Tăng trưởng chậm
3 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,82% (kế hoạch đề ra là từ 9,2-10%), quy mô kinh tế của tỉnh Long An đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng định hướng phát triển công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp. Đặc biệt, quy mô công nghiệp từng bước phát triển tốt, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước triển khai dự án tại tỉnh, phát triển nhiều ngành nghề mới như điện, điện tử, cơ khí, sản xuất điện năng lượng mặt trời, công nghiệp chế biến nông sản. Đặc biệt, DN trong nước đã bắt đầu chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế. Công nghiệp chế biến luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành Công nghiệp của tỉnh.
Giai đoạn hiện nay, DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động của lạm phát toàn cầu, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, lãi suất cao gây nhiều khó khăn cho phục hồi sản xuất như thời điểm trước dịch Covid-19. Qua khảo sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ở DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quí I/2023, có 26% số DN (được khảo sát) đánh giá tình hình sản xuất tốt hơn so với quí IV/2022; 34% số DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và 40% số DN đánh giá gặp khó khăn.
Năm 2023, tỉnh triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn và cả lâu dài để cộng đồng doanh nghiệp vững bước vượt qua khó khăn, thách thức
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
“Luôn đồng hành cùng DN, xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh, thành công của DN là thành công của tỉnh” là phương châm của lãnh đạo tỉnh. Theo đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn và cả lâu dài để cộng đồng DN vững bước vượt qua khó khăn, thách thức.
Nhiều năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai, thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng theo Quyết định số 692/QĐ-UBND, ngày 25/01/2021 của UBND tỉnh đạt mục tiêu, yêu cầu, lộ trình đề ra. Từ chương trình này, nhiều DN trong tỉnh được hỗ trợ kinh phí để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa; áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2023, Sở KH&CN tiếp tục triển khai chương trình này và đây cũng là nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh với kinh phí khoảng 2 tỉ đồng. Theo đó, Sở khảo sát, hỗ trợ DN xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn áp dụng; quy chuẩn kỹ thuật; đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến; chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, Sở tổ chức phổ biến các quy định về năng suất, chất lượng, lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Từ các chương trình hỗ trợ này, không ít DN trên địa bàn tỉnh đoạt giải thưởng chất lượng quốc gia, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Điển hình như Công ty (Cty) Cổ phần Cơ khí chế tạo máy Lamico, Cty TNHH Nhôm Nam Sung, Cty Cổ phần Cấp thoát nước Long An,...
Sở KH&CN đang xúc tiến khảo sát, chọn lựa sản phẩm địa phương, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để xác lập, bảo hộ và phát triển thương hiệu thông qua xây dựng kế hoạch thực hiện hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo và nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Triển khai nhiều giải pháp
Về lĩnh vực thương mại, Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, nhiều năm qua, Sở tăng cường hỗ trợ DN tham gia các cuộc hội chợ thương mại, hội nghị kết nối, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau giữa các DN trong tỉnh. Hầu hết DN tham gia chương trình đều mang lại hiệu quả, đầu ra sản phẩm ngày càng tốt hơn. Năm 2023, Sở xây dựng kế hoạch, tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ và thị trường trong nước. Chương trình khuyến công cũng được thực hiện, mang lại hiệu quả cho DN thông qua đổi mới trang thiết bị sản xuất.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, chương trình xúc tiến thương mại chủ yếu gói gọn trong nước nên đầu ra sản phẩm chưa như mong muốn. Năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở Công Thương kiến nghị UBND tỉnh phân bổ thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ DN tham gia xúc tiến thương mại ở nước ngoài, hỗ trợ tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới. Năm 2022, Sở tập trung rà soát, cắt giảm 8 thủ tục hành chính mà ngành phụ trách để giảm phiền hà cho DN. Hiện Sở tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho DN.
Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp cho biết, để tiếp tục hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, Sở thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, Sở thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc người dân, DN phải đi lại nhiều lần.
Năm 2023, công tác cải thiện hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư tiếp tục được thực hiện thông qua tổ chức tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế mạnh trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư, quan tâm thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng đất hiệu quả. UBND tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều buổi đối thoại với DN để kịp thời nắm bắt và tập trung lãnh, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN./.
Thanh Tùng