Du khách đến viếng Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại nơi thờ tự ông ở Khu di tích Vàm Nhựt Tảo. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Long An là một trong ba tỉnh cùng với Đồng Tháp và Tiền Giang thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười có nhiều nét tương đồng về khí hậu, điều kiện sinh thái.
Thực tế này đòi hỏi ngành du lịch của địa phương lựa chọn xây dựng, hoàn thiện các điểm đến sản phẩm du lịch thực sự đặc sắc, không trùng lặp để tạo dấu ấn riêng, dần định vị thương hiệu du lịch của một địa phương cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều điểm đến độc đáo
Đề cập về điểm nhấn trong phát triển sản phẩm du lịch, hoàn thiện điểm đến thu hút du khách, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, Nguyễn Anh Dũng khẳng định những tên gọi, địa danh như Đồng Tháp Mười, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đã đi vào nhiều bài thơ, bản nhạc luôn được tỉnh xem là điểm nhấn, thế mạnh để từ đó thu hút đầu tư, hoàn thiện điểm đến, mở rộng quảng bá tạo sự khác biệt cho du lịch Long An so với các địa phương trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười cũng như toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An đã tạo được nét khác biệt, điểm nhấn ấn tượng để ngày càng có nhiều du khách đến và trải nghiệm, khám phá với điểm đến nổi bật như trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười trong đó có Khu du lịch Cánh đồng bất tận ở xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, hay Khu du lịch Làng nổi Tân Lập ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa.
Cùng chúng tôi ngồi trên chiếc tắc ráng (loại ghe dài được gắn máy) đi một vòng qua những dòng kênh trong khu vực đơn vị được giao bảo tồn, nghiên cứu các giống dược liệu quý và kết hợp phát triển du lịch, ông Dương Văn Toản, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười vui vẻ giới thiệu ngay cả những dòng kênh ở đây cũng có những cái tên thật đặc biệt, bình dị và gắn với những loài động thực vật điển hình vùng Đồng Tháp Mười như kênh bông súng đỏ, kênh bông súng trắng, kênh rồng rắn, kênh điên điển, kênh chim dẫn đường, kênh ong vò vẽ, kênh chim bói cá...
Khu du lịch được đặt tên là Cánh đồng bất tận do Công ty Cổ phần nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười quản lý chính là phim trường của những cảnh quay ấn tượng với những cánh đồng cỏ bàng ngút tầm mắt, những cánh rừng tràm nguyên sinh trong bộ phim truyện điện ảnh “Cánh đồng bất tận."
Hiện nay, để tạo nét khác biệt thu hút du khách, khu du lịch tập trung phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái, khám phá những nét đặc sắc của hệ sinh thái ngập nước theo mùa, du lịch văn hóa, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe từ chính nguồn dược liệu quý giá của Đồng Tháp Mười.
Với tổng diện tích của toàn khu là trên 1.000 ha, trong đó có khu trồng các loại dược liệu, khu bảo tồn nguồn gene các loại dược liệu quý hiếm, rừng tràm gió nguyên sinh... du khách được tìm hiểu, khám phá về nhiều loài thực vật bản địa như tràm gió, cỏ bàng, cỏ năng, nhàu, hoa súng, sen trắng, sen hồng... và cả những loài thực vật dược liệu được di thực từ các vùng miền trong và ngoài nước về trồng ở đây như ô môi, vối, mù u, dành dành hay bạch đàn chanh nhập từ Brazil, cây sả Java nhập từ Indonesia, sả hoa hồng nhập từ Ấn Độ...
Đến khu du lịch này, ngồi trên những chiếc tắc ráng hay chiếc xuồng ba lá xuôi theo những dòng kênh, đưa tay khỏa xuống dòng nước mát, khẽ chạm vào những bông hoa súng, hoa nhĩ cán vàng nở bông li ti trên mặt nước, đón làn gió mát rượi thoảng hương tràm gió thơm dịu… du khách sẽ có cảm giác thư thái, dễ chịu vô cùng.
Không những thế, du khách còn được thưởng thức rất nhiều món ăn có tác dụng thanh lọc cơ thể, tăng cường sức khỏe được chế biến từ chính nguồn dược liệu phong phú nơi đây.
Một điểm đến khác mang nhiều nét độc đáo, có sức hấp dẫn du khách khi đến Long An, cũng nằm trên địa bàn huyện Mộc Hóa là Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập (Khu du lịch Làng nổi Tân Lập).
Ông Phạm Ngọc Trí - Phó Giám đốc Khu du lịch Làng nổi Tân Lập (Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch Tháp Mười) cho biết sở dĩ có cái tên Làng nổi Tân Lập là do trước kia khi chưa được quy hoạch, vào mùa nước nổi khoảng tháng 7 âm lịch hàng năm người dân ở đây thường nâng cao sàn nhà theo con nước lên, nhìn từ xa giống như một làng nổi trên mặt nước mênh mông.
Do đó, khi quy hoạch khu du lịch này, tên gọi làng nổi gắn với địa danh xã Tân Lập đã được đặt cho khu du lịch. Với diện tích trên 130ha cho khu du lịch cùng với vùng đệm khoảng 500ha, đến làng nổi Tân Lập, du khách sẽ có cái nhìn đầy đủ, chân thực về những nét đặc trưng của miền Tây sông nước, của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười.
Một trong những điểm nhấn khác biệt tại khu du lịch này mà không nơi nào có được, theo đại diện Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, đó chính là cung đường đan xuyên rừng tràm được ghép công phu từ nhiều tấm đan nhỏ có bề ngang khoảng 1 mét kết nối lại với nhau.
Cung đường này có nhiều đường nhánh len lỏi trong rừng, đưa du khách chinh phục những điều thú vị trong khu rừng tràm bạt ngàn, xanh mát.
