Tiếng Việt | English

04/11/2022 - 11:43

Dâng hương kỷ niệm 55 năm trận đánh khu vực Cầu Tre

Ngày 04/11, UBND huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 55 năm trận đánh khu vực Cầu Tre (04/11/1967 - 04/11/2022) tại xã Phước Vĩnh Đông.

Đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, lãnh đạo một sở, ngành và lãnh đạo huyện Cần Giuộc đến dự.

Đại biểu dự lễ dâng hương

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phước Vĩnh Đông được xem là cửa ngõ đường thủy nối liền chiến khu Rừng Sác với trung tâm Sài Gòn. Với vị trí chiến lược ấy, Phước Vĩnh Đông từng là căn cứ địa cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, luôn phải đối đầu với các đợt càn quét, bắn phá liên tục của địch.

Di tích khu vực Cầu Tre là nơi ghi dấu chiến công của tiểu Đoàn 5 Nhà Bè và quân dân huyện Cần Giuộc trong trận chống càn ngày 04/11//1967 trước Trung đoàn 46 Sư đoàn 25 Ngụy trong quá trình chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn, chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Tên gọi Cầu Tre bắt nguồn từ hình ảnh một cây cầu được làm bằng tre tại con rạch nối liền với sông Kinh Hàn để cho người dân 2 bên rạch tiện qua lại.

Phó Chủ tịch UBND huyện - Đào Thị Ngọc Vui phát biểu tại buổi lễ

Trận đánh bắt đầu lúc 2 giờ chiều ngày 04/11/1967, địch tổ chức 2 đợt đổ quân đều bị Đại đội 1 tiêu diệt. Đợt 3, địch sử dụng trực thăng đổ quân tại khu vực đầu vào Cầu Tre. Trong đợt này, quân ta bắn rơi 11 chiếc trực thăng, trong đó 7 chiếc rơi tại chỗ, 4 chiếc rơi rải rác trên đường bay về căn cứ.

Chiến thắng trong trận đánh Cầu Tre có ý nghĩa quan trọng, là trận tiêu biểu nhất của quân-dân địa phương, đã bẻ gãy chiến thuật “trực thăng vận” của địch, cổ vũ niềm tin chiến thắng của quân-dân cách mạng. Từ trận thắng này, ta đã lấy lại thế chủ động trên chiến trường và góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Các đồng chí dâng hương kỷ niệm 55 năm trận đánh khu vực Cầu Tre

Di tích lịch sử khu vực Cầu Tre, ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông được xếp hạng Di tích cấp tỉnh vào năm 2010. Đây là địa điểm ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Di tích này là một “địa chỉ đỏ”, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ./.

Thanh Nga - Thành Phát

Chia sẻ bài viết