Bộ đội Biên phòng tỉnh tuần tra bảo vệ biên giới, phòng, chống tội phạm, buôn lậu
Giữ vững bình yên địa bàn
Đoạn biên giới dài khoảng 14km qua 2 xã: Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An do Đồn Biên phòng Cửa khẩu (ĐBP CK) Mỹ Quý Tây quản lý, luôn được siết chặt tuần tra, kiểm soát. Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, CBCS vẫn đều đặn tuần tra, làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên. Thời gian qua, nhiều đối tượng tội phạm, buôn lậu đã bị lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) bắt giữ.
Theo Thượng tá Phạm Thành Trung - Đồn trưởng ĐBP CK Mỹ Quý Tây, các loại tội phạm, buôn lậu có rất nhiều "chiêu" đối phó, né tránh lực lượng chức năng, thậm chí sử dụng các đối tượng canh đường để thông báo tình hình cho nhau. Nhằm đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, đơn vị luôn thực hiện đồng bộ, nhuần nhuyễn các biện pháp nghiệp vụ để các đối tượng phạm tội, buôn lậu không lường trước được.
Trong công tác bảo vệ biên giới, phòng, chống tội phạm, ĐBP CK Mỹ Quý Tây phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các cấp, các ngành, trong đó có các lực lượng bên phía đối diện nước bạn Campuchia. Nổi bật là những năm gần đây, ĐBP phối hợp các lực lượng bên phía đối diện Campuchia bắt giữ nhiều đối tượng tội phạm liên quan đến ma túy, cướp tài sản, gây thương tích, giết người, trong đó có nhiều đối tượng nằm trong diện truy nã đặc biệt nguy hiểm.
Ngày 11/9/2024, ĐBP CK Mỹ Quý Tây trao đổi với Đồn Công an xuất, nhập cảnh CK Sôm Rông, Vương quốc Campuchia và bắt giữ đối tượng Lê Đình Quân (30 tuổi, thường trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đang lẩn trốn tại Casino 888 thuộc ấp Chết, xã Sôm Rông, huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Rieng và di lý về Việt Nam để xử lý. Quân là đối tượng nguy hiểm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu truy nã về tội giết người và gây rối trật tự công cộng.
Trước đó, Đồn trưởng ĐBP CK Mỹ Quý Tây liên hệ và phối hợp Đồn Công an Hành chính Sôm Rông truy xét, bắt giữ đối tượng Bùi Kim Trọng (37 tuổi, thường trú huyện Hóc Môn, TP.HCM), đang lẩn trốn tại quán cà phê 168, thuộc ấp Chết, xã Sôm Rông, huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Rieng nên tiến hành bắt giữ, di lý về nước xử lý. Trọng là đối tượng bị Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM truy nã.
Nằm ở điểm cuối của tuyến biên giới qua địa bàn tỉnh, ĐBP Sông Trăng quản lý đoạn biên giới dài hơn 15km qua 3 xã: Hưng Điền, Hưng Điền B và Hưng Hà của huyện Tân Hưng. Tình hình an ninh, trật tự trên tuyến biên giới ổn định, người dân hai bên thường xuyên qua lại cầu Hữu Nghị bắc qua sông Cái Cỏ để thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa. Mỗi khi gặp, người dân vẫn thường nhắc nhau giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, bằng hữu; tuyệt đối không nghe theo những lời xuyên tạc, xúi giục của các đối tượng, thành phần xấu mà làm ảnh hưởng đến mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của hai đất nước.
“Người dân hai bên biên giới sống đoàn kết, hữu nghị. Biên giới có làn ranh để phân định nhưng tình cảm người dân hai bên biên giới dành cho nhau vẫn khăng khít, nghĩa tình” - bà Nguyễn Thị Thảo (xã Hưng Hà) chia sẻ. Theo Trung tá Bùi Ngọc Thiệp - Chính trị viên ĐBP Sông Trăng, Đồn luôn quan tâm công tác tuyên truyền, vận động người dân ở biên giới chấp hành tốt các quy định pháp luật. Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, công tác phối hợp các cấp chính quyền, lực lượng bên phía Campuchia rất quan trọng. Việc phối hợp trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm được các lực lượng, đơn vị hai bên biên giới duy trì, mỗi tháng đều tổ chức tuần tra song phương.