Bên cạnh đó, Tháp quan sát với chiều cao 18m nằm ở trung tâm rừng tràm sẽ giúp du khách phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh khu rừng.
Vào mùa nước nổi du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh đồng nước mênh mông với những đầm hoa sen hồng hay hoa súng tím đan xen, tạo nên vẻ đẹp riêng có cho điểm đến.
Tại Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, du khách trẻ Vũ Thanh Hà (ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, lần đầu tiên đến Làng nổi Tân Lập, Hà có cảm giác rất lạ, có chút gì đó như phiêu lưu, bí ẩn; được sống trong bầu không khí tĩnh lặng, thanh bình, hòa mình với thiên nhiên.
Đặc biệt khi đi thuyền cáp kéo điện trên tuyến kênh rạch xuyên rừng (sản phẩm du lịch chỉ có tại khu du lịch này), len lỏi qua cánh đồng bông súng và đầm sen, tận mắt thấy nhiều loài động, thực vật hoang dã, Hà có cảm giác như trước mắt mình là một bức tranh tả thực về hệ sinh thái vùng ngập nước Đồng Tháp Mười.
Khá tiếc nuối vì thời gian có hạn, Thanh Hà cho biết chắc chắn sẽ còn quay lại Khu du lịch Làng nổi Tân Lập để tiếp tục khám phá vẻ đẹp của vùng đất nên thơ, thanh bình vào đêm khuya hay bình minh.
Tăng kết nối, đa dạng sản phẩm trải nghiệm
Bên cạnh việc xác định được điểm đến mang tính khác biệt, tạo sức hấp dẫn riêng góp phần vào sự phát triển du lịch của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc kết nối để hình thành các tour, tuyến hợp lý giữa các điểm đến, phát triển đa dạng sản phẩm theo hướng trải nghiệm, khám phá cũng là giải pháp đang được ngành Du lịch Long An, các doanh nghiệp đầu tư, khai thác điểm đến chú trọng thực hiện.
Anh Dương Văn Toản, Phó Giám đốc Khu du lịch Cánh đồng bất tận giới thiệu về hệ thống chưng cất tinh dầu - nơi du khách được trải nghiệm trồng và chế biến tinh dầu tràm. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Ông Dương Văn Toản, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười cho biết Ban Giám đốc công ty đang hoàn thiện, khai thác thêm nhiều sản phẩm du lịch và xây dựng nhiều điểm du lịch mới nằm trong Khu du lịch Cánh đồng bất tận nhằm thu hút du khách đến không chỉ một lần.
Ví dụ, các khu trồng dược liệu sẽ được mở rộng để du khách đến đây có thể tham gia trồng cây dược liệu. Hằng năm, du khách sẽ đến thăm cây mình đã từng trồng, tự tay thu hái, chế biến nó thành sản phẩm dược liệu để mang về sử dụng, chăm sóc sức khỏe hoặc làm quà tặng đặc biệt cho người thân, bạn bè.
Hiện nay, khu du lịch cũng đã có dịch vụ nghỉ lại đêm với các hoạt động như ngắm hoa súng nở, ngắm đom đóm, giăng lưới bắt cá, đốt lửa trại, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.
Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, một số công ty lữ hành có uy tín, mỗi năm có khoảng trên 5.000 lượt du khách và gần 1.000 lượt sinh viên ngành dược đến tham quan, thực tập, xem quy trình sản xuất tinh dầu, sản xuất thuốc, nghiên cứu các chỉ số vật lý của các loại dược liệu, tinh dầu...
Còn theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Tháp Mười - đơn vị đang đầu tư, khai thác Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, hiện điểm đến Làng nổi Tân Lập đã được nhiều công ty lữ hành trong cả nước kết nối, thiết kế trong các hành trình tour khi du lịch Long An và sang cả nước bạn Campuchia, tiêu biểu có các hành trình như Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa) - Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường - tỉnh Svay Riêng (Campuchia); Làng nổi Tân Lập - Khu du lịch Cảnh đồng bất tận (huyện Mộc Hóa) - Khu bảo tồn ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng)...
Với thế mạnh cả về tài nguyên du lịch thiên nhiên cũng như tài nguyên du lịch nhân văn, không chỉ tại các điểm du lịch sinh thái, việc kết nối các tour, tuyến kết hợp giữa du lịch sinh thái và du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, du lịch tâm linh cũng được tỉnh Long An thực hiện góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách.
Bà Đặng Thị Thảo Nguyên - Trưởng ban Quản lý khu di tích Vàm Nhựt Tảo ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ chia sẻ khu di tích này là nơi tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Nơi đây từng ghi dấu chiến công đốt cháy tàu giặc xâm lăng thường được gọi là vụ “Hỏa hồng Nhựt Tảo” của Nguyễn Trung Trực cùng các nghĩa quân yêu nước.
Hiện khu di tích thuộc quản lý của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Long An. Sắp tới, khu di tích sẽ được Ủy ban Nhân dân tỉnh phân cấp quản lý về Ủy ban Nhân dân huyện Tân Trụ.
Huyện Tân Trụ đang tập trung đầu tư và kêu gọi thu hút đầu tư, khai thác đưa vào các tuyến kết hợp du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh.
Với những lợi thế du lịch sẵn có như điểm di tích mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, địa hình độc, lạ, được bao bọc bởi hai con sông xanh biếc Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, những hàng cau xanh mát, những đường hoa rực rỡ, những làng nghề truyền thống như làm trống, đan chiếu… tạo nên một bức tranh làng quê yên ả, thanh bình, Tân Trụ đang được kỳ vọng sẽ là một địa điểm du lịch di tích văn hóa lịch sử-du lịch sinh thái lý tưởng./.
Theo TTXVN