Tiếng Việt | English

28/12/2016 - 17:40

Bánh, mứt vào mùa

Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, thị trường bánh, mứt vào dịp tết ngày càng phong phú, đa dạng, ngoài những loại bánh, mứt nhập khẩu thì bánh, mứt truyền thống như bánh in, cốm ngò, mứt me, mứt gừng,... vẫn được nhiều người lựa chọn.


Cứ vào khoảng tháng 11 âm lịch, những hộ làm mứt gừng, mứt me ở xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ lại tất bật vào mùa tết

Khởi động mùa Tết

“Hôm nay giao bánh, khách hàng góp ý cho thêm chút gừng để tăng độ cay” - chồng chị Võ Thị Muội nói với vợ sau khi đi giao bán bánh in cho khách về.

Mấy chục năm nay, nhờ sự góp ý chân tình của khách mà bánh in của chị Muội ngày càng thơm, ngon và làm hài lòng người mua. Gia đình chị Muội có thâm niên mấy chục năm làm bánh in ở ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Chị Muội nói rằng: “Ngày trước, vùng đất này trồng nhiều nếp. Có nếp, có chuối, có gừng trồng tại vườn nên đời ông bà làm bánh in từ những nguyên liệu này. Lớn lên, tôi theo nghề nhưng chủ yếu làm để dùng trong nhà. Cách đây 5 năm, tôi làm bánh in bán”.

Ngày thường, chị Muội làm khoảng 150 bánh bán cho khách trong xóm và các tiệm tạp hóa lân cận. Tết năm nay, chị tăng số lượng gấp 10 lần theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài huyện với giá 5.000 đồng/cái. Thương hiệu bánh in Oanh Muội của chị được nhiều khách hàng biết đến bởi vị ngon đặc trưng của loại bánh vùng cù lao Long Hựu.

Tuy nhiên, để làm nên những chiếc bánh in vừa bắt mắt, vừa ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Gừng xắt nhuyễn sên với đường, chuối xiêm cán dài, phơi khô được xào cùng đậu phộng rang, mè để làm nhân bánh. Dù ngoài thị trường có nhiều loại bánh in nhân mứt, đậu xanh nhưng chị Muội vẫn “chung thủy” với nhân gừng và chuối vì theo chị, “loại này để được lâu, không sợ mốc”. Riêng phần bột, chị mua bột được xay sẵn, sấy chín ở chợ Kinh Nước Mặn.

“1kg bột trộn đều, nhồi với 1kg đường, sau đó cho vào máy đánh bột đến khi tơi xốp, cho một lớp bột, một lớp nhân bánh và thêm một lớp bột vào khuôn để in ra những chiếc bánh thành phẩm. Ngày trước chưa có máy đánh bột nên nhồi tay rất cực, bây giờ thì đỡ vất vả hơn” - chị Muội cho biết.


Ngày tết, nhiều khách hàng chọn mua bánh in Long Hựu để làm quà biếu và cúng tổ tiên

Ngoài bánh in, cốm ngò ở huyện Cần Giuộc cũng là một trong những loại bánh hấp dẫn. Nguyên liệu làm bánh rất đơn giản, gồm: Bột mì, đường, mạch nha, trứng, mè và dầu thực vật. Để có cốm thơm ngon, việc pha chế trong từng công đoạn phải khéo léo và phải chọn thời tiết mát mẻ để làm.

Ông Lý Đông Khê ở khu phố 1, thị trấn Cần Giuộc (chủ cơ sở cốm ngò Hiệp Thành) chia sẻ: “Để làm hết 50kg bột mỗi ngày, cả gia đình tôi gồm 6 người phải dậy từ 1 giờ sáng để thực hiện nhiều công đoạn như nhồi bột với trứng, ủ bột, cán, cắt bột và chiên,... Những tháng cận tết, cơ sở tăng số lượng lên từ 60-70%/ngày mà vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng”. Sản phẩm cốm ngò của cơ sở Hiệp Thành được nhiều người biết đến vì chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và đoạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh vào năm 2012.

Ngoài các loại bánh, ngày tết không thể thiếu các loại mứt. Ở Long An, nghề làm mứt tết được biết nhiều ở xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ. Thời điểm này, men theo con đường dẫn vào cổng đình nghe thoang thoảng mùi hương mứt gừng, mứt me. Hơn 10 hộ làm mứt ở đây đang tất bật vào vụ tết! Anh Nam, một trong những gia đình gắn bó với nghề làm mứt tết từ 3 đời nay. Hàng năm, cứ vào tháng 11 âm lịch, gia đình anh lại tất bật làm mứt phục vụ thị trường tết. Anh cho biết: “Tết năm rồi, tôi làm 1.000kg mứt gừng, mứt me. Năm nay, số lượng tăng hơn vì đơn đặt hàng nhiều. Giá mỗi loại mứt năm nay tăng trung bình khoảng 5.000 đồng/kg vì giá nguyên liệu tăng”.

