PGS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho biết, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) do Bộ GD-ĐT mới công bố có đầy đủ cơ sở khoa học giáo dục, đã tiếp cận xu hướng tiến bộ của thế giới, đặc biệt phát triển những ưu điểm của chương trình hiện hành.
Chương trình tổng thể lần này đã xác định rõ năng lực, phẩm chất hướng đến tư cách công dân; hướng đến mục tiêu chuẩn bị cho phần lớn các em tham gia vào đời sống xã hội một cách chắc chắn và cũng giúp cho các em chuẩn bị giáo dục phổ thông, sau phổ thông rất tốt.
Giáo viên thích ứng được với dạy tích hợp và phân hóa
PV: Chương trình GDPT tổng thể nhấn mạnh việc dạy tích hợp và phân hóa. Theo ông, đội ngũ giáo viên hiện nay đã đủ năng lực để dạy theo cách thức mới chưa?
PGS.TS Phạm Hồng Quang: Tích hợp và phân hóa là xu hướng tất yếu trong giáo dục. Bản chất của tích hợp và phân hóa giúp cho người học có cơ hội lựa chọn rất cao, đặc biệt giáo dục sau phổ thông. Đối với học sinh trung học có xu hướng phân hóa, tạo điều kiện cho các em đi sâu vào những lĩnh vực ngành nghề, giúp các em có sự lựa chọn sau phổ thông.
Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên trong trường sư phạm là khâu quan trọng trong đổi mới giáo dục (Ảnh minh họa)
Chúng tôi cho rằng, việc chuẩn bị giáo viên không có gì khó khăn. Bởi vì bản thân người giáo viên trong quá trình đào tạo cũng đã được học và nhà trường sư phạm cũng đã đào tạo theo quan điểm “biết 10 dạy 1”; với một học vấn nền tảng rộng, rất quan trọng, giúp cho giáo viên có thể thích ứng.
Ví dụ đối với giáo viên Hóa, Sinh, Công nghệ… Trước đây chúng ta đào tạo theo từng khoa nhưng trên thực tế trong quá trình học, dạy, các giáo viên ra trường có khả năng tích hợp rất cao. Trong chương trình mới, ở các trường sư phạm chúng tôi đang xây dựng đã coi trọng việc này, lấy những nội dung đó làm phương tiện để đào tạo, hình thành năng lực giáo viên mới.
Đối với hệ thống giáo dục phổ thông bây giờ, qua nghiên cứu chúng tôi thấy khả năng đó của giáo viên là hoàn toàn có thể và không có gì mâu thuẫn. Đặc biệt, việc chuẩn bị cho học sinh có xu hướng ngay từ THCS và THPT về phân hóa nghề nghiệp là xu hướng rất tốt, trên thế giới đã làm nhiều. Trong chương trình của ta lần này thể hiện rất rõ xu hướng này. Đây là điểm nhấn rất quan trọng đối với chương trình phổ thông mới.
PV: Đối với những vùng khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất hiện nay đã có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới chưa, thưa ông?
|
PGS.TS Phạm Hồng Quang |
PGS.TS Phạm Hồng Quang: Ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Tuy nhiên, mục tiêu chính của đề án đặt yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới năng lực người giáo viên.
Chức năng của người giáo viên trước đây nếu như chủ yếu tập trung vào việc truyền đạt, thì lần này nhấn mạnh chức năng hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn và phát triển người học, đòi hỏi trách nhiệm của người giáo viên rất cao.
Trong điều kiện hiện có ở vùng dân tộc thiểu số, chúng tôi đã có những nghiên cứu, đặc biệt hợp tác với nước ngoài và đã chứng minh được rằng, trong bối cảnh cụ thể với điều kiện chưa phải là tốt lắm. Nhưng với quyết tâm cao, sự nỗ lực của giáo viên có thể hoàn thành tốt. Thực tiễn đã chứng minh có nhiều vùng dân tộc thiểu số, nông thôn, xa xôi hẻo lánh nhưng có chất lượng giáo dục tốt.
Quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên nắm bắt được tư tưởng mới, đổi mới về phương pháp, cách giảng dạy, cách đánh giá, tạo ra diện mạo mới của hệ thống nhà trường. Tuy nhiên cơ sở vật chất cũng phải đảm bảo ngưỡng tối thiểu.
Đổi mới đào tạo giáo viên trong trường sư phạm
PV: Các trường sư phạm, nơi đào tạo giáo viên, sẽ phải thay đổi như thế nào để đáp ứng được yêu cầu mới, thưa ông?
PGS.TS Phạm Hồng Quang: Chúng tôi coi trọng cách tiếp cận hệ thống để giải quyết đồng bộ nhà trường, trong đó nổi bật hai vấn đề lớn đó là: Thứ nhất, đổi mới đồng bộ chương trình đào tạo giáo viên. Nhiệm vụ đào tạo giáo viên mới và bồi dưỡng giáo viên đã được xây dựng và bắt đầu triển khai.
Thứ hai, nâng cao năng lực của giảng viên đại học sư phạm, trong đó đặt trọng tâm vào 4 năng lực cơ bản. Bên cạnh năng lực ngoại ngữ và tin học, chúng tôi coi trọng năng lực phát triển chương trình của giảng viên sư phạm, thông qua đó để hướng dẫn các giáo sinh biết phát triển chương trình nhà trường, chương trình môn học; nâng cao năng lực tổ chức nghiên cứu khoa học của sinh viên sư phạm, để ra trường có thể tiếp cận theo hướng vừa là nhà giáo, vừa là nhà khoa học hướng dẫn cho học sinh trong nghiên cứu khoa học; năng lực phát triển tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, năng lực giảng dạy những môn tích hợp và năng lực đánh giá.
Đến thời điểm này, trong hệ thống các trường sư phạm đã hình thành đội ngũ chuyên gia để phát triển chương trình nhà trường, chương trình môn học và sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
PV: Thưa ông, để đào tạo giáo viên theo chương trình mới các trường sư phạm có phải thiết kế lại chương trình, phân khoa, phân chuyên ngành lại không?
PGS.TS Phạm Hồng Quang: Hiện nay chúng ta đang phân khoa theo môn học như: Lý, Hóa, Sinh… Thực ra theo chương trình mới đòi hỏi phải có cách làm mới và chúng tôi đã đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ.
Trước hết, chúng tôi xác định đây là chương trình ngành của nhà trường, thậm chí liên ngành của các trường. Chính vì vậy phải xóa bỏ cát cứ các môn học theo định nghĩa và ranh giới rõ ràng của từng khoa. Như vậy nhà trường sẽ chỉ đạo từng chuyên gia ở từng lĩnh vực như Lý, Hóa, Sinh… để xây dựng chương trình nhà trường.
Việc phân khoa sinh viên vào đó có thể theo mô hình hiện tại, song thực chất năng lực các em được hình thành là năng lực, học vấn tổng hợp. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề dạy tích hợp, vừa đi sâu phân hóa. Chúng tôi xác định khi phá vỡ được cát cứ đó, vấn đề sẽ được giải quyết. Chắc chắn trong một tương lai gần, các trường sư phạm cũng sẽ phải tái cấu trúc lại tên các bộ môn, tên khoa.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS. Phạm Hồng Quang./.
Lại Thìn/VOV.VN (ghi)