Tiếng Việt | English

19/08/2015 - 10:02

Điền kinh VN: cả thầy lẫn trò đều không muốn lên tuyển

Đó là nỗi buồn của môn thể thao nữ hoàng - điền kinh - được các HLV, nhà khoa học thể thao VN phát biểu tại Hội thảo khoa học công tác đào tạo VĐV điền kinh trẻ, tổ chức nhân sự kiện Giải điền kinh VĐQG trẻ 2015 khai mạc hôm qua (18-8) tại Hà Nội.


Tại Giải điền kinh trẻ vô địch quốc gia 2015, các VĐV phải khởi động dưới lòng đường phố Trịnh Hoài Đức, Hà Nội - Ảnh: Nam Khánh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một HLV điền kinh của TP.HCM cho biết anh thường xuyên phải dùng xe máy đưa đón các VĐV ở nội dung của mình để động viên các em đi tập. Đồng thời trong quá trình tập anh cũng thường phải thăm hỏi, quan tâm từng em, đến tận nhà làm công tác “tư tưởng” cho gia đình các em.

Thế nhưng việc các VĐV có tố chất, thể hình, có năng khiếu điền kinh tập được một thời gian ngắn lại tìm đủ lý do bỏ đội là chuyện thường. Thầy chán nản, thể thao mất tài năng, thế nhưng đó là thực tế chung diễn ra ở hầu hết bộ môn chứ chẳng riêng gì điền kinh - HLV này nói.

Trong khi đó, cựu VĐV nhảy cao Nguyễn Duy Bằng - hiện là HLV đội nhảy cao của điền kinh TP.HCM - cũng cho rằng cái khó nhất của HLV là làm sao tìm được VĐV tốt và chịu gắn bó với điền kinh. Duy Bằng chia sẻ: “Trẻ em ở trung tâm thành phố trong những gia đình có điều kiện kinh tế thường không theo điền kinh dù thể hình của các em này rất tốt. Vì thế chúng tôi phải nhờ HLV ở các huyện khó khăn và thầy ở các trường xa xôi tìm kiếm và giới thiệu giúp”.

Cựu vô địch SEA Games 800m và 1.500m Nguyễn Đình Cương (Ninh Bình) hiện làm HLV điền kinh Ninh Bình cho biết thêm: “HLV muốn có thành tích thì phải có kinh nghiệm, có thời gian, có VĐV tốt. Tìm được VĐV có tố chất đã khó, thuyết phục để người ta theo tập điền kinh để có thành tích còn khó hơn nhiều”.

Trong khi đó, theo HLV cự ly trung bình của đội điền kinh quốc gia Hồ Thị Từ Tâm, những HLV có trình độ được mời lên đội tuyển đã không chịu lên bởi lương ở đội tuyển thấp hơn lương ở tỉnh. HLV Hồ Thị Từ Tâm cho biết chị sắp về hưu, tuy nhiên suốt bao năm qua miệt mài đi tìm HLV kế cận cho nội dung trung bình nhưng tìm hoài không được.

HLV Từ Tâm nói: “Tìm HLV điền kinh giỏi rất khó vì các HLV hiện nay hầu hết đang làm việc tại các tỉnh. Những người có trình độ đa số họ đã có vị trí nhất định ở địa phương như trưởng bộ môn, gia đình họ cũng ở các địa phương đó. Thế nhưng để mời họ lên đội tuyển không phải chuyện dễ bởi lương mà đội tuyển trả cho các HLV còn thấp hơn lương các địa phương. Vì vậy không HLV nào muốn lên đội tuyển”.

Liên quan đến công tác đào tạo HLV điền kinh, nhiều HLV, nhà khoa học cho rằng hiện nay điền kinh VN quá thiếu HLV giỏi. Các HLV không chứng minh được bản thân qua thành tích của các VĐV bởi chính các HLV cũng không được đào tạo bài bản. HLV Từ Tâm cho rằng phải mất khoảng 13 năm mới cho ra được một HLV giỏi (8 năm làm việc ở cơ sở, 5 năm đi theo học việc từ các chuyên gia nước ngoài).

Hầu hết HLV xuất phát từ VĐV, ưu thế của các HLV này là kinh nghiệm thi đấu, tuy nhiên kiến thức và lý luận thì chưa tốt. Lý do bởi hầu hết VĐV quanh năm đi tập, không có thời gian học văn hóa. Khi có thành tích, họ được tuyển thẳng vào trường đại học thể thao. Tại đây, đa số “cũng học cho qua” để lấy bằng rồi ra huấn luyện.

Đánh giá VĐV bằng... mắt

Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Đức Chương - hiệu trưởng Trường đại học TDTT Đà Nẵng - cho biết hiện nay có rất nhiều phương pháp khoa học để đánh giá tố chất, khả năng thể thao của con người. Trong số đó, phương pháp xét nghiệm gen có thể coi là một trong những phương pháp đơn giản, không gây đau đớn.

Thế nhưng thực tế cho thấy 100% VĐV điền kinh và thể thao của VN hiện nay được tuyển chọn, đánh giá bằng con mắt kinh nghiệm của các HLV. Các phương pháp khoa học áp dụng trong tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao gần như không có khiến điền kinh và nhiều môn thể thao tại VN tiếp tục tụt hậu.

Khương Xuân/Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết