“Ba tháng bồi dưỡng, giáo viên cũng không thể dạy học tích hợp, dạy học liên môn” - đó là ý kiến của nhiều nhà quản lý, chuyên gia giáo dục về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến đóng góp của xã hội.
Theo các chuyên gia, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này đã đi đúng hướng, phù hợp với giáo dục hiện đại, giúp mỗi học sinh phát huy được khả năng của mình. Tuy vậy, vấn đề khó khăn nhất khi triển khai chương trình này là đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo để có thể dạy học tích hợp, dạy học liên môn. Hầu hết giáo viên đều được đào tạo dạy các môn chuyên sâu, nên việc dạy thêm 2 hoặc 3 môn khác trong nhóm môn học xã hội, hoặc tự nhiên là rất khó, đặc biệt ở bậc phổ thông.
Giáo viên cần được bồi dưỡng, đào tạo lại trước khi triển khai chương trình mới (Ảnh minh họa)
Ông Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, về phương pháp dạy học thì các giáo viên đều đáp ứng được, nhưng về mặt kiến thức môn học thì giáo viên phải được tập huấn dài ngày, thậm chí là đào tạo lại mới có thể dạy được.
Ông Lê Kim Long nói: “Từ xưa đến nay, mô hình dạy 2 môn chưa có ở Việt Nam. Trước đây ở Trường Sư phạm 2 có dạy xuyên ban. Có nghĩa là ai học Hóa - Sinh thì học 2 ban ấy, sau đó thì dạy 1 môn. Nhưng đến bây giờ, nếu 3 tháng ôn lại để dạy thì chuyện ấy là không khả thi. Vì các cụ đã nói “biết 10 dạy một”, thế bây giờ mình chưa đạt đến 10 thì ít nhất phải đạt đến 5 thì dạy. Như vậy thì không thể nói trong 3 tháng huấn luyện ôn trở lại mà dạy được”.
Ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu thì nhận định, chất lượng giáo viên hiện nay không đồng đều cả về kiến thức và phương pháp giảng dạy. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức khảo sát, đánh giá, phân loại giáo viên, để tổ chức hình thức tập huấn hoặc đào tạo lại phù hợp.
“Tôi cho rằng bài toán phải đặt vào từng giáo viên. Nhưng theo tôi thì cần ít nhất cũng phải một năm, còn có những giáo viên có thể không cần đào tạo họ vẫn có thể làm được. Rất nhiều giáo viên giỏi Toán thì đồng thời họ có thể giỏi Lý. Các trường sư phạm nên tranh thủ kinh nghiệm của các trường phổ thông để rồi tính đến câu chuyện đào tạo lại giáo viên” – ông Hán nói.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, do giáo viên có vai trò quan trọng trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không sẽ khó thành công: Bây giờ chúng ta đang dạy theo từng môn mà chuyển sang ngay dạy tích hợp, chẳng hạn như khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên thì không phải dễ dàng. Phải rất công phu, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên mới làm được.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ: “Chúng ta không nên nghĩ là dàn hàng ngang mà tiến. Tôi nghĩ nơi nào có chuẩn bị kỹ lưỡng, có điều kiện thì chúng ta tiến hành, còn nơi nào mà chưa đủ điều kiện thì chúng ta phải từ từ. Chứ bây giờ bắt đầu từ 2018 mà dàn hàng ngang cả nước thực hiện đến bây giờ tôi nghĩ là một điều cực khó”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tập huấn, đào tạo lại giáo viên phải điều chỉnh hài hòa giữa kiến thức và phương pháp giảng dạy. Nếu chỉ tập trung vào bồi dưỡng phương pháp giảng dạy mà xem nhẹ nền tảng kiến thức môn học thì hiệu quả giảng dạy của giáo viên sẽ không cao./.
Minh Hường/VOV-Trung tâm Tin