Tiếng Việt | English

19/01/2023 - 14:40

Đi xa lại nhớ hương vị quê nhà

Giáp tết, những người con xa xứ lại da diết nỗi nhớ quê nhà, nhớ những món ăn quen thuộc, dân dã nhưng đậm đà tình nghĩa. Để rồi, ngày làm việc cuối năm, người đi xa xứ lại chộn rộn, nao nức trở về cùng gia đình quây quần chuẩn bị đón tết quê.

Thịt kho tàu - cầu mọi chuyện đều vuông tròn trong năm mới

Thịt kho tàu (Nguồn ảnh: Internet)

TP.HCM cách quê nhà không xa, vậy mà đã 2 cái tết, tôi không trở về đón tết quê. Không về vì dịch bệnh còn phức tạp, vì sự an toàn của người thân, tôi chọn ở lại nơi phố thị lạ xa. Năm nay, dịch bệnh được kiểm soát, tôi trở về sum họp cùng gia đình, phụ mẹ, giúp cha chuẩn bị vài món ngon ngày tết. Món ngon ngày tết có nhiều nhưng bấy lâu nay, gia đình tôi vẫn giữ 2 món truyền thống: Thịt kho tàu và canh khổ qua.

Còn nhớ, lúc nhỏ, buổi sáng cuối năm, tôi lẽo đẽo theo mẹ về ngoại lấy thịt heo. Mỗi năm, cứ trước tết vài tháng, mấy cậu hùn tiền nuôi heo, đợi đến tết sẽ làm thịt, chia cho anh em trong nhà dùng 3 ngày xuân. Năm nay cũng vậy! Sáng 30, mẹ dặn cậu dành phần một ít thịt ba chỉ và thịt đùi. Thịt heo vừa mổ còn tươi ngon, mẹ mang về nấu món thịt kho tàu và canh khổ qua cho ngày tết.

Trong lúc mẹ loay hoay ngâm thịt với nước muối pha loãng, rửa sạch rồi để ráo nước, ngoài vườn, cha chặt vài trái dừa cho mẹ làm món kho tàu. Không rành công thức ướp thịt, tôi phụ mẹ cắt thịt heo thành những miếng vuông vừa ăn và luộc trứng vịt. Mẹ nói: “Thịt hình vuông, trứng tròn gói ghém ước mong một năm mới, mọi chuyện đều suôn sẻ, vuông tròn”.

Mẹ ướp thịt với hạt nêm, nước mắm, đường, tiêu và nửa trái chanh vắt lấy nước cốt. Trong lúc đợi khoảng 1 giờ để thịt thấm đều gia vị, mẹ làm nước màu từ đường cát và dầu ăn. Mọi công đoạn đã xong, mẹ cho một ít dầu ăn vào nồi, phi thơm tỏi, hành băm nhuyễn, sau đó, cho thịt đã ướp vào đảo đều đến khi săn lại, bề mặt thịt chuyển sang vàng sậm và dậy mùi thơm thì cho nước màu vào. Trứng vịt đã bóc vỏ cũng được cho vào nồi, đổ nước dừa ngập trứng và thịt, thêm chút nước mắm và kho khoảng 30 phút. Mùi thơm nồi thịt kho tàu lan tỏa một góc bếp quê. Với gia đình tôi, thịt kho tàu mẹ nấu vẫn là món ngon nhất trong mấy ngày tết.

Canh khổ qua - mong mọi khó khăn của năm cũ sẽ qua

Trước tết, cha cặm cụi cuốc mảnh đất nhỏ sau vườn, trồng vài liếp khổ qua. 28 tết, mẹ hái những trái khổ qua xanh mướt để nấu canh, một ít biếu hàng xóm, nội ngoại hai bên.

Canh khổ qua (Nguồn ảnh: Internet)

Sáng cuối năm, mẹ và tôi đi chợ tết, không quên chọn mua nấm hương, nấm mèo khô, miến tàu mang về ngâm nước, cắt nhỏ và trộn với thịt băm, hành, ngò xắt nhỏ cùng một ít muối, hạt nêm, tiêu xay, đường. Mang những trái khổ qua đã rửa sạch, nạo bỏ ruột và cắt khúc vừa ăn vào bếp, mẹ cùng tôi nhồi thịt đã ướp, dùng muỗng nén chặt nhân thịt, sau đó cho vào nồi nước để hầm, cuối cùng nêm nếm gia vị vừa ăn. Khi nồi canh sôi, mẹ để lửa nhỏ, nấu khoảng 1 giờ để khổ qua mềm. Ngày nay, dù nhiều nhà dùng bếp điện, bếp gas, riêng mẹ tôi vẫn dành một góc nhỏ để nấu bếp củi. Theo mẹ, thịt kho tàu, canh khổ qua nấu bằng bếp củi sẽ mềm và ngấm gia vị hơn.

Bữa cơm chiều cuối năm (Nguồn ảnh: Internet)

Bữa cơm chiều cuối năm dọn ra tươm tất, trước để cúng ông bà, sau cả nhà cùng dùng bữa cơm sum họp. Bữa cơm với thịt kho tàu ăn kèm dưa giá, tô canh khổ qua, chén nước mắm ớt, cơm trắng tuy giản đơn nhưng đậm đà tình quê. Gắp miếng thịt mềm rục, thêm ít dưa giá ăn cùng cơm trắng, cảm nhận mùi thơm, vị béo của thịt hòa cùng vị chua chua, ngọt ngọt của dưa giá mà ngon đến lạ. Húp thêm chén canh khổ qua nóng hổi, thưởng thức những khúc khổ qua nhồi thịt mềm rục, vị vừa miệng, có chút đắng thì còn gì bằng! Ngày tết, món ngon không thiếu nhưng thịt kho tàu, canh khổ qua vẫn được nhiều gia đình lựa chọn như giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực. Nét đẹp ấy đong đầy tình mẹ, công cha mà mỗi khi đi xa, tết về lại càng thêm nhớ!/.

Hà Vân

Chia sẻ bài viết