Tiếng Việt | English

29/01/2021 - 10:36

Đậm đà hương vị mắm cá lia thia

Long An có nhiều đặc sản như đậu phộng Đức Hòa, bánh in Long Hựu, cốm ngò Cần Giuộc,... trong đó, phải kể đến mắm cá lia thia - món ăn dân dã, quen thuộc đã trở thành đặc sản của người dân bưng biền Đức Huệ.

Cá lia thia là loại cá nước ngọt, thường sống trong vùng bưng biền Đức Huệ, có kích thước nhỏ, con lớn thường dài 10cm. Ngày xưa, người dân chỉ cần ra sau vườn giậm cù (dồn cá lại rồi bao vây, lấy rổ xúc cá) là có cá ăn không hết. Thấy vậy, người dân sáng tạo ra làm mắm  cá lia thia để đổi khẩu vị hoặc làm quà tặng người thân, bạn bè nhân các dịp lễ, tết.

Mới nghe qua, nhiều người thắc mắc con cá lia thia bé tí tẻo thường chỉ để đá hoặc chưng trong nhà, chứ ai làm mắm... Vậy mà chỉ cần thưởng thức mắm cá lia thia một lần thì chẳng thể nào quên được cái vị vừa bùi, vừa béo của món ăn dân dã, đồng quê này. Và cứ thế, nghề làm mắm cá lia thia ra đời từ lúc nào không hay, chỉ biết thế hệ này truyền đến thế hệ sau, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực của người dân nơi đây.

Theo nhiều người sành ăn, mắm cá lia thia ăn nguyên chất là ngon nhất, chỉ cần cho thêm tỏi, ớt

Chị Đoàn Thị Út (chủ Cơ sở mắm cá lia thia Út Lớn, thị trấn Đông Thạnh, huyện Đức Huệ) cho biết: “Trước đây, vợ chồng tôi chuyên bắt cá lia thia bán cho các thương lái ở TP.HCM. Tuy nhiên, đến khi vào mùa thì cá lại bị thương lái ép giá, thậm chí không mua, trong khi đó làm nghề này rất cực, phải thức khuya, dậy sớm, ngâm mình dưới nước hàng giờ. Thấy vậy, vợ chồng tôi chuyển sang làm mắm cá lia thia. Ban đầu, gia đình tôi chỉ bán cho người quen, sau đó người quen ăn ngon nên giới thiệu bạn bè mua thêm. Hiện nay, mỗi tháng, gia đình tôi bán ra thị trường từ 4.000-5.000 hũ mắm (loại 550gr/hũ), với giá bán sỉ 120.000 đồng/hũ, bán lẻ 130.000 đồng/hũ. Riêng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cơ sở chuẩn bị cung cấp cho thị trường 10.000 hũ”.

Mắm cá lia thia Út Lớn làm hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất, đóng gói bằng hũ thủy tinh, có nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc nên được khách hàng lựa chọn. Để mắm cá lia thia Út Lớn khẳng định được thương hiệu, vợ chồng chị Út phải mất đến 2 năm thử nghiệm, thậm chí, có lúc vợ chồng chị muốn bỏ cuộc. Song, với mong muốn tự tạo việc làm cho gia đình và người dân địa phương đã thôi thúc gia đình vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất đến hôm nay.

Anh Phạm Văn Bốn (chồng chị Út) cho biết: “Hiện nay, cơ sở của tôi thu mua cá lia thia của trên 50 hộ, trong đó mỗi hộ có từ 3-4 thành viên bắt cá. Mỗi ngày, cơ sở thu mua từ 80-130kg cá, với giá từ 280.000-300.000 đồng/kg. Nhờ vậy, nhiều người có thu nhập trên 400.000 đồng/ngày. Đây là số tiền có thể thấp với nhiều người nhưng rất có giá trị với lao động nông thôn”.

Theo người dân nơi đây, nghề bắt cá lia thia không phân biệt độ tuổi, giới tính, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó là có thể sống được với nghề. Ông Nguyễn Văn Khanh (SN 1965), ngụ xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, trải lòng: “Tôi có 17 năm sống bằng nghề bắt cá lia thia. Cá lia thia tập trung ở những cánh đồng bưng với nhiều vạt tràm, rạch cỏ năn kéo dài từ huyện Thủ Thừa qua Bến Lức về Đức Huệ. Ngày xưa, mỗi ngày, tôi có thể bắt được vài chục ký là chuyện bình thường, còn bây giờ nguồn cá khan hiếm, mỗi ngày bắt được chỉ vài ký. Nghề bắt cá lia thia đã giúp gia đình tôi nuôi các con khôn lớn”.

Theo nhiều người sành ăn, mắm cá lia thia ăn nguyên chất là ngon nhất, chỉ cần cho thêm tỏi, ớt để giữ nguyên bản chất vốn có của mắm. Muốn thưởng thức mắm ngon phải có đọt xoài tím biếc, đọt bứa trắng xanh, miếng khóm chín vàng, chuối chát, khế chua xanh và đậu rồng.

Có thể thấy, Long An không chỉ được “mẹ” thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi mà còn được ban tặng nhiều sản vật thấm đậm tình đất, tình người. Và một mùa xuân nữa lại về, hy vọng những người làm mắm cá lia thia sẽ có được một mùa bội thu, góp phần đem xuân về đến mọi nhà, mọi người./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết


Đơn vị cung cấp Nhà Hàng - Nơi Trải Nghiệm Hương Vị uy tín Cách phối hợp hương vị