Tiếng Việt | English

08/01/2019 - 10:53

Nhiều hệ lụy khi trẻ “nghiện” thiết bị công nghệ

Ngày nay, nhiều phụ huynh cho trẻ sử dụng thiết bị số khá sớm và thường xuyên với nhiều mục đích khác nhau. Chính điều này làm trẻ lười vận động, thiếu kỹ năng giao tiếp, không phát triển ngôn ngữ,...

Hiện nay, nhiều trẻ em “nghiện” thiết bị công nghệ

Hiện nay, nhiều trẻ em “nghiện” thiết bị công nghệ

Sau ly hôn, chị N.T.N (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) nuôi 2 đứa con gái. Vì cuộc sống, chị phải đi làm xa. Để bù đắp sự thiếu thốn về tình cảm cho con, chị mua cho mỗi đứa một chiếc điện thoại thông minh. Chị N. tâm sự: “Tôi mua điện thoại cho con với mục đích để mẹ con liên lạc với nhau và giúp con giải trí sau giờ học tập căng thẳng... Sau thời gian, tôi thấy các con ít ra bên ngoài chơi với ông bà ngoại, thay vào đó, đi học về là vào phòng “cày” game và mạng xã hội. Hậu quả, thành tích học tập của các con ngày càng xuống, không còn ngoan như trước”.

Đó còn là hoàn cảnh của phụ huynh em N.N.T.A (3 tuổi, xã Long Trì, huyện Châu Thành). Phụ huynh em A. tâm sự: “Vợ chồng tôi có con muộn và A. cũng là cháu trai duy nhất của dòng họ nên được cưng chiều. Những lúc cháu khóc, gia đình đưa điện thoại cho cháu chơi game, xem hoạt hình,... Đến khi cháu được 3 tuổi, gia đình thấy cháu ít tiếp xúc với những người xung quanh, chậm vận động. Thấy vậy, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng (TP.HCM) khám thì phát hiện cháu bị rối loạn phổ tự kỷ, cần được can thiệp sớm, nếu không tình trạng sẽ rất nặng”.

Sở dĩ, nhiều phụ huynh cho trẻ sử dụng thiết bị công nghệ sớm, thường xuyên là để không phải trông giữ trẻ, có nhiều thời gian làm việc khác; muốn con tiếp xúc, tìm hiểu vạn vật (chỉ cần kết nối Internet, trẻ có thể tra cứu bất cứ điều gì); trẻ có thể ngồi yên một chỗ để dễ đút thức ăn;... Chị Lê Thị Bạch (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) bộc bạch: “Nhiều lúc bận làm việc nhà, không ai trông cháu, tôi thường đưa cho cháu điện thoại xem hoạt hình, chơi game và ngồi yên để không chạy lung tung”.

Thiếu sân chơi cho trẻ là nguyên nhân làm trẻ lạm dụng thiết bị công nghệ. Bà Huỳnh Thị Ngọc Điệp (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Hàng ngày, người lớn đi làm, không có thời gian dành cho trẻ. Trong khi đó, trẻ nhỏ thì thích vui chơi nhưng địa phương không có sân chơi. Ngoài ra, một số gia đình không muốn cho trẻ tiếp xúc, chơi chung với những trẻ em khác trong xóm. Do đó, thiết bị công nghệ trở thành người bạn của trẻ”.

Trước đây, khi chưa có thiết bị công nghệ, tuổi thơ của các thế hệ 9x trở về trước thường lẩn quẩn theo chân cha mẹ khám phá vật dụng quanh nhà bằng cách lục lọi. Đến lúc cắp sách đến trường, sau giờ học, họ rủ nhau ra bãi đất trống để chơi trốn tìm, nhảy cò cò,... Còn bây giờ, tuổi thơ của trẻ em được gắn liền với thiết bị công nghệ. Và một khi trẻ “nghiện” thiết bị công nghệ thì phát sinh nhiều hệ lụy khiến phụ huynh phải đau đầu. Nhiều trường hợp trẻ học theo cách nói chuyện như trong các clip, bắt chước làm siêu nhân,...

Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh - Trần Thanh Phong chia sẻ: “Trường nhận can thiệp sớm cho 77 trẻ dưới 6 tuổi và con số này sẽ ngày càng tăng. Hầu hết các trẻ đều có vấn đề về ngôn ngữ và có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ. Qua thời gian giảng dạy và tìm hiểu từ phụ huynh, hầu hết trẻ đang được can thiệp sớm đều sử dụng thiết bị công nghệ sớm và trên mức cho phép. Cụ thể, mỗi lần trẻ khóc, phụ huynh thường đưa điện thoại cho trẻ chơi game, xem phim hoạt hình, từ đó trẻ không phát triển ngôn ngữ mà chỉ phát triển hành động chạm, vuốt. Còn phụ huynh không cho trẻ sử dụng điện thoại thì trẻ sẽ khóc rất lớn đến khi nào đòi được mới thôi”.

Bậc làm cha, làm mẹ ai cũng mong con mình được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Do đó, thay vì cho con sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh thì các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian cho trẻ tham gia các hoạt động bên ngoài, được tiếp xúc các trò chơi, giải trí lành mạnh, góp phần giúp trẻ phát triển tư duy, trí tưởng tượng, học hỏi những điều mới lạ./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết