Tiếng Việt | English

26/01/2017 - 11:17

Đậm tết quê

Khi tiết trời se lạnh, nhiều gia đình ở thôn quê bắt đầu hối hả chuẩn bị nguyên liệu làm mứt cho những ngày tết. Đối với họ, đó không chỉ là truyền thống gia đình mà còn là dịp để các thành viên lớn, nhỏ trong nhà cùng quây quần bên nhau.

Tại sao ngoài thị trường hiện nay, ai muốn loại mứt nào là có ngay loại mứt đó nhưng vẫn còn nhiều gia đình lại tự tay làm mứt chuẩn bị cho ngày tết? Bởi những gia đình ấy xem làm mứt là truyền thống, là một việc làm không thể thiếu mỗi độ xuân về.

Những món mứt tự làm ấy còn đặc biệt ý nghĩa với những người con đi học, đi làm xa quê chỉ về nhà trong dịp tết. Tham gia các công đoạn làm mứt, họ như được tìm về với tuổi thơ, với cuộc sống yên bình thay cho những chuỗi ngày tất bật ở phố thị trong suốt 1 năm học hành, làm việc.

Mứt gừng được làm bằng cách làm thủ công truyền thống

Đến gia đình bà Trần Thị Sam, ở ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An trong những ngày cận tết, chúng tôi thấy bà đang sên những mẻ mứt gừng đầu tiên. Mùi thơm hòa với vị cay nồng đặc trưng của mứt gừng như lan tỏa khắp gian bếp. Những người con của bà cũng quây quần ở gian bếp nhỏ ấy và đang loay hoay chuẩn bị mẻ gừng thứ hai.

Chị Phan Thị Thi, 28 tuổi, con gái út của bà Sam chia sẻ: “Tôi đi học và làm ở TP.HCM 10 năm nay, nhưng năm nào cũng vậy, ngày cuối tuần của những tháng cuối năm đều tranh thủ về làm mứt tết với mẹ. Các anh chị có gia đình cũng “gom” về nhà mẹ cùng làm mứt. Năm nay, nhà tôi làm mứt gừng, mứt me, mứt tắc và mứt dừa. Cùng quây quần làm mứt không chỉ là truyền thống mà còn là sợi dây vô hình thắt chặt tình cảm anh chị em chúng tôi với nhau”.

Còn tại nhà bà Nguyễn Thị Chúc, 66 tuổi, ở ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An vào những ngày cận tết cũng rộn rã tiếng nói cười của con cháu tập trung về làm mứt tết.

Năm nay, nhà bà chỉ làm mứt gừng và mứt dừa. Trong đó, gừng được bà chọn kỹ từng củ. Gừng phải vừa đủ độ già để không có xơ, miếng mứt làm ra cũng ngon hơn. Con cháu của bà Chúc đa số ở gần nhà nên mỗi người một tay cùng bà chuẩn bị các công đoạn làm mứt.

Gừng được gọt vỏ, cắt miếng theo chiều dọc, ngâm nước lạnh và rửa sạch. Sau đó, gừng tiếp tục được luộc sơ qua cho bớt vị cay nồng rồi trộn với đường cát trắng và phơi qua nắng trưa cho đường quện vào gừng. Công đoạn cuối cùng là cho lên bếp sên với lửa nhỏ, đến khi đường kết tinh trắng li ti trên miếng gừng thì tắt bếp.


Mứt dừa được làm ở các gia đình

Bà Chúc chia sẻ: “Tết thì chỉ cần một vài loại bánh, mứt để con cháu trong nhà và bà con đến ăn, uống trà là đủ vui rồi! Những loại mứt truyền thống như mứt gừng, mứt dừa rất dễ làm nên gia đình tôi tự làm để đón tết. Những dịp như thế này, con cháu được “truyền lửa” để cùng lưu giữ nét đẹp tết quê trong xã hội ngày càng hiện đại như hiện nay”.

Ngày tết đến gần, những mẻ mứt trong các gia đình tự tay làm lấy cũng sẵn sàng. Mứt tự làm không chỉ là nét đẹp truyền thống của tết quê mà còn là những thực phẩm bảo đảm sức khỏe cho các thành viên gia đình trong những ngày vui xuân, đón tết./.

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết


Giải pháp quà tết cho doanh nghiệp chuyên nghiệp
Liên kết hữu ích