Những kết cục buồn
Đã mấy năm trôi qua nhưng nỗi buồn, những giọt nước xót xa của người mẹ ấy vẫn làm tôi nhớ mãi. Lúc đó đang vào thời gian mùa khai trường. Tôi đến nhà chị ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An thấy chị nhìn từng quyển sách, cuốn tập chuẩn bị cho con đến lớp còn chưa kịp bao bìa, dán nhãn mà nước mắt cứ tuôn trào.
Năm học này, con gái chị tên MNTT không đi học nữa vì mang thai gần 1 tháng. Còn 1 năm học cuối cấp, dù cha mẹ hết lời khuyên nhủ nhưng TT vẫn không đủ nghị lực, can đảm vượt qua vì xấu hổ.
Theo lời kể của mẹ TT, gia đình đã biết mối quan hệ giữa TT và bạn trai từ năm em học lớp 10. Khi ấy, gia đình cố khuyên răn dạy bảo, thấy con cũng ngoan ngoãn, học hành khá nên tưởng mọi việc đã chấm dứt. Nào ngờ, TT vẫn tiếp tục yêu đương và để xảy ra hậu quả đau lòng. Con đường tương lai, ước mơ vào đại học của T từ đó khép lại.
Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Cần Giuộc tư vấn, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh phổ thông Ảnh: Tấn Lộc
Cũng đang ở lứa tuổi học trò với bao ước mơ hoài bão phía trước nhưng em NTB ở xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa phải dừng lại chuyện học vì bạn gái cùng trường đang mang giọt máu của B. Dù biết cưới xin là vi phạm pháp luật nhưng vì “chuyện đã lỡ” nên gia đình đôi bên đành ngó lơ để 2 con về chung sống với nhau.
Vợ B sinh con, cả 2 sống hạnh phúc nhưng con đường phía trước còn lắm khó khăn bởi cả 2 đều chia tay sách vở, thầy cô, bè bạn khi chưa hết lớp 12, vì vậy để có một nghề nghiệp ổn định trong tương lai quả thật rất khó. Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” trong khi ở độ tuổi còn khá trẻ, vẫn còn ham chơi.
Có “vẽ đường cho hươu chạy”?
Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Thị Định - Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản tỉnh Long An cho biết: “Năm 2015 có 40 trường hợp các em ở độ tuổi vị thành niên đến trung tâm xin phá thai. Có những em khi hỏi ra chỉ mới học lớp 8. Có nhiều em đến muộn, thai quá to, trên 12 tuần nên chúng tôi phải tư vấn và hướng dẫn người nhà đưa em lên tuyến trên để giải quyết. Trong các trường hợp nạo, phá thai tuổi vị thành niên, khoảng 31% là học sinh, sinh viên; 61% chưa có gia đình; tuổi thai từ 7-12 tuần chiếm 48%”.
Trước thực trạng này, ngoài gia đình, xã hội, nhà trường cũng phải vào cuộc để tuyên truyền giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Ở Long An, hiện có 45 trường THCS và THPT thực hiện mô hình giáo dục sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên trong học đường.
Điển hình là Trường THCS và THPT Hà Long, vì trường có học sinh nội trú nên ngoài tuyên truyền, nhà trường chú trọng đến công tác quản sinh. Với hơn 100 em nội trú, trường tách biệt phòng nam, nữ và có giáo viên quản sinh theo dõi, điểm danh từ 16 giờ 30 phút đến 6 giờ 50 phút sáng mỗi ngày.
Việc giáo dục chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên được nhà trường thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp. Ngoài ra, hằng năm, nhà trường còn mời cán bộ, bác sĩ của Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.Tân An đến tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe tuổi vị thành niên, những tác hại khi quan hệ tình dục sớm và các biện pháp để tránh có thai ngoài ý muốn.
Theo thầy Phan Hùng Lâm – Chủ tịch Công đoàn Trường THCS và THPT Hà Long: “Nhiều phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm còn e ngại khi tuyên truyền, giáo dục những nội dung này. Nhưng theo tôi, đây là điều nên làm. Bây giờ, các em có thể tìm hiểu qua mạng internet nhưng cần phải có người tuyên truyền để nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, hướng đến những hành vi đúng đắn cho các em”.
Tuy nhiên, cũng có những luồng ý kiến cho rằng, nếu tuyên truyền không hiệu quả, chỉ mang tính chất “phong trào” thì vô tình sẽ trở thành “vẽ đường cho hươu chạy”. Vì vậy, gia đình, nhà trường và xã hội phải là một sợi dây liên kết thật chặt. Hãy chung tay giáo dục, giúp “hươu chạy đúng hướng”, hướng đến một lối sống thật đẹp, thật lành mạnh!/.
Theo số liệu từ Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, năm 2015, có 313/ 4.729 trường hợp phá thai ở độ tuổi 15 đến 19, chiếm tỷ lệ 6,62% và tăng 2,05% so với năm 2014. Ngoài ra, có 899/20.294 trường hợp sinh con ở độ tuổi 15 đến 19, chiếm tỷ lệ 4,43% tổng số trẻ sinh ra còn sống. |
Lê Đức