến thức mới, là cầu nối giúp trẻ tư duy được các môn tự nhiên và nâng cao khả năng tin học của mình. Tuy nhiên, việc các em "nghiện" công nghệ số và lạm dụng chúng vào những mục đích không lành mạnh đã vô tình tạo ra những hiệu ứng tiêu cực. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm, định hướng cho các em trong việc tiếp nhận thông tin từ các thiết bị công nghệ. Đồng thời, giữa phụ huynh và nhà trường phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và giáo dục các em khi tiếp xúc với công nghệ số”.
Nhiều hệ lụy khó lường
Nhìn chung, công nghệ số đang trở thành "trợ thủ" đắc lực giúp cha mẹ chăm trẻ nhỏ, lâu ngày hình thành thói quen khi không có điện thoại hay máy tính bảng thì trẻ sẽ khóc. Còn đối với trẻ lớn hơn, sự buông lỏng của các bậc phụ huynh trong quản lý vô tình đã “đẩy” trẻ vào con đường “nghiện” công nghệ số. Cụ thể, đối với trẻ lớn hơn thì việc sử dụng công nghệ cũng thường xuyên, dễ dàng hơn. Bên cạnh phục vụ cho việc học thì công nghệ số cũng đang đáp ứng nhu cầu giải trí của trẻ như chơi game online, mạng xã hội. Từ tìm hiểu giải trí, nhiều trẻ “nghiện” lúc nào không hay.
Anh P.H.K, ngụ phường 4, TP.Tân An, tâm sự: “Để hỗ trợ cho việc học của con, tôi đã đầu tư hẳn dàn máy vi tính. Vì gia đình bận quá nên không kiểm soát được thời gian con sử dụng internet, bên cạnh việc học, tôi biết con có chơi game online. Lúc đầu, tôi nghĩ con tôi chỉ chơi game để giải trí nên cũng không cấm cản nhưng không ngờ là bé lại nghiện”.
Cần quan tâm, quản lý mục đích sử dụng công nghệ của trẻ
Theo Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Long An – Bác sĩ Nguyễn Đình Mỹ, ngày nay, phụ huynh thường xuyên dùng điện thoại, máy tính bảng để dỗ trẻ không quấy khóc nhưng không ngờ lại vô tình khiến trẻ lệ thuộc vào công nghệ. Tác hại đầu tiên là giảm sự linh hoạt của trẻ cũng như khả năng tập trung và ứng xử, học hành bị sa sút.
“Từ lệ thuộc sẽ dẫn đến "nghiện", lâu dần sẽ rối loạn về tính cách, giấc ngủ; trẻ dễ tăng động, có những hành vi bất thường, khi đó sẽ khó dạy dỗ hơn. Đặc biệt, đối với trẻ từ 1 – 3 tuổi, một khi đã lệ thuộc vào công nghệ, các bé sẽ thay đổi tính cách rất dữ dội, vô tình các bậc cha mẹ đã làm mất khả năng thích ứng của trẻ đối với thế giới bên ngoài” – Bác sĩ Mỹ cho biết thêm.
Nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh
Nhìn chung, để tránh tình trạng trẻ nghiện công nghệ sớm, các bậc phụ huynh cần quản lý thời gian hay hạn chế việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ. Đồng thời, phải nâng cao nhận thức và kỹ năng nuôi dạy con theo phương pháp đúng đắn, tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh mang tính chất cộng đồng. Đặc biệt, phụ huynh cần làm gương và hướng dẫn cho con của mình sử dụng công nghệ số một cách lành mạnh./.
Bùi Tùng – Nguyễn Dung