“Những năm qua, các địa phương, lực lượng ở hai bên biên giới giáp ranh thực hiện và duy trì kết nghĩa. Từ đó, truyền thống hữu nghị, tốt đẹp giữa các cấp chính quyền, lực lượng và nhân dân hai bên biên giới càng thêm khăng khít. Tình đoàn kết này luôn được trân trọng, giữ gìn và phát huy” - Trung tá Bùi Ngọc Thiệp nhấn mạnh.
Nâng bước em tới trường
Đến nay, qua 9 năm thực hiện, chương trình Nâng bước em tới trường đã trao tặng học bổng cho 405 em ở các địa phương biên giới của tỉnh và 171 em ở các xã ngoại biên đối diện
Con đường đến lớp của học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới luôn có sự đồng hành, tiếp sức của CBCS BĐBP. Nổi bật là chương trình Nâng bước em tới trường do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động và được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hưởng ứng triển khai, thực hiện từ năm học 2016-2017 đến nay. Những HS trong diện được cấp học bổng của chương trình không chỉ ở nội biên mà còn có nhiều em bên các xã của nước bạn Campuchia tiếp giáp đường biên.
Từ khi chương trình được thực hiện đến nay, mỗi năm học, lực lượng BĐBP tỉnh trao tặng 64 suất học bổng (mỗi suất trị giá 6 triệu đồng) cho HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn (trong đó, 45 HS ở 20 xã nội biên của tỉnh và 19 HS ngoại biên ở 17 xã biên giới đối diện bên nước bạn Campuchia) với tổng trị giá 384 triệu đồng. Kinh phí trao học bổng của chương trình Nâng bước em tới trường do CBCS BĐBP tỉnh tự nguyện đóng góp.
“Đến nay, qua 9 năm thực hiện chương trình, lực lượng BĐBP tỉnh trao 576 suất học bổng cho HS với tổng trị giá gần 3,5 tỉ đồng. Trong đó, trao cho 405 em ở các địa phương biên giới của tỉnh và 171 em ở các xã ngoại biên đối diện bên phía nước bạn Campuchia” - Thượng tá Lê Văn Hoàng - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh, cho biết.
Vừa qua, cán bộ ĐBP Thạnh Trị đến trao học bổng cho 2 HS: Ro Phek TaRa và Phan Chan Tria Try cùng ở huyện Kông Pông Rồ, tỉnh Svay Rieng. Hoàn cảnh của 2 em rất khó khăn, sống trong căn nhà tạm bợ, chủ yếu làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chị Ro Phek Han (mẹ của em Ro Phek TaRa) tâm sự: “Tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở con cố gắng học tập thật tốt. Đó cũng là cách thể hiện sự biết ơn đối với các chú BĐBP bên phía Việt Nam, cụ thể là ĐBP Thạnh Trị”.
ĐBP CK Quốc tế Bình Hiệp gần đây cũng tổ chức trao 2 suất học bổng cho 2 em: Chhun Ni Ta và Koong Xong Ni (HS Trường THCS Kông Pông Rồ, xã Th'may, huyện Kông Pông Rồ, tỉnh Svay Rieng). Cả 2 em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, riêng em Chhun Ni Ta mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng vẫn cố gắng vươn lên trong học tập. “Em rất thích được đi học. Em cảm ơn phần quà học bổng từ các chú BĐBP Việt Nam. Đây là niềm khích lệ, động viên rất lớn để em cố gắng” - Chhun Ni Ta nói và được một cán bộ biên phòng dịch lại.
Thượng tá Lê Văn Hoàng cho biết: “Chương trình Nâng bước em tới trường có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những suất học bổng ngoài giá trị vật chất còn có ý nghĩa về mặt tinh thần, cổ vũ, động viên, khích lệ các em vươn lên trong học tập, cuộc sống. Chương trình này còn gắn kết tình cảm quân - dân bền chặt, xây dựng mối quan hệ đoàn kết với người dân và các cấp chính quyền, lực lượng bên Campuchia”./.
Lê Đức