NSND Lệ Thủy ghi dấu ấn trong lòng công chúng với vai Nguyệt trong vở Tô Ánh Nguyệt, một vở diễn mà ông Trần Ngọc Giàu cho là bi kịch kinh điển của cải lương - Ảnh chụp màn hình: LINH ĐOAN
NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, chúng ta có nền sân khấu hơn 1.000 năm trước.
Cần thiết lưu giữ di sản hơn ngàn tuổi
Ông Mạnh Hà cho biết theo các nghiên cứu về lịch sử của sân khấu Việt Nam, nhiều người thống nhất từ thời vua Đinh Tiên Hoàng hơn 1.000 năm trước, chúng ta đã có nghệ thuật chèo với Ưu bà Phạm Thị Trân được xem như Tổ hát chèo.
Đến thời tiền Lê, sang thời nhà Trần đánh nhau với quân Nguyên, ta bắt được kép hát Lý Nguyên Cát và giữ lại, từ từ hình thành nghệ thuật tuồng (hát bội).
Với tiến trình từ Bắc vào Nam, có sự giao thoa văn hóa, chúng ta có thêm một nền sân khấu đa dạng, phong phú như sân khấu cải lương, kịch nói, cung đình Huế, dân ca bài chòi, sân khấu Dù Kê Nam Bộ, sân khấu Triều Châu người Hoa,...
Ông Hà cho rằng với bề dày lịch sử như thế, sân khấu xứng đáng được xem là di sản và cần được gìn giữ, lưu truyền.
NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM chia sẻ, hiện tại người ta hay yêu cầu đổi mới với cải lương, hát bội,... để đi cùng thời đại. Tuy nhiên, "muốn đổi mới mà có khi mình không biết rõ cái cũ là gì, cứ kêu đổi mới, đổi mới hoài thì rất là nguy hiểm, không có cái gốc vững chắc".
Ông Giàu cho rằng việc giữ gìn, lưu trữ những hình ảnh, thước phim, tư liệu về sân khấu qua các giai đoạn là cực kỳ cần thiết để chúng ta có cái nhìn tổng quan và biết phải làm gì để bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống Việt Nam.
Hình nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Phụng đoạt giải Kim Khánh năm 1972 - Ảnh: ĐÌNH TRÍ
NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam và đạo diễn Lê Nguyên Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, đều cho rằng việc lưu trữ, gìn giữ những tư liệu, di sản sân khấu hết sức bổ ích trong việc đào tạo sinh viên nghệ thuật.
Theo ông Nguyên Đạt, để phục vụ công tác giảng dạy ở khoa kịch hát dân tộc, ông cũng phải tự đi tìm kiếm tư liệu nhưng tư liệu khả tín không nhiều.
Ông Kiên cũng cho biết thêm vừa rồi nhà hát ông dự định chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát cải lương Việt Nam, tư liệu khá ít ỏi trong nội bộ nhà hát lưu lại, còn tìm kiếm thêm bên ngoài thì khá lúng túng.
Vở Lá sầu riêng của Đoàn kịch nói Kim Cương được xem là vở kịch kinh điển của làng kịch nói Nam Bộ - Ảnh chụp màn hình: LINH ĐOAN
Chúng ta cứ nói rằng gìn giữ di sản văn hóa nhưng thực ra không có chiến lược cụ thể. Cứ đổ tiền vô dựng vở diễn, rồi lúc được lúc không. Thành phố nên có một trung tâm nghiên cứu chung cho các loại hình sân khấu.
Ông TRẦN NGỌC GIÀU (Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM)
|
Để sân khấu không phát triển chông chênh
Từ việc xác định tầm quan trọng của di sản sân khấu Việt Nam, nhiều nhà chuyên môn đặt vấn đề cần có viện nghiên cứu, thậm chí là Bảo tàng Sân khấu Việt Nam để lưu giữ những giá trị quý giá của nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Ông Kiên cho biết từ ngày xưa, khoảng những năm 1950, 1960, chúng ta đã có những ban nghiên cứu cải lương, tuồng, chèo (thuộc Bộ Văn hóa), nhưng ông lấy làm tiếc rằng bây giờ chúng ta không duy trì được những ban nghiên cứu chuyên về các loại hình như vậy nữa. Những thước phim, vở diễn lưu lại đều rất có ích cho hôm nay.