Mứt gừng, mứt me của anh Nam được lò mứt Út Hương nhận đăng ký thương hiệu và có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nghề làm mứt tuy vất vả, lãi không nhiều nhưng vì khách hàng khen ngon nên anh Nam cố gắng giữ nghề. Để mứt ngon, me sau khi sên với đường được phơi 10 ngày. Còn mứt gừng, sau khi gọt vỏ đem xẻ đôi, xăm cho bớt vị cay rồi luộc, vớt ra để ráo, sên đường và phơi. Lúc sên đường phải pha lượng đường và nước sao cho không quá loãng, không quá đặc để gừng mau ngấm.

Hiện tại, những hộ làm bánh in, cốm ngò, mứt gừng, mứt me,... nhận đơn đặt hàng và chuẩn bị nguyên liệu bắt đầu một mùa bánh, mứt tết. Mùa xuân dường như đến sớm hơn ở nhưng nơi này!

Cứ vào khoảng tháng 11 âm lịch, những hộ làm mứt gừng, mứt me ở xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ lại tất bật vào mùa tết

Bánh, mứt truyền thống vẫn còn “sức sống”

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng, hiện nay, các doanh nghiệp là nhà phân phối hàng hóa chuẩn bị bánh, mứt phục vụ thị trường tết, trong đó, bánh, mứt truyền thống được sản xuất từ các làng nghề trong tỉnh chiếm số lượng khá lớn trong tổng số bánh, mứt được cung ứng tại tỉnh, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sở Công Thương chỉ đạo các đội Quản lý thị trường phối hợp các ngành liên quan kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Gần tết, chị Lê Thanh Hà ở phường 2, TP.Tân An lại đặt hàng nhiều loại bánh, mứt từ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Chị cho biết, bên cạnh những mặt hàng bánh kẹo có thương hiệu, chị vẫn đặt các loại bánh, mứt truyền thống từ các làng nghề trong tỉnh. Tuy nhiên, đó phải là những cơ sở sản xuất có uy tín, đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.

Ngày tết, hương vị các loại bánh, mứt không chỉ là ẩm thực mà còn là nét văn hóa đặc trưng. Và đến nay, mứt gừng, mứt me được sản xuất từ đôi tay khéo léo của những người giữ nghề truyền thống vẫn “níu hồn” nhiều khách hàng. Chị Nguyễn Thị Xuân Trang ở xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An cho biết: “Trong những ngày tết, gia đình tôi thường chọn các loại mứt gừng, me, khoai truyền thống,... tương ứng với vị chua, cay, ngọt, bùi như những dư vị cuộc sống. Tết đến, trong gia đình, nhiều loại bánh, mứt được bày trên cùng một khay với mong muốn sum họp, đoàn viên và mong ước một năm sung túc”.

Còn ông Hồ Văn Cường ở ấp Trung, xã Long Hựu Đông chia sẻ: “Tết năm nào tôi cũng mua bánh in Long Hựu để biếu bà con ở xa. Đây là món quà tết ý nghĩa với những người con Long Hựu đang làm ăn, sinh sống xa quê. Vị ngọt của bột, nhân bánh cùng vị cay của gừng, thơm nồng của đậu phộng và mè hòa quyện với ly trà ấm nóng ngày xuân sẽ gợi nhớ tết quê ấm áp. Ngoài bánh in, người dân miền hạ cũng hay chọn cốm ngò trong ngày tết để cúng tổ tiên, làm quà bởi hợp khẩu vị và giá cả phù hợp với túi tiền. Đặc biệt, cốm ngò có mẫu hộp màu đỏ, vàng, mang đậm sắc xuân với ý nghĩa lời chúc hạnh phúc và may mắn”.

Bánh, mứt ở những làng nghề truyền thống vẫn còn “sức sống” trong ngày tết khi được nhiều khách hàng lựa chọn. Bởi, đó vừa là ẩm thực ngày xuân, vừa là nét đặc trưng của quê hương. Với ý nghĩa này, mỗi độ xuân về, các làng nghề sản xuất bánh, mứt truyền thống lại tất bật vào mùa để phục vụ nhu cầu khách hàng gần xa./.

Mai Hương - Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Cách làm các loại Bánh nướng Cách làm Bánh tiramisu đơn giản nhất