Tiếng Việt | English

25/06/2019 - 09:21

Dịch tả heo châu Phi lây nhiễm qua nhiều đường

Hiện nay, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) lây lan rất nhanh, heo nhiễm bệnh chết lên tới 100% và bệnh lây lan qua rất nhiều đường khác nhau. Do đó, các cơ quan chức năng và người chăn nuôi phải nâng cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch.

Dịch tả heo châu Phi lây qua nhiều đường khác nhau và heo nhiễm bệnh chết lên tới 100%
Dịch tả heo châu Phi lây qua nhiều đường khác nhau và heo nhiễm bệnh chết lên tới 100%

Theo ngành chức năng, DTHCP lây nhiễm qua các đường: Thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo như thịt heo tươi, đông lạnh, thịt chua, nem chua, giò chả, thịt hun khói, xúc xích, giăm bông và các sản phẩm chế biến từ thịt; xe thu mua phân, chở heo, mua heo chết, chở cám, chở heo con, xe thuốc, xe của công nhân, kỹ sư, xe chủ trại, xe khách tham quan và xe chở vật dụng,... ra, vào trang trại, hộ chăn nuôi; nguồn nước, trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi bao gồm máng ăn heo mẹ, máng ăn heo con, vòi phối, ống tinh và các vật dụng, vật liệu xây dựng trong chuồng trại,... Bên cạnh đó, dịch cũng có thể tồn tại trong nước sông, suối, ao, hồ nên người chăn nuôi không nên sử dụng nước bề mặt, nếu bắt buộc sử dụng phải xử lý đạt tiêu chuẩn nước sạch; qua vật chủ trung gian mặc dù theo khuyến cáo DTHCP không lây sang người và các vật nuôi khác nhưng người và vật nuôi khác lại có thể mang mầm bệnh và lây nhiễm sang heo; các trang trại xung quanh. DTHCP còn có nguy cơ lây lan rất cao từ các trang trại, khu nuôi heo xung quanh do dùng chung nguồn nước, tiếp xúc trực tiếp, chó, mèo, ruồi, chuột, gió,... Ngoài những con đường lây lan trên, DTHCP còn lây lan qua nái hậu bị mang mầm bệnh không phát hiện ra hoặc trên đường vận chuyển tiếp xúc với dịch. Để hạn chế nguồn lây lan này, cần xét nghiệm hậu bị trước khi nhập, nuôi cách ly tập trung bên ngoài trại, chuồng bảo đảm tiêu chuẩn, có người nuôi cách ly riêng, mật độ nuôi đúng tiêu chuẩn, thời gian nuôi cách ly đủ.

Nhằm hạn chế DTHCP lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh khuyến cáo: Người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học vì đây là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi heo, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ,... bằng vôi bột hoặc hóa chất và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; hàng ngày vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ heo. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm từ heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc,... Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn heo; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với heo bị bệnh, nghi bị bệnh. Đối với cơ sở giết mổ, chế biến phải thực hiện bảo đảm heo đưa vào giết mổ có nguồn gốc rõ ràng, khi nghi ngờ heo có biểu hiện bệnh phải dừng ngay việc giết mổ, thông tin cho cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời, khi phát hiện heo, các sản phẩm từ heo nghi bệnh, nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu phải thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, phường, chính quyền địa phương và cơ quan thú y gần nhất để xử lý theo quy định./.

Huỳnh Phong

 

Chia sẻ bài viết