Bà Ca Lê Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) - từng là nghệ sĩ của Đoàn cải lương Nam Bộ lừng lẫy (tiền thân cho sự ra đời của Nhà hát cải lương Việt Nam và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) rất tâm đắc với ban nghiên cứu cải lương ngày ấy.
Bà cho biết ban nghiên cứu cải lương nằm trong Đoàn cải lương Nam Bộ tập hợp rất nhiều tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ,... giỏi nghề như Phạm Ngọc Truyền, Chi Lăng, Lương Đống, Thanh Nha, Hoàng Tuyển, Đắc Nhẫn, Tám Danh, Ba Du, Ngọc Thới...
"Tôi cho đây là mô hình cực kỳ tốt và hiệu quả. Hồi đó, các thầy, các anh đầu tư nghiên cứu và liên tục đưa ra những thử nghiệm mới để Đoàn cải lương Nam Bộ ứng dụng. Vì vậy đoàn đã có sự phát triển rất sung sức với những vở diễn có tính đột phá", bà Hồng nhận định.
Ngao Sò Ốc Hến, một trong những vở cải lương hiếm hoi tiêu biểu cho thể loại cải lương hài - Ảnh chụp màn hình: LINH ĐOAN
Ông Trần Ngọc Giàu cho biết trước đây TP.HCM cũng có Trung tâm nghiên cứu sân khấu cải lương với ông Trương Bỉnh Tòng, bà Ca Lê Hồng, ông Văn Luyện, nhạc sĩ Vũy Chỗ, nhà báo Nguyễn Chương,... hoạt động được vài năm nhưng do sáp nhập dần trung tâm ngưng hoạt động và các tài liệu cũng thất lạc hết.
Ông Giàu bày tỏ: "Chúng ta cứ nói rằng gìn giữ di sản văn hóa nhưng thực ra không có chiến lược cụ thể. Cứ đổ tiền vô dựng vở diễn, rồi lúc được lúc không. Thành phố nên có một trung tâm nghiên cứu chung cho các loại hình sân khấu bởi các loại hình như hát bội, cải lương, kịch nói,... của miền Nam có đặc thù riêng so với phía Bắc.
Rất cần sự lưu trữ tư liệu một cách hệ thống, có sự đánh giá tổng kết từng giai đoạn để định hướng phát triển. Nếu thành phố không thành lập trung tâm này, không tính toán thật bài bản thì sân khấu sẽ phát triển rất chông chênh, rất đáng lo".
Ông Lê Nguyên Đạt nhấn mạnh: "Cần một chủ trương lớn để cho mọi người tìm kiếm tư liệu quý trong dân gian tập hợp về. Tôi nghĩ nếu mình làm tốt, có thể giới thiệu làm điểm đến du lịch, giới thiệu với du khách, bạn bè thế giới"./.
Khán giả vẫn mê mẩn những vở cải lương, kịch nói xưa
40 năm trôi qua nhưng vở Đời cô Lựu vẫn sống mãi trong lòng khán giả - Ảnh chụp màn hình: LINH ĐOAN
Ở TP.HCM, hiện có kênh HTVC Thuần Việt dành nhiều thời lượng phát sóng các vở sân khấu. Ở khung giờ 12h từ thứ hai đến thứ bảy, đài chuyên dành để phát vở sân khấu (phát lại 15h từ thứ hai đến chủ nhật).
Riêng vệt giờ 10h thứ bảy hằng tuần chuyên dành phát sóng các vở cải lương, kịch xưa. Nếu vở dài, nhà đài chia ra hai tập phát thứ sáu, thứ bảy (phát lại 15h thứ hai tuần sau đó).
Biên tập viên Cẩm Linh, phụ trách chương trình, cho biết: "Đài truyền hình TP.HCM có lợi thế ra đời từ rất sớm nên là nơi lưu trữ nhiều vở cải lương, kịch nói xưa so với các đài khác.
Hiện đài sở hữu cả trăm vở cải lương, kịch nói thuộc hàng kinh điển, có giá trị. Có thể kể ra như Dưới hai màu áo, Lá sầu riêng, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Ngao Sò Ốc Hến, Tania, Thái hậu Dương Vân Nga (bản có cả nghệ sĩ Bạch Tuyết và Ngọc Giàu cùng đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga),...
