Tiếng Việt | English

10/08/2022 - 12:25

Di tích Cầu Tre - "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Di tích lịch sử (DTLS) khu vực Cầu Tre, ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, được xếp hạng Di tích cấp tỉnh vào năm 2010. Đây là địa điểm ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Di tích này là một "địa chỉ đỏ", giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Kết nạp đoàn viên tại di tích Cầu Tre là hoạt động ý nghĩa

Tên gọi Cầu Tre bắt nguồn từ hình ảnh của một cây cầu được làm bằng tre. Từ rất lâu, tại con rạch nối liền với sông Kinh Hàn có một cây cầu tre được bắc qua để cho người dân 2 bên rạch tiện qua lại. Dần dần, cây cầu tre ấy trở thành tên gọi con rạch - rạch Cầu Tre và tên riêng cho khu vực dân cư xung quanh. Cây cầu tre hiện không còn nhưng tên gọi ấy vẫn lưu truyền cho đến ngày nay.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phước Vĩnh Đông nối liền chiến khu Rừng Sác với trung tâm Sài Gòn. Là căn cứ cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nên luôn phải đối đầu với những đợt càn quét của chính quyền tay sai. Cuối năm 1967, sau thất bại nặng nề của 2 đợt càn quét tại xã Phước Lại và Phước Vĩnh Tây (huyện Cần Giuộc), Mỹ-ngụy tiếp tục xua quân càn quét Phước Vĩnh Đông. Hiện trên bia DTLS khu vực Cầu Tre còn ghi lại, tại khu vực này, vào ngày 04/11/1967, Đại đội 1 và Đại đội 3, Tiểu đoàn 5 Nhà Bè đã tổ chức trận chống càn, tiêu diệt 1 đại đội địch và thu nhiều vũ khí. Chiến thắng trong trận đánh Cầu Tre có ý nghĩa quan trọng, là trận tiêu biểu nhất của quân-dân địa phương, đã bẻ gãy chiến thuật “trực thăng vận” của địch, cổ vũ niềm tin chiến thắng của quân-dân cách mạng. Từ trận thắng này, ta đã lấy lại thế chủ động trên chiến trường và góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Năm 2018, UBND huyện Cần Giuộc tổ chức khánh thành DTLS Cầu Tre đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1968. Qua đó, thể hiện lòng biết ơn của nhân dân trong huyện đối với các liệt sĩ và thương binh thuộc Tiểu đoàn 5 Nhà Bè đã hy sinh xương máu, tô thắm trang sử hào hùng trong chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương chia sẻ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vì vậy, các DTLS, trong đó có DTLS Cầu Tre là nơi khắc ghi dấu ấn của những người đi trước, minh chứng nơi máu xương bao thế hệ cha anh ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thế hệ hôm nay cần phải hiểu rõ về địa phương, vùng đất nơi ta đang sinh sống, từ đó, góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phấn đấu rèn luyện bản thân, xây dựng quê hương. Đó cũng là lý do mà nhiều năm nay, Huyện đoàn phát động nhiều công trình, phần việc thanh niên chăm sóc, giữ gìn các di tích. Tại DTLS Cầu Tre, Huyện đoàn cũng như Đoàn Thanh niên xã Phước Vĩnh Đông đã tổ chức những đợt về nguồn, hành trình về "địa chỉ đỏ", hoặc tổ chức kết nạp đoàn viên, tặng quà, trao học bổng,... để bồi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông - Võ Tấn Khôi cho biết, Phước Vĩnh Đông sau thời gian dài phấn đấu đã có nhiều thay đổi đáng kể. Vùng đất cách mạng với nhiều khó khăn trong chiến tranh, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện và thực hiện các nghị quyết quan trọng của Đảng ủy đã có sự đổi mới. Đó không chỉ là kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, trụ sở,... được xây mới mà còn là cuộc sống người dân dần cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo tuy còn cao so với các địa phương khác trong huyện nhưng đó đã là cả một quá trình “tiếp sức” từ những chương trình ý nghĩa. Hiện tại, Đảng ủy xã tập trung cho việc xây dựng xã nông thôn mới (đạt 15/19 tiêu chí)./.

Như Nguyệt

Chia sẻ bài viết