Kịch nói thì có rất nhiều vở thâu được thời kỳ sân khấu phát triển rầm rộ với những tên tuổi như Tú Lệ, Thành Lộc, Minh Trang, Quốc Thảo, Kim Xuân, Hồng Vân, Hồng Đào, Minh Hải, Việt Anh, Mai Phương, Thành Hội, Ái Như, Minh Hạnh, Quyền Linh,... đi cùng những vở mà nhiều khán giả nhớ tên như Tôi chờ ông đạo diễn, Đêm họa mi, Cô gái ngồi trên gốc cây gãy, Sợi dây đay, Số phận trớ trêu, Lôi vũ, Nhật xuất,...".
Ngày đó, đài mời nghệ sĩ vào phim trường của đài để ghi hình vở diễn, hoặc cũng có thể thâu ngay tại nhà hát.
Cẩm Linh cho biết chị bất ngờ khi những vở cách nay 40, 50 năm mà lượng khán giả xem rất tốt. Thậm chí họ còn gửi thư về đài đề nghị phát sóng vở này, vở kia.
"Khán giả chia sẻ có những vở họ gần như thuộc lòng nội dung nhưng vẫn muốn xem lại vì họ mê đắm diễn xuất của diễn viên. Với nghệ sĩ cải lương thì họ muốn được nghe những giọng ca mà cất lên nhận ra ngay, không lẫn vào đâu. Chẳng hạn, vừa rồi khi NSND Diệp Lang mất, chúng tôi phát sóng lại vở Đời cô Lựu. Nhiều người xem bày tỏ họ cực kỳ xúc động" - Cẩm Linh tâm sự.
|
Những "nhà sưu tập" tự phát
Băng đĩa cải lương ca sĩ Đình Trí cất công sưu tập - Ảnh: ĐÌNH TRÍ
Dù chưa có một trung tâm nghiên cứu các loại hình sân khấu mang tầm quốc gia, thành phố, nhưng vì sân khấu, đặc biệt là sân khấu cải lương có rất nhiều khán giả mê đắm nên không biết từ lúc nào họ đã trở thành những nhà lưu trữ, sưu tập cho loại hình này.
Khi mạng xã hội phát triển, nhiều fan đã thành lập các trang Yêu cải lương, FC cải lương xưa hoặc FC nghệ sĩ cải lương, rồi những trang ghi cụ thể tên nghệ sĩ như nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Vương, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Vũ Linh - Tài Linh, thậm chí còn có nhóm bạn thành lập trang Cải lương số...
Trên các trang này, thật ngạc nhiên là người hâm mộ tìm kiếm được những tư liệu rất quý, từ hình ảnh cho đến những thước phim xưa.
|
Băng đĩa cải lương ca sĩ Đình Trí sưu tập - Ảnh: ĐÌNH TRÍ |
Ca sĩ Đình Trí, con trai nghệ sĩ Lệ Thủy, nổi tiếng trong giới vì sở hữu bộ sưu tập những tư liệu xưa về cải lương rất quý. Ban đầu, anh được bà ngoại tin tưởng giao cho toàn bộ tư liệu, hình ảnh, báo chí viết về mẹ anh. Rồi khi anh bắt tay làm hồi ký cho mẹ phát trên mạng, anh lại tìm kiếm thêm nhiều tư liệu đểbổ sung cho đủ. Vậy là Trí trở thành "nhà sưu tập" hồi nào không hay.
Đình Trí cho biết càng tìm càng mê vì có những tư liệu hay và rất quý. Không chỉ những tư liệu liên quan đến mẹ Lệ Thủy mà Trí còn thu thập được những hình ảnh rất sống động của các nghệ sĩ khác và qua đó thấp thoáng thấy được bóng dáng của một thời cải lương rực rỡ.
Anh sưu tập rất nhiều đĩa hát, từ đĩa nhựa tới cassette, video, CD, DVD,... qua các thời kỳ, từ những năm 1960 kéo dài tới 1990, những poster đoàn hát những năm 1970 và sau đó; tư liệu báo chí từ những năm 1970 trải dài đến sau này,...
|
Linh Đoan (Theo Tuổi Trẻ)